Đầu tư dịch vụ, khách hàng lợi

16:30 | 26/04/2018

Trong mùa ĐHĐCĐ 2018, phần lớn các NHTMCP đều cho biết kế hoạch năm 2018 là chuyển dịch mạnh cơ cấu nguồn thu theo hướng tăng thu từ dịch vụ. Theo giới chuyên môn, thời gian đầu chuyển đổi là thời điểm tốt nhất để người tiêu dùng hưởng lợi.

Quan trên trông xuống, người ta trông vào…
Bổ sung nhân sự chuyên nghiệp, ngân hàng chuẩn bị đón cổ đông “ngoại”
Vững niềm tin nơi các cổ đông chiến lược

Chuyển dịch cơ cấu nguồn thu

Mới đây, trong ĐHĐCĐ 2018 của Sacombank, NH này đặt mục tiêu tái cơ cấu, đẩy mạnh sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ cao trong năm nay.

dau tu dich vu khach hang loi
Khách hàng nên tận dụng thời điểm này sử dụng dịch vụ ngân hàng miễn phí

Trước đó, VietBank cũng tổ chức ĐHĐCĐ và thông báo rằng, NH đã đầu tư 300 tỷ đồng vào hệ thống NH lõi (core banking) và hợp tác với Finastra xây dựng hệ thống quản trị mới cho NH, sẽ chính thức vận hành từ năm 2019. Mục tiêu của NH này là nâng doanh thu từ dịch vụ lên mức 10% trong năm nay và 20% vào năm 2020 để không phải lệ thuộc vào “độc canh” tín dụng.

Tương tự, năm 2017, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của SCB tăng mạnh so với năm 2016. Theo đó, trong ĐHĐCĐ lãnh đạo NH này đặt mục tiêu cho năm 2018 là chuyển đổi cơ cấu tài chính với trọng tâm là chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng tăng thu ngoài lãi gồm thu phí dịch vụ, lợi nhuận kinh doanh chứng khoán, lợi nhuận kinh doanh ngoại hối và thu góp vốn mua cổ phần. Cụ thể hơn, SCB tiếp tục đẩy mạnh các dịch vụ thẻ tín dụng quốc tế, chuyển tiền, NH điện tử, bảo hiểm, thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại, bảo lãnh, tư vấn tài chính. SCB cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2020 đạt 2 triệu khách hàng cá nhân, trong đó năm 2018 sẽ là bước đệm để phát triển với tăng trưởng 300.000 khách hàng.

Không đứng ngoài cuộc, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cũng cho biết, NH đã có những chiến lược rất cụ thể trong việc bán sản phẩm tài chính, trong đó đặc biệt chú trọng mảng dịch vụ phi tín dụng để tăng lợi nhuận.

Nhìn chung, năm 2018 sẽ là năm đột phá của NH thông qua phát triển dịch vụ phi tín dụng, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ NH. Bởi kênh này sẽ giúp phân tán rủi ro, có nguồn thu nhập ổn định và tăng lợi nhuận.

Khách hàng được lợi

Thực tế, chính sách chuyển dịch cơ cấu là chiến lược lâu dài của khối NH. Đặc biệt, những sản phẩm dịch vụ mới được triển khai luôn luôn được NH áp dụng miễn phí và người tiêu dùng không chỉ được sử dụng thử sản phẩm - dịch vụ mới mà còn được tặng thêm quà, thêm tiện ích để trải nghiệm để “so bó đũa, chọn cột cờ”.

Ví dụ rõ nhất là các ứng dụng internet banking và mobile Banking… người tiêu dùng được phép sử dụng tất cả những ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất cho các hoạt động giao dịch tài chính mà phí dịch vụ chỉ vài ngàn đồng/tháng. Đối với những người lần đầu tiên đăng ký sử dụng dụng vụ, không chỉ được miễn phí mà còn được tặng quà, tặng tiền khi tải ứng dụng.

Không chỉ vậy, một số NH đang thí điểm kết hợp tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ quốc tế và internet banking thành từng gói dịch vụ cung cấp cho khách hàng trải nghiệm. Với hình thức này, người tiêu dùng được lợi thế là không phải chi trả nhiều loại phí giao dịch khác nhau từ nhiều NH khác nhau mà có thể sử dụng một gói phí cho nhiều dịch vụ.

Chi tiết hơn, người dùng hiện nay được mở gói tài khoản bao gồm tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ quốc tế và NH điện tử.

Điểm đáng ghi nhận là các gói cước phí giao dịch mà khối NH đang triển khai đều khá nhỏ (khoảng vài chục cho tới 100 ngàn), thậm chí vài NH còn đang công bố miễn phí sử dụng gói cho các đối tượng là DN, hay hộ kinh doanh…

Liên quan đến mục tiêu cải thiện nguồn thu từ dịch vụ, một chuyên gia tài chính thừa nhận, các NH đã và đang nỗ lực lớn để chờ cơ hội tăng thu nhập từ dịch vụ. Trong tương lai, nếu thu nhập người dân được cải thiện, nhu cầu sử dụng dịch vụ NH sẽ cao hơn, lúc đó, việc chuyển dịch cơ cấu nguồn thu của NH sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, về phía người tiêu dùng, lúc này là thời điểm vàng để làm quen với dịch vụ tài chính hiện đại với chi phí rẻ.

Trong một báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, cơ cấu tạo doanh thu của các NH đang có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể, năm 2017, lợi nhuận từ mảng dịch vụ của nhiều NH đang có xu hướng đi lên, từ mức 8,7% lên 10%/tổng thu nhập hoạt động, lãi thuần từ hoạt động khác tăng từ 6,4% lên 7,1% hay lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng tăng từ 0,07% lên 1,5%/tổng thu nhập hoạt động. Điều này cho thấy các NH đang giảm dần phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và chọn nguồn thu từ dịch vụ là mục tiêu trọng tâm trong năm 2018 này.

Lâm Anh

Tin đọc nhiều