Theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển hàng hóa và dịch vụ môi trường của Việt Nam hiện nay chưa tương xứng với thị trường và nhu cầu trong nước. Cụ thể, dịch vụ môi trường tại Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung vào nhập khẩu máy móc, công nghệ từ nước ngoài với hơn 80% dung lượng thị trường.
Trong khi ngành Dịch vụ môi trường như xử lý nước thải, rác thải đã góp phần xử lý được 30 – 35% nhu cầu về bảo vệ môi trường, thì sản xuất hàng hóa môi trường phục vụ cho các hoạt động này chưa phát triển, mới chỉ có 15 DN trên tổng số 1.016 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường vào năm 2014, với các mặt hàng như: hệ thống lọc khí, bụi, lò đốt chất thải nguy hại và thông thường, các thiết bị công nghệ phân loại rác, sản xuất phân compost, viên nhiên liệu.
Riêng đối với lĩnh vực xử lý nước thải, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay số lượng DN cung cấp dịch vụ xử lý nước thải đô thị và công nghiệp còn hạn chế, chủ yếu là DNNVV. Mới chỉ có 8/63 tỉnh thành phố có trạm xử lý nước thải, xử lý nước thải khu công nghiệp mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu.
Trong khi đó, DN hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn đô thị, mới đáp ứng được 15% nhu cầu, phần lớn là chôn lấp. Xử lý chất thải nguy hại là lĩnh vực phát triển nhất với khoảng 90 DN, quy mô nhỏ đến rất nhỏ, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm.
Phát triển hàng hóa dịch vụ môi trường cũng được xem là một nội dung quan trọng trong “Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng Xanh cho giai đoạn 2014 – 2020”. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ban hành “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2025”.
Trong bối cảnh thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường vẫn còn nhiều hạn chế như đã nêu trên, theo đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong 5 năm tới nhiều khả năng sẽ có sự phát triển nở rộ của các các DN dịch vụ môi trường.
8 tỉnh/thành phố có nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung: Hà Nội có 6 dự án, tổng công suất 606.000 m3 ngày đêm; TP.Hồ Chí Minh có 3 dự án (1 đang trong giai đoạn triển khai, 2 dự án còn lại vận hành 70% công suất thiết kế), tổng công suất 1.501.000 m3 ngày/đêm; Quảng Ninh 2 nhà máy, tổng công suất 10.000 m3 ngày/đêm; Đắk Lắk 1 nhà máy, công suất 10.000 m3 ngày/đêm; Đà Lạt 1 nhà máy, công suất 7.400 m3/ngày đêm; Đà Nẵng có 5 dự án, tổng công suất 87.100 m3/ngày đêm; Bình Dương 2 dự án đang triển khai, tổng công suất 87.650 m3 ngày/đêm và Cần Thư có 1 dự án, công suất 30.000 m3/ngày đêm. |
Thanh Tân