Đầu tư năng lượng tái tạo: Cơn sốt có sớm hạ nhiệt?!

10:29 | 14/12/2018

Mặc dù các chuyên gia, tổ chức quốc tế và NĐT rất kỳ vọng vào tiềm năng đầu tư năng lượng tái tạo, song vẫn còn rất nhiều nút thắt cần tháo gỡ để lĩnh vực này phát triển mạnh trong thời gian tới.

Năng lượng tái tạo là lĩnh vực đang thu hút được nhiều sự quan tâm của các NĐT tại Việt Nam hơn bao giờ hết. Tuy nhiên với khả năng đưa nguồn năng lượng này vào cuộc sống còn hạn chế, đang có lo ngại đầu tư vào lĩnh vực này sẽ trở thành phong trào nhất thời mà không mang lại nhiều hiệu quả.

dau tu nang luong tai tao con sot co som ha nhiet
Năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh trên thế giới

Nhiều yếu tố thuận lợi

Theo báo cáo “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam năm 2018”, sau khi giá bán điện mặt trời được Chính phủ điều chỉnh tăng lên mức 9,35 cent/kWh vào hồi tháng 4/2017, trung bình có 9 dự án sản xuất và phân phối điện gió và điện mặt trời được đăng ký mỗi tháng. Tính chung trên cả nước, đến cuối tháng 8/2018, có 121 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với tổng công suất phát dự kiến trước năm 2020 là 6.100 MW. Còn theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương, theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020 công suất điện gió sẽ đạt 800MW và đến năm 2030 đạt 6.000MW.

Việc điều chỉnh giá bán điện cùng một số chính sách hỗ trợ khác đã khiến đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo khởi sắc, trái ngược với sự ảm đạm mấy năm trước. Cùng với tỉnh Ninh Thuận và một số địa phương ở miền Trung, các dự án đầu tư vào điện gió và điện mặt trời đã hiện diện ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với quy mô khá lớn.

Có thể kể đến một số dự án lớn được đăng ký đầu tư trong năm vừa qua. Đơn cử, tỉnh Trà Vinh chấp thuận cho 3 NĐT thực hiện dự án Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh với tổng vốn đầu tư gần 3.370 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 2020. Tương tự, dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu có công suất lớn nhất trong số 4 dự án điện gió đang hoạt động tại Việt Nam cũng được triển khai. Tỉnh Sóc Trăng cũng đang triển khai dự án điện gió của Tập đoàn Phú Cường nằm ở khu vực bãi bồi ven biển của tỉnh, có tổng quy mô công suất khoảng 800MW, tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD…

E ngại vì rào cản

Dù hoạt động đầu tư vào năng lượng tái tạo đã có bước chuyển tích cực, song theo các chuyên gia, đây mới chỉ là những bước đi ban đầu trong khi Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực này. Báo cáo mới nhất của Nhóm công tác ngành Điện và năng lượng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cũng đã chỉ ra vai trò hết sức quan trọng của thành phần kinh tế tư nhân đối với phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên báo cáo này lưu ý rằng đầu tư tư nhân vào sản xuất điện năm 2017 tại Việt Nam chỉ đạt không quá 4% tổng lượng điện sản xuất ra. Vì vậy cần có chiến lược đồng bộ để khuyến khích tư nhân tham gia nhằm bảo đảm cung cấp 70% lượng điện và đầu tư cơ sở hạ tầng sau này.

Ông John Rockhold - Trưởng Nhóm công tác Điện và năng lượng đã chỉ ra các yếu tố thuận lợi cũng như lợi ích của việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Theo đó, các tập đoàn nước ngoài và DNNVV của Việt Nam đang sản xuất, chế tạo các thiết bị năng lượng tái tạo để xuất khẩu. Nếu Việt Nam có chính sách phù hợp để bảo đảm tính khả thi về kinh tế khi đầu tư vào năng lượng tái tạo thì sẽ có sự gia tăng lớn về việc làm ở các DNNVV và lao động trong nước.

Bên cạnh đó, hiện nay người tiêu dùng mà cụ thể là các tập đoàn sản xuất lớn đều muốn được sử dụng năng lượng sạch. Các DN như Tập đoàn RE, Apple, Nike, IKEA... đang đi đầu trong trào lưu này nhằm tìm hướng sản xuất, kinh doanh trong khi vẫn bảo đảm các yêu cầu về môi trường xanh. Nhờ đó, giá thành của các công nghệ điện mặt trời và điện gió đang ngày một giảm, gần ngang bằng với giá thành năng lượng sản xuất từ khí tự nhiên và than, vốn đang tới hạn.

Mặc dù các chuyên gia, tổ chức quốc tế và NĐT rất kỳ vọng vào tiềm năng đầu tư năng lượng tái tạo, song vẫn còn rất nhiều nút thắt cần tháo gỡ để lĩnh vực này phát triển mạnh trong thời gian tới. Trước hết là nút thắt về giá điện gió và điện mặt trời chưa đủ hấp dẫn các NĐT. GS-TS. Lê Chí Hiệp - Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu năng lượng bền vững, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chỉ rõ, giá thành trên 2.000 đồng/kWh điện là chưa đủ hấp dẫn NĐT. Trong khi đó, theo ông Steve Sawyer, Tổng thư ký Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC), Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện tính hiệu quả, minh bạch trong các quy định của thị trường cũng như quy trình đấu thầu mua sắm.

Bên cạnh đó, các NĐT vẫn e ngại hợp đồng mua bán điện (PPA). Mẫu PPA hiện nay rất khó để huy động vốn vì các điều khoản mang nhiều rủi ro cho NĐT. Ông John Rockhold, Trưởng Nhóm công tác Điện và năng lượng nhấn mạnh, một điều kiện then chốt để thành công là phải định giá chính xác nguồn điện sản xuất. Hiện nay, các phương thức phân bổ rủi ro hợp đồng đối với điện mặt trời và điện gió theo cơ chế PPA đang làm dấy lên những quan ngại về tính khả thi từ các bên cấp vốn quốc tế, nước ngoài và cả NĐT tư nhân về giá điện. Trong khi đó theo NĐT, Nhà nước vẫn phải hỗ trợ ngành than, đánh thuế cao đối với nguồn khí đốt nhập khẩu, khiến giá bán điện thấp hơn giá thành, dẫn đến lãng phí lớn.

Đó là chưa kể một số vấn đề khác như giải quyết tranh chấp áp dụng theo luật Việt Nam. Trong trường hợp không thể thương lượng hoặc dàn xếp, tranh chấp chỉ có thể được khởi tố tại toà án Việt Nam.

Ngoài ra, cần có hệ thống truyền tải, đấu nối với lưới quốc gia tại các vị trí xây dựng dự án và phải tính toán hệ thống điều độ sao cho không xảy ra quá tải hoặc hụt tải ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Điều này yêu cầu nguồn vốn rất lớn dành cho truyền tải và điều độ, vốn thuộc về trách nhiệm của ngành điện, bên cạnh vốn sản xuất do các chủ đầu tư bỏ ra.

Theo ông Steve Sawyer, Tổng thư ký Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC), Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện tính hiệu quả, minh bạch trong các quy định của thị trường cũng như quy trình đấu thầu mua sắm.

Khanh Đoàn

Tin đọc nhiều