Điều kiện kinh doanh giảm mười thêm bảy

08:40 | 19/07/2017

Điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đã “giết chết” rất nhiều DNNVV và biến thị trường thành “sân chơi” của một số DN có tiềm lực tài chính. Quá trình rà soát, loại bỏ ĐKKD đang chuyển động rất chậm. Các bộ mặc dù đã tuyên bố kế hoạch hành động nhưng không biết bao giờ thực thi.

Mạnh tay hơn với rào cản đầu tư
Nên bãi bỏ 1/2 điều kiện kinh doanh hiện nay

ĐKKD như rừng cọc nhọn

“Tôi tham gia vào cuộc chiến chống giấy phép con từ khi mái tóc còn xanh, nay tóc đã bạc, đã phải nhuộm xanh trở lại và vẫn phải tiếp tục cuộc chiến này vì vẫn chưa biết bao giờ đến hồi kết”, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, từng là thành viên Tổ công tác thi hành Luật DN 2000 đã tham gia vào cuộc chiến cắt bỏ giấy phép con, lên tiếng.

dieu kien kinh doanh giam muoi them bay
Rất cần có một cơ quan độc lập làm nhiệm vụ cắt giảm các ĐKKD

“Thậm chí hoạt động trọng tài quốc tế cũng được đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đây là tiền lệ chưa từng có trên thế giới vì hoạt động trọng tài thương mại không phải vì mục đích kinh doanh”, ông Huỳnh nản lòng nói.

Không chỉ trọng tài thương mại bị đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà còn nhiều hoạt động khác, bản chất không phải là ngành nghề đầu tư kinh doanh nhưng vẫn bị đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện như nhượng quyền thương mại là một phương thức kinh doanh, không phải là ngành. Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Ban Pháp chế (VCCI) cho biết.

Khẳng định hệ thống pháp luật kinh doanh của nước ta trong vài năm gần đây đã có những chuyển mình mạnh mẽ, theo hướng tích cực, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã giảm mạnh được 107 ngành nghề xuống còn có 243. Nhưng 243 ngành nghề này đi theo nó là 5719 ĐKKD “như rừng cọc nhọn gây nguy hiểm cho DN”, ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam ca thán.

Khẳng định những năm qua có nhiều đột phá với ĐKKD, giải pháp cũng quyết liệt nhưng theo Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng đến nay ĐKKD lại bị bóp méo do các quan điểm cải cách nửa mùa, thoả hiệp. Bộ ngành không muốn bỏ ĐKKD, thậm chí DN cũng không muốn bỏ.

Rõ nhất là lĩnh vực kinh doanh nhập khẩu ô tô, xăng dầu, xuất khẩu gạo, 99% DN muốn bỏ ĐKKD nhưng tiếng nói không có sức nặng bằng 1% DN muốn giữ lại để hạn chế sự tham gia của DN mới.

ĐKKD trá hình đang ngày đêm oanh tạc DN

Ông Lê Xuân Hiền – Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh Hải Dương cho biết: Không chỉ nhiều, phức tạp và nhiều điều kiện rất bất hợp lý khiến DN kêu đã đành, mà DN còn khổ sở về việc không nắm được hết để tuân thủ. Ngay cả với ĐKKD hợp lý DN không biết đi từ bước nào đến bước nào để thực hiện.

Ông Đậu Anh Tuấn thì chỉ ra còn có những dạng ĐKKD theo vòng tròn kiểu “con gà – quả trứng” DN không thể xác định được phải đáp ứng ĐKKD nào trước, ĐKKD nào sau khiến chẳng có DN nào có thể đáp ứng được”.

“Chúng tôi là luật sư DN chuyên tra cứu, viết sách, góp ý chính sách pháp luật mà còn “rối” thì DN khởi nghiệp, hộ kinh doanh và DN nhỏ tham gia kinh doanh không thể không vi phạm”, luật sư Trương Thanh Đức lên tiếng. Ông còn chỉ ra hiện tượng ĐKKD giảm được 10 thì tăng thêm 7 và còn nhiều loại yêu cầu tương tự như ĐKKD “trá hình” khác vẫn luôn hành hạ DN, gây khó dễ cho DN.

Theo ông Hiền, ĐKKD cần được xây dựng khi hình dung cả một quy trình để kinh doanh được chứ không phải là các ĐKKD lẻ tẻ ở mỗi chỗ - mỗi ngành một ít, không có sự lắp ghép với nhau. Chẳng hạn kinh doanh xăng dầu thì có bao nhiêu điều kiện, quy định ở những đâu, các bước thực hiện như thế nào?

Nghĩa là chúng ta phải đặt mình vào người đi kinh doanh để viết ra một quy trình các bước để giúp họ chứ không phải là Công Thương công bố một số ĐKKD, phòng cháy chữa cháy công bố một tý, Khoa học công nghệ công bố một ít, Tài nguyên môi trường công bố một số…

Xóa bỏ hết để làm mới

Báo cáo về ĐKKD và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam của VCCI đã chỉ ra 3 đặc điểm bất hợp lý nhất của ĐKKD: đó là có tính chất áp đặt quy mô DN như đơn vị vận tải taxi phải có tối thiểu 50 xe taxi nếu trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc trung ương hay DN cung cấp dịch vụ đại lý tàu biển, vận tải biển, lai dắt tàu biển phải có người phụ trách chuyên trách về pháp chế, khai thác kinh doanh.

Đó là can thiệp vào quyền tự quyết của DN như “phương án kinh doanh của các DN kinh doanh vận tải bằng ô tô phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Đó là can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp/mệnh lệnh hành chính như kiểu yêu cầu nhân viên phục vụ trên phương tiện vận chuyển khách du lịch phải được tập huấn về nghiệp vụ du lịch…

“Với những đặc điểm của ĐKKD được chỉ ra ở trên, các DNNVV muốn tham gia vào thị trường của các ngành, nghề trên là rất khó khăn”, VCCI kết luận. Thực tế, cũng đã chứng minh, những ĐKKD áp đặt, can thiệp vào quyền tự do của DN, can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính đã “giết chết” rất nhiều DNNVV và biến thị trường thành “sân chơi” của một số DN có tiềm lực tài chính (như trường hợp thị trường xuất khẩu gạo, phân phối khí).

Ông Đậu Anh Tuấn tỏ vẻ nản lòng: “Chúng tôi rất sốt ruột vì quá trình rà soát, loại bỏ ĐKKD đang chuyển động rất chậm. Các bộ mặc dù đã tuyên bố kế hoạch hành động nhưng không biết bao giờ mới thực thi”. VCCI đề nghị loại bỏ hơn một nửa số ĐKKD hiện nay. Còn ông Phan Đức Hiếu – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý trung ương cho rằng “ông rất cần có một cơ quan độc lập làm nhiệm vụ cắt giảm các ĐKKD. Nhưng cách tốt nhất là phá đi, bỏ hết đi, xây dựng lại”.

Cũng vì ĐKKD như “rừng cọc nhọn” này mà đã có một số DN bỏ ra nước ngoài lập công ty như trường hợp Công ty Cỏ May sang Singapore lập công ty rồi nhập khẩu gạo của chính Cỏ May trong nước.

Tri Nhân

Tin đọc nhiều