Thiếu dữ liệu cho vay khu vực FDI | |
Doanh nghiệp FDI: Đẩy mạnh đầu tư du lịch | |
Khi doanh nghiệp FDI được “chăm sóc” |
Hơn 50% DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam cho biết, họ gặp phiền hà trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) thuế. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với DN dân doanh ở mức 41% và DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, ở mức 30%. Kết quả khảo sát trên được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, cho thấy một góc nhìn nhỏ trong đánh giá tổng thể về môi trường đầu tư tại Việt Nam của khối DN FDI.
Khảo sát của VCCI cho thấy, riêng về thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, trong năm vừa qua chỉ có 16% DN cho biết có thực hiện thủ tục này, song với khối DN FDI thì tỷ lệ này lên tới 43%, cao hơn nhiều so với DN dân doanh là 13% và DNNN là 7%. Song đáng nói là cảm nhận của DN FDI đối với thủ tục quan trọng này là còn tương đối phiền hà. Cụ thể, theo khảo sát, có tới 88% DN FDI cho biết họ nhận được yêu cầu giải trình, bổ sung hồ sơ, thông tin cho cơ quan thuế. Bên cạnh đó, thông thường họ phải mất 2 lượt đi lại giải trình với cơ quan thuế. Cá biệt có một số trường hợp phải đi lại giải trình trên 10 lần, thậm chí tới 15-20 lần.
Ảnh minh họa |
Các DN phản ánh, thủ tục đã phiền hà, thời gian được nhận quyết định hoàn thuế trong một số trường hợp cũng kéo dài hơn so với mong đợi. Cụ thể là với những DN thuộc diện hoàn trước, kiểm tra sau, thời gian thông thường là mất 15 ngày. Còn với trường hợp kiểm tra trước, hoàn sau, thời gian thông thường mất 30 ngày. Khoảng 80% DN đã nhận quyết định hoàn thuế trong vòng 40 ngày và có khoảng 4% DN cho biết phải chờ tới hơn 90 ngày để nhận quyết định hoàn thuế.
Thời gian để nhận được tiền hoàn thuế cũng là vấn đề khiến nhiều DN chưa hài lòng. Có khoảng 91% DN nhận được tiền hoàn thuế về tài khoản trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được quyết định, song vẫn có khoảng 3% DN cho biết mất khoảng 90 ngày mới nhận được tiền và cá biệt có DN mất tới 1 năm để được nhận tiền về tài khoản.
Đánh giá về công tác thanh kiểm tra thuế, các DN FDI lo ngại hơn cả về vấn đề cán bộ thuế có xu hướng suy diễn văn bản bất lợi cho DN. Bởi việc này khiến họ phải chi các khoản chi phí không chính thức trong các lần thanh kiểm tra thuế. Khảo sát cũng cho thấy trong năm vừa qua, có tới 80% DN FDI phát sinh khiếu nại với cơ quan thuế.
Đánh giá về chi phí không chính thức, tỷ lệ DN FDI cho biết phải chi trả chi phí không chính thức lên tới 44%, cao hơn hẳn khối DN dân doanh là 33% và khối DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là 25%.
Những kết quả trên cho thấy đánh giá khá khắt khe của DN FDI đối với ngành thuế, cả về TTHC lẫn việc thực thi công vụ của cán bộ. VCCI lưu ý, khảo sát này là lăng kính khá hữu ích để cơ quan quản lý soi vào đó, thấy được mong mỏi của NĐT nước ngoài rồi từ đó cải thiện chính sách và cung cách phục vụ cho phù hợp.
Ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam góp ý, nhiều DN FDI cho rằng các nước trong ASEAN hiện đang có sức cạnh tranh cao với Việt Nam như Indonesia và Thái Lan đều có chính sách thuế đơn giản và dễ thực hiện hơn.
Ông Danh khuyến nghị, việc mà ngành thuế có thể làm ngay để nâng cao chất lượng phục vụ chính là đẩy nhanh áp dụng dịch vụ công trực tuyến cho toàn bộ các TTHC trong ngành. Đây là việc mà Brunei Darussalam đã thực hiện được trong năm qua. Nhờ đó, quốc gia này đã nằm trong top 10 nước cải thiện môi trường đầu tư nhanh nhất trên thế giới trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.
Đoàn Ngọc