Để khai thông cho hàng Việt sang Thái

09:45 | 20/09/2017

Doanh nghiệp Việt không ngừng nỗ lực tìm hướng đưa hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Thái Lan.

Cần cú hích cho hàng Việt
Hàng Việt thêm đối thủ Campuchia

Mới đây, hơn 40 DN Việt Nam sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, gia dụng, thời trang, giày dép, phụ kiện... đã đưa hàng sang Thái Lan tham dự Tuần lễ hàng Việt tại quốc gia này với mong muốn học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.

de khai thong cho hang viet sang thai
Các sản phẩm gạo hữu cơ Việt Nam tìm cơ hội xuất khẩu sang Thái Lan

Đại diện DN sản xuất thực phẩm qua chế biến tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, thực tế người tiêu dùng Thái Lan cũng đã biết đến hàng hóa của DN Việt từ khá lâu, tuy nhiên hàng Việt tại đây chưa nhiều, chủng loại chưa phong phú, chủ yếu chỉ là một số mặt hàng tiêu dùng và hàng nông-thủy sản xuất thô nên chưa xây dựng được thương hiệu tại thị trường nước bạn.

Theo báo cáo của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt khoảng 9,64 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan đạt khoảng 3,07 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Thái Lan đạt 6,57 tỷ USD, mức nhập siêu là 3,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016. Điều đáng nói, trong số các mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan, nhiều thứ trong nước đã sản xuất được, tuy nhiên các DN vẫn nhập khẩu, nhất là đối với các mặt hàng điện, điện tử gia dụng, rau quả, máy vi tính, sắt thép, các sản phẩm gia dụng, mỹ phẩm, đồ nội thất…

Từ thực tế này, một chuyên gia phân tích, sở dĩ thời gian gần đây, hàng hóa của Thái ồ ạt vào Việt Nam là do trong nước đang thực hiện lộ trình giảm thuế theo cam kết trong ATIGA. Theo đó, nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Thái được hưởng thuế suất thuế ưu đãi theo lộ trình này.

Cho đến nay, Việt Nam đã xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với xấp xỉ 90% tổng số dòng thuế và sẽ xóa bỏ thuế đối với 98% số dòng thuế vào năm 2018. Đặc biệt, gần đây thông qua các hệ thống bán lẻ, siêu thị, hàng hóa Thái Lan càng lấn sân tại thị trường Việt, trong khi ở chiều ngược lại, các DN của Việt Nam chưa làm được điều này.

Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Long đã từng chia sẻ, hiện tại thị trường Thái Lan có mức độ cạnh tranh rất lớn, hàng hóa của Trung Quốc cũng phủ sóng khá nhiều tại thị trường này, hơn nữa, nếu nói về giá thì hàng Việt không có “cửa”. Tuy nhiên, hiện nay một số mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam được người tiêu dùng Thái yêu thích vì giá không quá đắt và chất lượng tương đối. Khó khăn chủ yếu là do hệ thống phân phối và vận chuyển hàng hóa có chi phí cao, đội giá thành, dẫn đến khó cạnh tranh.

Thời gian tới, công ty này sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Thái. Ngoài Thiên Long, một số DN có tên tuổi khác của Việt Nam cũng đã xâm nhập vào thị trường này từ trước như Điện Quang, Vinamilk, Vinamit, Bitis... tuy nhiên thị phần vẫn chưa đạt kỳ vọng đặt ra.

Theo Bộ Công Thương, nhằm cải thiện tình hình, tìm hướng đẩy mạnh xuất khẩu, đưa hàng Việt “lội ngược dòng” vào thị trường Thái, trước tiên các DN cần không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn kỹ thuật, cải tiến về mẫu mã, chủng loại. Nhất là để đi đường dài, các DN phải có phương án “bắt tay” với hệ thống phân phối, bán lẻ, siêu thị của DN Thái Lan, qua đó tăng cường hỗ trợ giới thiệu, bán, tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam qua những kênh này.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tăng cường tổ chức Tuần hàng Việt Nam và Hội nghị kết nối mua hàng Việt Nam, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại sang thị trường Thái Lan. Qua đây nhằm giới thiệu nhiều hơn nữa hàng hóa, sản phẩm của DN Việt với người tiêu dùng Thái.

Đặc biệt, từ việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN và thực thi Hiệp định ATIGA, cơ quan chức năng trong nước sẽ hỗ trợ DN Việt nâng cao hiệu quả sử dụng Chứng nhận xuất xứ (C/O) một cách thuận lợi, nhanh chóng khi xuất khẩu sang Thái Lan.

Nhật Minh

Tin đọc nhiều