Để có 1 triệu Doanh nghiệp

08:39 | 19/05/2016

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển Doanh nghiệp (DN) đến năm 2020, trong đó nội dung quan trọng nhất là mục tiêu phát triển lên 1 triệu DN.

Kiện toàn Ban đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thành phố Hà Nội
Vay vốn ADB phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL: Cần chú trọng phát triển doanh nghiệp

Đầu tuần này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, trong đó nội dung quan trọng nhất là mục tiêu phát triển lên 1 triệu DN. Đáng chú ý hơn nữa, Nghị quyết còn mong muốn sẽ có những DN lớn và mạnh. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng một nửa GDP và tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm và hàng năm 30-35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo - những “tham vọng” rất lớn.

Gắn với “tham vọng” đó, Nghị quyết 39 đặt ra các mục tiêu một cách chi tiết, nhiệm vụ bao quát cho tất cả các cơ quan nhà nước. Trong đó, điểm mới là vai trò của các hiệp hội và DN được đề cao hơn, khi thì là cơ quan hỗ trợ, lúc thì có vai trò phản biện, giám sát... Tinh thần “Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ” cũng được thể hiện khá rõ nét tại Nghị quyết vừa ban hành.Có thể nhìn thấy qua các “tuyên ngôn” về đảm bảo quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, hay nhiệm vụ hướng dẫn DN tuân thủ quy định pháp luật và hỗ trợ được gắn với các cơ quan quản lý...

de co 1 trieu doanh nghiep
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, “tham vọng” có được 1 triệu DN, cho dù với dân số và điều kiện của Việt Nam thì số DN mục tiêu đó không phải là lớn, nhưng rõ ràng là một thách thức không nhỏ, khi lượng DN ra đời với số “chết đi” luôn song hành mấy năm nay. Chẳng hạn như năm 2013, theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, tổng số DN đăng ký thành lập mới là 76.955 DN, trong khi số DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động là 60.737 DN. Năm 2014 trương quan trên thậm chí còn “bi đát” hơn, với 74.842 DN thành lập mới thì có đến 67.823 DN phải giải thể hoặc ngừng hoạt động... Riêng 4 tháng đầu năm nay, các con số tương ứng là 34.721 DN và25.135DN.

Chính vì vậy, với khoảng 500 nghìn DN như hiện nay thì để đạt được mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 mỗi năm số DN thành lập mới phải đủ bù trừ DN “chết đi” để có khoảng 100 nghìn DN, một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn. Có lẽ đó cũng là lý do mà Nghị quyết 35 có nhiều điểm rất “siết” đối với các cơ quan nhà nước cả ở Trung ương và địa phương. Theo đó, các cơ chế hỗ trợ DN sẽ được luật hóa, đi kèm là tổ chức các mô hình hỗ trợ DN thông qua phát triển mới, cấp vốn, hậu thuẫn về đơn giản hóa và giảm chi phí hành chính...

Nhưng điểm đáng chú ý nhất có thể thấy ở Nghị quyết 35 là vai trò của đối thoại, giám sát được đề cao. Giờ đây ở các địa phương, việc đối thoại với DN và báo chí được ấn định hai lần mỗi năm. Đặc biệt là để kiểm soát tiến trình cải cách cũng như ghi nhận kết quả đạt được trong hỗ trợ DN, Nghị quyết còn yêu cầu xây dựng Bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển DN để định kỳ hàng năm khảo sát, đánh giá, xếp hạng và công khai kết quả…

Nhìn lại, Nghị quyết 35 cho thấy những tư duy thay đổi về vai trò Nhà nước và DN, thấy những mục tiêu và giải pháp quyết liệt thực hiện nhiệm vụ phát triển 1 triệu DN, đồng thời cũng thấy được mong muốn “lắng nghe” của Nhà nước, đề cao vai trò của đối thoại với DN. Và đó là một bước tiến mới trong tiến trình hội nhập hiện nay. Bởi sức cạnh tranh nền kinh tế thực chất là từ quản trị nhà nước và sức mạnh DN, điều mà Nghị quyết 35 muốn thực hiện.

Anh Quân

Tin đọc nhiều