Định giá đúng để tránh mất vốn nhà nước

09:13 | 12/07/2017

Việc đánh giá đúng giá trị thương hiệu giúp nhà nước khỏi mất vốn và DN gia tăng thế cạnh tranh đến nay vẫn còn rất lúng túng.

Thoái vốn nhà nước lãi gần 9,09 nghìn tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm
Mô hình nào "quản" vốn nhà nước tại DN
CPH và thoái vốn Nhà nước: Chủ trương đúng, cần cách làm mới

Định giá thương hiệu là rất khó

Đã có một số DNNN được các tổ chức uy tín quốc tế ghi nhận giá trị thương hiệu cao, tạo được uy tín trên trường quốc tế, nhưng lại chưa được xác định giá trị tài sản DN tại Việt Nam. Điều này khiến Nhà nước có thể bị thất thoát lớn trong quá trình cổ phần hoá (CPH), DN thiệt thòi trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập. Tuy nhiên, việc đánh giá đúng giá trị thương hiệu, giúp nhà nước khỏi mất vốn và DN gia tăng thế cạnh tranh đến nay vẫn còn rất lúng túng.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho biết, Luật Sở hữu trí tuệ quy định, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, tên thương mại hay nhãn hiệu, gắn liền với chủ sở hữu và đăng ký đó. Tuy nhiên, nếu pháp nhân này góp vốn và từ bỏ quyền chủ sở hữu thành nhận cổ phiếu góp, vô hình trung tên đó được tồn tại hay không là điều rất khó.

dinh gia dung de tranh mat von nha nuoc
Đánh giá đúng giá trị thương hiệu, giúp nhà nước khỏi mất vốn và DN gia tăng thế cạnh tranh

Trường hợp khác là Bộ Tài chính đã từng cấp giấy phép cho một liên doanh Hàn Quốc với Công ty Fafilm của Việt Nam trước đây. Khi chưa có Luật Sở hữu trí tuệ, Việt Nam ấn định tên đó một số triệu USD để góp vào, sau này mới điều chỉnh tăng giảm vốn, nhưng lúc này lại nảy sinh vấn đề là giá trị thương hiệu đó đã tăng lên bao nhiêu…

Trên thực tế đã có một số DNNN được các tổ chức uy tín quốc tế ghi nhận giá trị thương hiệu cao, tạo được uy tín trên trường quốc tế. Song nhiều thương hiệu lọt vào top đầu thế giới, nhưng lại chưa được xác định giá trị tài sản DN tại Việt Nam. Điều này khiến Nhà nước có thể bị thất thoát lớn trong quá trình CPH, DN thiệt thòi trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập...

Mặc dù hiện nay, việc xác định giá trị tài sản góp vốn đã được Luật DN quy định. Tuy nhiên, Luật DN không quy định việc rút vốn góp bằng thương hiệu. Còn nếu xét theo tính logic, thì khi đã được góp vốn bằng thương hiệu thì cũng có thể được rút vốn góp bằng thương hiệu.

Cùng với đó, theo đề án tái cơ cấu, tập đoàn, tổng công ty sẽ thoái vốn ở một số công ty thành viên, trong đó có cổ phần góp vốn bằng giá trị thương hiệu. Thế nhưng, việc thoái vốn góp bằng giá trị thương hiệu chưa có hướng dẫn nên các DN chưa thực hiện được việc thoái vốn. Việc này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn của DN theo đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Quyết định 929/2012/QĐ-TTg.

Chính vì vậy, cho đến nay, việc xác định giá trị, nhượng quyền sử dụng thương hiệu, góp vốn liên doanh, liên kết... bằng giá trị thương hiệu đối với các DN thuộc mọi thành phần kinh tế ở nước ta vẫn còn là một khoảng trống bỏ ngỏ.

Định giá thương hiệu sẽ được hướng dẫn

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, trong quá trình CPH vừa qua, việc định giá thương hiệu đã gặp phải một số vướng mắc. Theo đó, trước khi chuyển đổi thành CTCP, nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn, DN đã quan tâm lớn đến việc xây dựng thương hiệu, nhưng khi DN chuyển đổi mô hình, thì phần giá trị này chưa được định giá chính xác.

Ở khía cạnh pháp lý, giữa các văn bản vẫn chưa có sự thống nhất về phương pháp đánh giá. Từ Nghị định 109/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008 của Chính phủ về bán, giao DN 100% vốn nhà nước đến Nghị định 59/2011/NĐ-CP về CPH DNNN đều xác định “lợi thế kinh doanh” bao gồm cả “giá trị thương hiệu”. Điều này lại không phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04, “Giá trị thương hiệu” hay “Nhãn hiệu hàng hóa” được coi là tài sản cố định vô hình.

Theo quy định hiện hành, nhiều DNNN khi thực hiện CPH, có thể do kinh doanh hiệu quả thấp, nên phần giá trị thương hiệu không thể xác định được rõ ràng, hoặc nếu có cũng rất thấp, thậm chí nhiều trường hợp còn không có, dù trên thực tế giá trị này vẫn tồn tại. Đây cũng là những băn khoăn mà nhiều DN, bao gồm các DN thẩm định giá bày tỏ sự quan tâm và kỳ vọng sớm được giải quyết để hỗ trợ cho quá trình xác định giá trị DN khi tiến hành CPH, thoái vốn hiện nay.

Để giải quyết vấn đề cơ bản này gần đây, đại diện Cục Tài chính DN cho biết, các cơ quan chức năng đã có một số định hướng, bổ sung các quy định pháp lý, đặc biệt là tiến hành sửa đổi Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành CTCP... trong đó chú trọng hơn vào việc xác định giá trị DN, giá trị lợi thế kinh doanh.

Cụ thể, dự thảo nghị định quy định, giá trị lợi thế kinh doanh của DN CPH gồm giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển. Dự thảo cũng quy định rõ, giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của DN trước thời điểm xác định giá trị DN 5 năm, bao gồm chi phí thành lập DN, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty; xây dựng trang web....

Đồng thời, giá trị tiềm năng phát triển được tính vào giá trị DN CPH là tiềm năng phát triển của DN được đánh giá trên cơ sở khả năng sinh lời của DN trong tương lai, khi so sánh tỷ suất lợi nhuận của DN với lãi suất trái phiếu Chính phủ.

Cũng theo vị đại diện Bộ Tài chính, vấn đề định giá giá trị thương hiệu, nhà nước sẽ không quy định mà để cho thị trường quy định. Nhà nước chỉ đưa ra một phép tính để thị trường thẩm định về giá trị của thương hiệu này. Bộ chỉ đưa ra nguyên tắc và phương pháp. Việc còn lại là DN trao cho công ty tư vấn căn cứ tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, các thông lệ quốc tế về thẩm định giá tài sản và đề xuất ra phương pháp tính ngoài phương pháp theo quy chuẩn.

Khi có phương pháp mới các công ty tư vấn sẽ tính toán, tư vấn cho ban chỉ đạo hoặc chủ sở hữu quyết định giá trị, nhưng người quyết định cuối cùng là chủ sở hữu. Khi chủ sở hữu quyết định xong sẽ đưa ra bán đấu giá trên thị trường. Lúc đó thị trường sẽ xác định DN giá trị bao nhiêu.

“Tới đây, tất cả các giao dịch liên quan đến vấn đề giá trị của các tài sản vô hình thì chúng tôi mạnh dạn giao hết cho các công ty tư vấn thẩm định giá có chức năng định giá tài sản. Các DN sẽ phải thuê họ để đảm bảo đúng thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế. Trên cơ sở đó sau này khi phát sinh kiểm tra giám sát hoặc tranh chấp chúng ta sẽ biết là đã được thực hiện đúng. Đó cũng là một trong những vấn đề cốt yếu khi thoái vốn”, ông Tiến nhấn mạnh.

Dương Công Chiến

Tin đọc nhiều