Dịch vụ công nghệ số: Các nhà mạng đang bị lấn sân?

09:38 | 30/01/2019

Tập đoàn  Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa công bố sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2018. Cụ thể, doanh thu ước đạt 234 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận là 37,6 nghìn tỷ đồng...

Ứng dụng công nghệ số để tăng tốc
Công nghệ số đang dẫn dắt nền kinh tế quốc gia

So với toàn ngành viễn thông, Viettel đang chiếm ưu thế, vượt xa VNPT (lãi gần 6.500 tỷ đồng), Mobifone (hơn 6.000 tỷ đồng); đóng góp cho ngân sách nhà nước của Viettel cũng dẫn đầu, đạt 37 nghìn tỷ đồng.

dich vu cong nghe so cac nha mang dang bi lan san
Dự đoán dịch vụ số sẽ đóng góp 25% GDP vào năm 2019

Tuy nhiên, nếu so với năm 2017, doanh thu Viettel đã giảm gần 7%, và là năm đầu tiên tăng trưởng âm trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây. Riêng tỷ trọng tiêu dùng dịch vụ di động hầu như không tăng trưởng, trong khi những năm trước luôn tăng trưởng ở mức 2 con số, tác động mạnh tới lợi nhuận, giảm hơn 15% so với năm trước và xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014.

Số liệu của McKinsey năm 2018 cho thấy rằng, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, doanh thu và lợi nhuận của các nhà mạng bị giảm 1%/năm trong giai đoạn 2011 - 2017. Ngành viễn thông Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Tại Việt Nam, tiêu dùng di động hầu như không tăng, năm 2018 chỉ tăng 0,8%.

Trong khi các doanh nghiệp viễn thông bị kéo giảm lợi nhuận, thậm chí âm, thì nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Amazon, Alibaba, Facebook, Google... dù không hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, không có hạ tầng, không có khách hàng viễn thông nhưng vì biết tận dụng tốt nhất hạ tầng công nghệ viễn thông đã có tăng trưởng, phát triển, trở thành đối thủ cạnh tranh khốc liệt với các nhà mạng.

Bằng chứng là các doanh nghiệp này đã tiên phong cung cấp các dịch vụ số cho xã hội, trong khi các nhà mạng vẫn bằng lòng với việc chỉ cung cấp dịch vụ nhắn tin, gọi điện. Rõ ràng là giờ đây, điện thoại thông minh không chỉ được phục vụ cho nhu cầu nghe gọi hay data mà còn kiêm nhiều chức năng, đáp ứng đa dạng các nhu cầu xã hội khác nữa, như thanh toán, mua sắm, triển khai hệ thống vé điện tử gắn mã QR Code trong giao thông, y tế…

Muốn tiếp tục duy trì vị thế của mình trên thị trường, các nhà mạng phải chuyển đổi mô hình kinh doanh và quy trình vận hành nhằm tìm kiếm nguồn tăng trưởng mới để tồn tại và phát triển, trong đó, chuyển đổi thành nhà cung cấp dịch vụ số được coi là chìa khóa mở ra cơ hội tăng trưởng cho các nhà mạng. Nghiên cứu của Microsoft và IDC năm 2018 dự báo trong 3 năm tới, chuyển đổi số sẽ giúp các nhà mạng tăng 20% năng suất lao động, giảm 21% chi phí, tăng 20% lợi nhuận, tỷ trọng doanh thu dịch vụ số sẽ chiếm 23% trong tổng doanh thu.

Ông Lê Đăng Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Viettel xác nhận, DN đang từng bước chuyển đổi thành nhà cung cấp dịch vụ số, đồng thời tập trung vào nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm cho mạng lưới cung cấp dịch vụ số; xây dựng hạ tầng thanh toán số tại Việt Nam. Trước mắt, năm 2019 sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ số, tạo thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ chuẩn công nghệ 4.0.

Tập đoàn VNPT cũng đã khởi động xây dựng Chiến lược VNPT 4.0 cho giai đoạn từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Với việc thành lập Công ty VNPT - IT là hướng đi nhằm hiện thực hóa chiến lược VNPT 4.0 và đưa Tập đoàn VNPT trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam, đồng thời là Trung tâm giao dịch số (Digital Hub) tại thị trường khu vực và thế giới, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long chia sẻ.

Sớm triển khai chiến lược phát triển mới với mục tiêu chuyển hướng từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống thành nhà cung cấp dịch vụ số, VNPT đã thiết lập cũng như hợp tác với các công ty công nghệ lớn trên thế giới để xây dựng các Lab nghiên cứu về AI, Blockchain, IoT, Cyber Security, điện toán đám mây, phát triển các ứng dụng, giải pháp cụ thể phù hợp với nhu cầu thực tế tại Việt Nam.

Với đà này, VNPT sẽ đạt mục tiêu là đến năm 2025, tỷ trọng doanh thu từ dịch vụ số chiếm khoảng 35%. Các dịch vụ trên nền IoT (kết nối vạn vật), chính quyền số, dịch vụ số tới người dùng cá nhân (khi 4G phát triển mạnh, 5G khai trương) sẽ là những dịch vụ chính đóng góp vào sự phát triển chung của tập đoàn. Trong năm 2019, VNPT tiếp tục tập trung đẩy mạnh hơn cho chuyển đổi số - tham gia mạnh vào chuyển đổi số cho các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh/thành và các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cấu thành nên thành công trong quá trình chuyển đổi số, con người là nguồn nhân lực số được coi là yếu tố quyết định trọng tâm, then chốt nhất. Bởi trong cuộc cách mạng số, người thắng cuộc sẽ là người làm chủ nguồn dữ liệu lớn và nguồn nhân lực số tốt.

Để có nguồn nhân lực số tốt, đào tạo nhân lực là công việc bắt buộc và cấp thiết, là một trong những yếu tố kiên quyết để bắt kịp sự chuyển đổi số cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Và quá trình chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi các doanh nghiệp đồng hành cùng nhân sự của họ, đại diện Microsoft Việt Nam khuyến nghị.

Mặt khác, chuyển đổi số không chỉ là việc ứng dụng công nghệ mới, mà còn là một quy trình chuyển đổi kinh doanh trên nền tảng công nghệ (điện toán đám mây, di động, xã hội và dữ liệu lớn; các sáng kiến công nghệ mới như AI, IoT, robotic...) để tạo ra các giá trị, mối quan hệ và mô hình kinh doanh mới.

Nên về bản chất của việc chuyển đổi số là sự thay đổi cả hình thức vận hành doanh nghiệp để trở thành một doanh nghiệp thông minh, hiểu người dùng, tương tác được với người dùng theo một cách thức mới (theo thời gian thực, dữ liệu lớn, mobile), thậm chí phải tạo ra phương thức, mô hình kinh doanh mới (như Uber, Grab)...

Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhiều nước đã kịp xây dựng và triển khai chiến lược, chương trình quốc gia về chuyển đổi số như Anh, Úc, Đan Mạch, Singapore, Israel… Việt Nam hiện vẫn chưa có khung pháp lý cho chuyển đổi số, trong khi đây lại là một trong những thành tố tiên quyết, quan trọng quyết định sự thành bại của quá trình chuyển đổi số cùng với hạ tầng viễn thông rộng khắp, chất lượng cao. Có chiến lược chuyển đổi số quốc gia mới là cơ sở, nền tảng, tiền đề để doanh nghiệp xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số. Đó cũng là lý giải vì sao hiện còn nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng trong chuyển đổi số.

Đoàn Trần

Tin đọc nhiều