Để phát triển bền vững, ngành gỗ cần sự liên kết

09:20 | 10/05/2017

Mô hình liên kết IKEA hiện được coi là có tiềm năng nâng cao lợi ích kinh tế cho các hộ trồng rừng, ổn định nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào cho các công ty chế biến...

Trung Quốc đóng cửa rừng, DN Việt lo âu
Ngành gỗ trước thách thức cạnh tranh nguyên liệu
Ngành gỗ Việt bị “nhòm ngó”

Mô hình liên kết phát triển rừng trồng đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) là một trong những ví dụ điển hình về liên kết giữa công ty chế biến gỗ xuất khẩu và các hộ trồng rừng nhằm tạo nguồn cung gỗ nguyên liệu cho các công ty này để sản xuất các sản phẩm gỗ cho Tập đoàn IKEA - tập đoàn chuyên thiết kế và kinh doanh bán lẻ đồ nội thất hàng đầu thế giới.

IKEA áp dụng một quy trình và các tiêu chí chặt chẽ khi lựa chọn nhà cung cấp, trong đó, chất lượng sản phẩm là một trong những yêu cầu nghiêm ngặt nhất. Các nhà cung cấp chỉ được sử dụng các loài gỗ nằm trong danh mục các loài đã được IKEA phê duyệt và đặc biệt từ 1/1/2017, tất cả các nhà cung cấp của IKEA tại Việt Nam bắt buộc phải sử dụng 100% nguồn gỗ nguyên liệu có chứng chỉ FSC.

de phat trien ben vung nganh go can su lien ket
Ảnh minh họa

Để có nguồn cung gỗ nguyên liệu có chứng chỉ FSC ổn định, các nhà cung cấp của IKEA đã liên kết với các hộ trồng rừng có chứng chỉ FSC thông qua ký hợp đồng hợp tác và cam kết sẽ mua toàn bộ gỗ nguyên liệu phù hợp của các hộ dân với giá cao hơn tối thiểu 10-18% so với giá trung bình của gỗ cùng loại không có chứng chỉ trên thị trường tại thời điểm giao dịch. Đồng thời liên kết với các xưởng xẻ, hoặc đầu tư xây dựng các xưởng xẻ để đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào không bị lẫn giữa nguồn gỗ có FSC và nguồn không có FSC.

Ngược lại, khi đáp ứng với các yêu cầu và trở thành nhà cung cấp của IKEA, hai bên sẽ ký kết và thực hiện Thỏa thuận hợp tác chiến lược. Thỏa thuận này thường kéo dài từ 3-5 năm và là cơ sở quan trọng cho hợp đồng kinh tế hay đơn hàng được ký kết giữa hai bên hàng năm.

Theo báo cáo “Liên kết giữa công ty và hộ gia đình trồng rừng” do Forest Trends và VIFORES đánh giá sự liên kết giữa IKEA với các hộ trồng rừng và DN chế biến, lợi nhuận ròng trên mỗi sản phẩm trung bình đạt khoảng 4-5%. Tính ổn định và lâu dài của các đơn hàng từ IKEA sẽ giúp các hộ và DN cung cấp gỗ có được kế hoạch sản xuất ổn định và dài hạn.

Mô hình liên kết IKEA hiện được coi là có tiềm năng nâng cao lợi ích kinh tế cho các hộ trồng rừng, ổn định nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào cho các công ty chế biến. Mô hình cũng được coi có tiềm năng trong việc đem lại hiệu quả xã hội, bởi có sự tham gia của hàng nghìn hộ dân trồng rừng. Tính riêng năm 2016, tổng giá trị giao dịch các mặt hàng gỗ giữa IKEA với các nhà cung cấp tại Việt Nam đạt khoảng 100 triệu Euro. Điều này cho thấy hiệu quả và tiềm năng của mô hình liên kết này là rất lớn.

Ngoài mô hình liên kết IKEA thì trong gỗ Việt cũng đang manh nha phát triển các mô hình liên kết khác như: Liên kết giữa DN nhập khẩu/sản xuất gỗ nguyên liệu và các DN chế biến; liên kết giữa công ty nhập khẩu gỗ nguyên liệu và làng nghề. Những mô hình này đang góp phần giải bài toán ngành chế biến gỗ của Việt Nam hiện đang nằm trong số các ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất, với kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2016 đạt gần 7 tỷ USD nhưng năng suất lao động của ngành thấp hơn nhiều so với năng suất lao động của ngành chế biến của các quốc gia như Thái Lan, Malaysia.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến năng suất lao động của ngành thấp là chưa có tính liên kết hay liên kết chưa ở mức phổ biến. Tuy nhiên, để tham gia mô hình liên kết như ở IKEA các nhóm hộ trồng rừng sẽ phải mất chi phí đánh giá cấp chứng chỉ FSC (Chứng chỉ này có hiệu lực 5 năm, với tổng chi phí đánh giá khoảng 28.000 USD, bao gồm chi phí đánh giá ban đầu khoảng 8.000 USD và chi phí đánh giá hàng năm trong 4 năm tiếp theo khoảng 5.000 USD/năm).

Còn nhiều DN thì chưa muốn liên kết theo cách của IKEA vì thỏa thuận hợp tác với các hộ không có tính ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý trong việc các hộ sẽ bán gỗ cho DN khi gỗ được khai thác nên các hộ trồng rừng sẽ là người quyết định bán gỗ cho ai và bán khi nào. Như vậy, có thể nảy sinh cạnh tranh không lành mạnh, các DN khác có thể nâng giá mua gỗ như vậy sẽ gây thiệt hại cho các DN đã đầu tư và liên kết với hộ trồng rừng.

Vì vậy, theo các chuyên gia, để các mô hình liên kết trên phát triển, cần hệ thống yếu tố lòng tin và chia sẻ lợi ích công bằng giữa các bên tham gia. Một môi trường xã hội và thể chế lành mạnh sẽ khuyến khích việc xây dựng lòng tin và tạo cơ sở cho việc chia sẻ lợi ích này. Do đó, thay đổi môi trường thể chế có thể tạo động lực cho các mô hình liên kết này phát triển. Điều này sẽ tạo được những hiệu ứng lan tỏa trong ngành, góp phần nâng cao hiệu quả của ngành chế biến gỗ, đi theo hướng tăng trưởng về chất lượng và bền vững trong tương lai.

Đỗ Phạm

Tin đọc nhiều