Đầu tư vào nông nghiệp: Nhận diện rào cản thể chế

10:17 | 18/01/2017

Đối với đầu tư vào nông nghiệp, đất đai và quyền sử dụng đất là tài sản đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy các giải pháp chính sách cần ưu tiên bảo vệ các quyền tài sản, quyền hợp đồng một cách chắc chắn.

Cần cải thiện đầu tư vào nông nghiệp
“Làn sóng” đầu tư vào nông nghiệp sạch
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Doanh nghiệp còn hoài nghi

Nông nghiệp vẫn chưa thực sự là mảnh đất màu mỡ đối với những NĐT muốn nhanh chóng “hái quả ngọt”. Bởi theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thực hiện với 685 DN đầu tư trong lĩnh vực này năm 2015, thì tình hình kinh doanh không mấy khả quan.

Chỉ có 9% DN cho biết có lãi như kỳ vọng, 52% DN lãi ít, 13% DN hoà vốn và có tới 26% DN được khảo sát cho biết họ bị thua lỗ. Vì ở trong tình trạng “chậm lớn” triền miên như vậy, nên đa phần DN đầu tư vào nông nghiệp đến nay vẫn duy trì quy mô nhỏ. Cụ thể là 65% số DN tham gia khảo sát có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng, 73% DN có dưới 50 lao động.

dau tu vao nong nghiep nhan dien rao can the che
Thúc đẩy đầu tư của DN vào nông nghiệp phải thay đổi từ thể chế

Chủ trương kéo DN vào đầu tư nông nghiệp không còn mới mẻ, song thực tế cho thấy hiệu quả vẫn chưa cao, mà nguyên nhân chính được cho là do chính sách. Đặc điểm của đầu tư nông nghiệp là thường đòi hỏi vốn lớn, thu hồi vốn chậm, tỷ suất lợi nhuận thấp và rủi ro cao. Tuy nhiên chính sách hiện nay lại chưa khắc phục được các hạn chế này.

Đối với đầu tư vào nông nghiệp, đất đai và quyền sử dụng đất là tài sản đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy các giải pháp chính sách cần ưu tiên bảo vệ các quyền tài sản, quyền hợp đồng một cách chắc chắn. Kinh nghiệm của các nước cũng cho thấy, cần tăng cường bảo hộ các quyền này một cách toàn vẹn và lâu dài. Các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ, định hướng thị trường nếu có để thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp chỉ là bước tiếp theo sau khi quyền tài sản, quyền hợp đồng được bảo vệ một cách chắc chắn.

Nhưng thực tế ở Việt Nam cho thấy, khi quyền tài sản chưa được bảo đảm cao do rủi ro bị thu hồi, can thiệp vào quyền sở hữu, thay đổi quy hoạch rất lớn; quyền thực thi hợp đồng cũng chưa được bảo vệ do DN rất dễ bị người nông dân phá bỏ thoả thuận; hệ thống tư pháp chưa hỗ trợ hiệu quả để bảo vệ quyền lợi chính đáng... thì những giải pháp về ưu đãi, hỗ trợ, định hướng chưa phát huy được nhiều tác dụng. Trong khi đó, xu hướng chính sách hiện nay dường như lại đang quá chú trọng vào các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ, định hướng thị trường, thậm chí là làm thay thị trường.

Một ví dụ là trong thu hút đầu tư vào lâm nghiệp, trồng rừng thì cần bảo hộ quyền của NĐT khi bỏ vốn để phát triển rừng. Chỉ khi nào người dân và DN tin tưởng vững chắc rằng mình có đủ các quyền của chủ tài sản đối với rừng, thì họ mới yên tâm bỏ vốn và công sức đầu tư.

Muốn làm được điều này, đòi hỏi các quy định cụ thể của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng phải được xây dựng theo hướng ghi nhận vững chắc quyền của chủ rừng, và hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào các quyết định của chủ rừng. Khuyến khích đầu tư, nhưng lại hạn chế quyền khai thác, quyền rút vốn ra thì sẽ triệt tiêu động lực.

Có thể dẫn chứng, những quy định hiện nay yêu cầu chủ rừng sản xuất phải có hồ sơ thiết kế khai thác rừng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt hàng năm và thủ tục rất nhiêu khê trước khi được khai thác rừng của chính mình. Nhiều DN phản ánh, do độ che phủ rừng là một trong những chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nên các Sở NN&PTNT thường tìm cách gây khó khăn khi DN có nhu cầu khai thác tài sản của chính mình.

Chính sách này những tưởng khuyến khích trồng, hạn chế chặt rừng, sẽ có tác dụng tăng độ che phủ rừng. Nhưng trên thực tế, nhiều DN và người dân đã chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực khác, thay vì đầu tư vào rừng vì quyền rút lui khỏi thị trường của họ bị gây khó dễ.

Cản trở khác từ thể chế là về quy hoạch. Rất nhiều lĩnh vực nông nghiệp đang được quản lý, can thiệp thô bạo bằng quy hoạch. Quy hoạch ngành hàng, quy hoạch đến từng loại sản phẩm nông nghiệp là sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào thị trường, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh và nguy cơ lãng phí, nhũng nhiễu tiêu cực.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2014, các bộ, ngành và địa phương đã tổ chức lập 12.860 quy hoạch, trong đó có 3.538 quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm. Rất nhiều trong số này thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Ví dụ quy hoạch nuôi, chế biến cá tra đến năm 2020, quy hoạch phát triển tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030…

Thực tế cho thấy đã có nhiều loại quy hoạch sản phẩm nhưng hoàn toàn không có tác dụng đối với thị trường, khiến tình trạng “vỡ quy hoạch” diễn ra thường xuyên. Trong khi đó, quy hoạch được sử dụng như một “giấy phép kinh doanh” gia nhập thị trường, nhưng điều tệ hại là nó không có thủ tục, quy trình rõ ràng, nặng tính xin cho. Và hậu quả để lại là rất lớn như cản trở tiếp cận thị trường và gây lãng phí lớn nguồn lực của xã hội.

Hạn điền tại Luật Đất đai là một cản trở khác về thể chế. Quy định về hạn điền trong Luật Đất đai làm tăng chi phí sản xuất, giảm động lực cơ giới hoá, áp dụng công nghệ cao và không khuyến khích đầu tư bài bản dài hạn. Kinh doanh manh mún nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng gặp khó khăn. Vì giới hạn cứng của hạn điền, nên trên thực tế có tình trạng chủ đất lách quy định nhờ người khác đứng tên tạo ra rủi ro lớn và chi phí cao…

Vì thế, giải pháp cần áp dụng là phải mở rộng, tiến tới bãi bỏ hạn điền; Kéo dài thời hạn sử dụng đất, quy định cụ thể về việc tiếp tục sử dụng đất sau khi hết thời hạn; Có các quy định hạn chế về thu hồi đất nông nghiệp màu mỡ, hoặc trao thẩm quyền cho Toà án thu hồi đất.

Cuối cùng, cần tăng cường quyền hợp đồng và bảo đảm thực thi hợp đồng trong nông nghiệp. Nhà nước cần thúc đẩy việc phát triển các loại hợp đồng nông nghiệp, bảo đảm quyền lợi cho cả hai phía DN và nông dân; Xây dựng cơ chế bảo vệ quyền hợp đồng của hai bên.

Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, VCCI

Tin đọc nhiều