Doanh nghiệp lạc quan, nhưng đừng chủ quan

08:56 | 03/10/2019

Vẫn biết cạnh tranh, đào thải là một quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường và chính điều đó cũng giúp nền kinh tế sàng lọc những DN mạnh, loại bỏ những DN ốm yếu, thậm chí là những DN thây ma. Thế nhưng, việc DN "ốm chết" nhiều như vậy cũng là một điều phải suy nghĩ.

Giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại: Điểm cộng cho môi trường đầu tư
61,5 nghìn doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm
doanh nghiep lac quan nhung dung chu quan
Ảnh minh họa

Nhìn chung bức tranh toàn cảnh về hoạt động của DN những tháng đầu năm là khá sáng. Đặc biệt tinh thần khởi nghiệp tiếp tục tăng cao khi mà 9 tháng đầu năm có gần 102,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.290,8 nghìn tỷ đồng, mặc dù chỉ tăng 5,9% về số DN, song vốn đăng ký tăng tới 34% so với cùng kỳ năm 2018. Nếu tính cả 1.730,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 9 tháng năm 2019 là 3.021,2 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có 27,6 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên hơn 129,8 nghìn DN. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong 9 tháng năm nay là 929,8 nghìn người, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng cho thấy lượng DN đang hoạt động tỏ ra lạc quan với triển vọng kinh doanh vẫn chiếm đa số. Cụ thể, có 43,3% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm nay tốt hơn quý trước; 38,4% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định; trong khi chỉ có 18,3% số DN đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý IV/2019 có 52,1% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 35,8% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 12,1% số DN dự báo khó khăn hơn.

Tuy nhiên trong bức tranh này vẫn còn xen lẫn một vài mảng tối cho thấy những khó khăn đối với khu vực DN chưa phải đã hết.

Điểm đáng chú ý đầu tiên là mức độ lạc quan của DN đang có xu hướng giảm. Nhớ lại thời điểm cuối quý II, có tới 52% số DN dự kiến xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên trong quý III; 36,6% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định, trong khi chỉ có 11,4% số DN dự báo khó khăn hơn. Thế nhưng kết quả khảo sát thực tế của quý III cho thấy mức độ lạc quan của DN có phần kém hơn, mức độ bi quan cao hơn.

So với quý II, mức độ lạc quan của DN cũng không bằng khi mà trong quý II có tới 45,2% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước; 38,3% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 16,5% số DN đánh giá gặp khó khăn.

Đáng chú ý là số DN giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn. Cụ thể, trong 9 tháng qua có 21,2 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 28,2 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 12,1 nghìn DN đã hoàn tất thủ tục giải thể. Tính chung tổng số DN giải thể, ngừng hoạt động trong 9 tháng qua cũng lên tới 61,5 nghìn, bằng 60% số DN thành lập mới.

Phân tích một cách chi tiết thì tình hình còn đáng quan ngại hơn. Bởi 102,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới chỉ là trên giấy tờ nên chưa có nhiều đóng góp cho nền kinh tế. Trong khi 61,5 nghìn DN tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể này đều là những DN đang hoạt động; thậm chí, trong số này có không ít DN tốt khi đã trải qua khá nhiều đợt thanh lọc của thị trường những năm qua. Vì vậy số DN này mất đi là một thiệt hại không nhỏ đối với nền kinh tế.

Vẫn biết cạnh tranh, đào thải là một quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường và chính điều đó cũng giúp nền kinh tế sàng lọc những DN mạnh, loại bỏ những DN ốm yếu, thậm chí là những DN thây ma. Thế nhưng, việc DN ốm chết nhiều như vậy cũng là một điều phải suy nghĩ.

Một điểm cần chú ý nữa trong bức tranh hoạt động DN những tháng đầu năm đó là việc chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 9 xuống còn 50,5 điểm do số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại vào cuối quý III mà mức tăng của tháng 9 là yếu nhất kể từ tháng 8/2016; số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng chậm hơn. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng yếu hơn dẫn đến sản lượng giảm nhẹ lần đầu tiên kể từ tháng 11/2017.

Tất cả những khoảng tối trên cho thấy, những tác động bất lợi của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ngấm vào nền kinh tế. Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng thắng thắn nhìn nhận sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực gặp khó khăn, nhất là DNNVV; nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh, đặc biệt là nông sản do giá giảm mạnh… Vì lẽ đó không thể chủ quan khi mà căng thẳng thương mại toàn cầu vẫn đang có xu hướng leo thang và lan rộng.

Minh Trí

Tin đọc nhiều