Dự thảo Luật lao động (sửa đổi): Chỉnh sửa để không “lệch pha” | |
Phải đổi mới để thâm nhập thị trường Đông Âu | |
Xuất khẩu vào ASEAN: Tận dụng triệt để những ưu đãi |
Nhận định về dòng dịch chuyển thương mại giày dép toàn cầu 2019, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, hiện nay 3 quốc gia chiếm hơn 40% lượng tiêu thụ giày dép toàn cầu là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Trong đó, Trung Quốc vừa là thị trường tiêu thụ, vừa là nhà sản xuất lớn, chiếm gần 58% trong tổng sản lượng và dẫn đầu ngành công nghiệp sản xuất giày dép toàn cầu; đồng thời, cũng là nước xuất khẩu số một thế giới với thị phần hơn 65%.
Ấn Độ là nước tiêu thụ và sản xuất giày dép lớn thứ 2 thế giới. Mặc dù chiếm 10,2% sản lượng toàn thế giới, song sự tham gia của nước này trong lĩnh vực thương mại lại rất hạn chế và chỉ chiếm 1,3% trong tổng xuất khẩu giày dép toàn cầu, bởi sản xuất đều hướng đến thị trường nội địa khổng lồ với 1,3 tỷ dân. Cùng với đó, Ấn Độ cũng nhập khẩu gần 300 triệu đôi giày dép/năm, chủ yếu từ Trung Quốc. Kế đến, Mỹ là thị trường tiêu thụ giày dép lớn thứ 3 thế giới, hầu như không sản xuất mà chủ yếu nhập.
4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt hơn 1,1 tỷ USD |
Trong bối cảnh đó, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về lượng xuất khẩu giày dép ra thị trường thế giới với khoảng hơn 1 tỷ đôi các loại mỗi năm. Đáng lưu ý, giá xuất khẩu giày dép trung bình của thế giới là 9,81 USD/đôi, trong khi đó giá của Việt Nam là 15 USD/đôi, cao gấp 1,6 lần so với giá trung bình của thế giới. Từ năm 2019, doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam được dự báo sẽ còn thuận lợi hơn do hiện nay, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đang chuyển hướng sản xuất sang các ngành công nghiệp công nghệ cao. Do đó, các đơn đặt hàng giày dép và túi xách sẽ duy trì xu hướng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang có diễn biến phức tạp, sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu giày dép của Trung Quốc và thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển vào ngành giày dép Việt Nam. Đặc biệt, da giày là một trong những ngành được lợi nhiều từ Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bên cạnh tác động thuận lợi của thị trường thế giới, nội lực ngành da giày Việt Nam cũng được đánh giá tốt. Đó là, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành rất lớn (trên 3.000 doanh nghiệp). Cơ cấu đầu tư cũng đã thay đổi, nếu trước đây đầu tư FDI chiếm 30%, thì nay đã là 40% tổng số lượng doanh nghiệp nội ngành. Điều này cho thấy, sự đầu tư của FDI vào ngành da giày là khá tốt. Và điểm nổi bật là sự phục hồi rất tốt của doanh nghiệp da giày trong nước. Phát triển nội lực cộng với nhu cầu tiêu dùng giày da tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu và các thị trường mới là Ấn Độ, khu vực châu Phi… tăng ổn định cho thấy ngành da giày trong năm 2019 có lợi thế lớn. Lefaso thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 11,28% so với cùng kỳ năm 2018.
Về phía doanh nghiệp sản xuất, theo bà Vưu Lệ Quyên, Tổng giám đốc Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s) cho biết, doanh nghiệp đang chủ động áp dụng chính sách nội địa hóa nguyên liệu sản xuất đối với mảng xuất khẩu để đáp ứng yêu cầu của khách hàng ở các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ. Đồng thời, cũng đảm bảo về xuất xứ vật tư nguyên phụ liệu, xuất xứ hàng hóa để tận dụng những ưu đãi mà CPTPP mang lại cho doanh nghiệp.
Ở thị trường nội địa, doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu tốt nhiều năm qua, có hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, sản phẩm có chất lượng cao ở nhiều phân khúc từ bình dân đến cao cấp, giá cả ổn định, đã cạnh tranh tốt với hàng Thái Lan và Trung Quốc. Ở thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Biti’s đã có 4 văn phòng đại diện với hơn 300 điểm bán hàng để đưa sản phẩm vào thị trường rộng lớn này. Cùng với đó, Campuchia cũng là thị trường đầy tiềm năng, Biti’s có nhà phân phối chính thức là Công ty Cambo Trading trên toàn lãnh thổ Campuchia. Nhiều thương hiệu giày dép khác của Việt Nam hiện cũng chủ động được kênh phân phối trong nước và được người tiêu dùng tin cậy như Thượng Đình, Thái Bình, T & T, Vina Giày…
Thanh Thanh