Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN

08:28 | 07/12/2016

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải chấp nhận rút vốn Nhà nước ở những khu vực tư nhân có thể làm được để tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế có điều kiện phát triển bình đẳng thì mới có thể tạo được sức mạnh tổng hợp cho nền kinh tế.

Cổ phần hóa DNNN hút nhà đầu tư ngoại
Nhiều nỗ lực trong cổ phần hoá
Cổ phần hóa DNNN: Thách thức thu hút vốn ngoại

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020 diễn ra chiều 6/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao trách nhiệm cho cá nhân lãnh đạo các bộ ngành, chủ tịch các tập đoàn, DNNN phải báo cáo lộ trình thực hiện việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa đơn vị mình trong nhiệm kỳ lãnh đạo. Bộ nào không thực hiện hoặc chậm thực hiện, bộ trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm…

Báo cáo với Chính phủ việc cổ phần hóa qua kinh nghiệm của Tập đoàn Dệt may, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Trần Quang Nghị cho biết, qua cổ phần hóa, giá trị của tập đoàn từ hơn 4.300 tỷ đồng đã nâng lên thành hơn 5.000 tỷ đồng, con số nhỏ nhưng quyết tâm lớn. Cho rằng cổ phần hóa chính là con đường tốt nhất để đổi mới, cạnh tranh và hội nhập, ông Nghị lý giải, tốc độ cổ phần hóa chậm, vì các DNNN không có sự quyết liệt, thiếu tự giác, thiếu trách nhiệm với Chính phủ, với đất nước.

Tự nhận bản thân mình cũng như các chủ tịch tập đoàn kinh tế Nhà nước là “các ông chủ giả” sống bằng tiền Nhà nước khỏe hơn nhiều so với việc tự bỏ tiền ra đầu tư, trong khi vẫn ung dung nhận lương như những ông chủ thật, không phải chịu áp lực nào khác ngoài việc phải bảo toàn và phát triển vốn, mà việc này, là quá đơn giản, chỉ cần ngồi không, không làm gì…

Chủ tịch Tập đoàn Dệt may kêu gọi, “đã đến lúc các ông chủ giả như chúng ta cần hết sức chia sẻ với Chính phủ để đẩy mạnh tốc độ cổ phần hóa, giảm bớt nỗi lo cho Chính phủ, cho đất nước”.

day nhanh tien do co phan hoa dnnn

Nhắc đến lời của Thủ tướng trong hiệu triệu các NĐT “bằng cả trái tim và khối óc”, ông Nghị nhấn mạnh, trong việc cổ phần hóa, Chính phủ phải hết sức cân nhắc để làm sao đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, cổ đông chiến lược phải là những người tâm huyết đi đường dài cùng DN chứ không phải là lướt sóng, thì mới có thể giúp DNNN sau cổ phần hóa trở nên mạnh mẽ và phát triển bền vững. Vị này còn đề nghị Chính phủ cử “đặc phái viên” xuống DN để thúc đẩy quá trình này.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Đổi mới DN, năm 2001 cả nước có khoảng 6.000 DNNN, đến năm 2011 có 1.369 DNNN. Qua sắp xếp, tính đến 31/12/2015, cả nước còn 778 DNNN và đến hết tháng 10/2016 vẫn còn 718 DNNN, tính chung 10 tháng/2016 chỉ sắp xếp được 60 DNNN.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển DN cho rằng quá trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN diễn ra chậm. Tuy giảm mạnh về số lượng nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước được bán ra khi cổ phần hóa và sau khi thoái vốn còn thấp. Trong khi đó, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ, một số DNNN có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao và còn tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn lực. Đặc biệt, một số vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây hậu quả kinh tế lớn, làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước.

Trước thực trạng này, Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), ông Nguyễn Đức Chi cũng nêu lên nỗi khổ tâm của các anh cả đó là trong đánh giá DNNN, cần đánh giá tổng thể chứ không đánh giá đơn lẻ vì hoạt động đầu tư kinh doanh, có hoạt động mang lại hiệu quả, có hoạt động mang lại rủi ro do các nguyên nhân khách quan không thể tính được nhưng xét tổng thể thì doanh nghiệp vẫn làm ăn hiệu quả…

Thể hiện một thái độ rất cứng rắn và cương quyết trong việc sắp xếp lại DNNN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải chấp nhận rút vốn Nhà nước ở những khu vực tư nhân có thể làm được để tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế có điều kiện phát triển bình đẳng thì mới có thể tạo được sức mạnh tổng hợp cho nền kinh tế. “Nhưng nói như vậy không có nghĩa là cổ phần hóa bằng mọi giá, bán hết vốn Nhà nước để tư nhân nhảy vào thâu tóm tất cả các lĩnh vực, chi phối tất cả lĩnh vực. Những lĩnh vực quan trọng liên quan đến an ninh quốc phòng, tài chính ngân hàng hay năng lượng quốc gia Nhà nước vẫn giữ vai trò then chốt.

Thủ tướng cũng cho biết, ngay trong tháng 12 tới, ông sẽ ký các văn bản để làm nền tảng đẩy nhanh quá trình này bởi đổi mới, sắp xếp, và cổ phần hóa DNNN là nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2017 mà các thành viên Chính phủ phải thực hiện.

Dẫn ví dụ một số điển hình về hiệu quả của việc cổ phần hóa một số tập đoàn, DNNN như VNPT, VNM, VNA… Thủ tướng cho rằng, đây là việc cần triển khai quyết liệt trong thời gian tới, bởi nếu chúng ta cứ ngại không làm, cứ để mãi vậy thì sẽ không thể sắp xếp, cổ phần hóa được DNNN… Nếu thực hiện đúng lộ trình và đúng cách sẽ giúp thay đổi quản trị DNNN, tạo điều kiện cho DN tư nhân cùng phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt hơn, công tác cổ phần hóa còn góp phần phòng chống tham nhũng vì có nhiều cổ đông cùng tham gia giám sát hoạt động của DN…

Thủ tướng yêu cầu, các bộ ngành cần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cổ phần hóa, tạo môi trường cạnh tranh cả đầu vào và đầu ra trong hoạt động của DNNN. Bên cạnh đó, phải tìm cách làm cho khu vực DNNN nhỏ đi, nhưng từng DNNN phải mạnh lên và hiệu quả hơn. Thủ tướng cũng giao trách nhiệm cho cá nhân lãnh đạo các bộ ngành, chủ tịch các tập đoàn DNNN phải báo cáo lộ trình thực hiện việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa đơn vị mình trong nhiệm kỳ lãnh đạo. Bộ nào không thực hiện hoặc chậm thực hiện, bộ trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm.

“Không để tình trạng lãnh đạo vừa họp với Thủ tướng Chính phủ xong, tài liệu để quên trong ngăn bàn, rồi không thực hiện. Làm chậm cũng bị xử lý, không làm thì phải đổi”, Thủ tướng cương quyết.

Trần Hương

Tin đọc nhiều