Doanh nghiệp nội tận dụng vốn ngoại

15:45 | 22/10/2018

Nhiều nhà đầu tư ngoại đang sẵn sàng chấp nhận cung ứng vốn vay với mức lãi suất ưu đãi và các điều kiện khá hấp dẫn dành cho các DN hoạt động ở trong nước.

Vốn ngoại quan tâm ngân hàng
Vốn ngoại trong trung gian thanh toán
Tài chính tiêu dùng hút vốn ngoại

Lớn mạnh từ vốn góp lãi thấp

Đầu tháng 10 vừa qua, CTCP Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán HDG) thông báo họ đã làm việc với một định chế tài chính quốc tế. Nếu hợp tác suôn sẻ, thời gian tới đây, HDG sẽ được đối tác nước ngoài này cho vay một khoản tiền lớn bằng đồng EUR để phục vụ phát triển dự án điện gió với mức lãi suất dưới 2,5%/năm, bao gồm tất cả các loại phí liên quan.

Đại diện của HDG cho biết, hiện nay có một nhóm nhà đầu tư ngoại đang tích cực chào mời các DN nội vay vốn. Thông qua việc kết nối với một số đầu mối là các tổ chức tài chính nước ngoài, các nhà đầu tư có thể cho vay hàng trăm triệu USD nhờ vào việc mua trái phiếu quốc tế mà các DN trong nước phát hành.

doanh nghiep noi tan dung von ngoai
Nguồn vốn ưu đãi từ nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong các dự án phát triển hạ tầng

Thực tế cho thấy, câu chuyện chủ động vay vốn ngoại của HDG trong thời điểm hiện nay không phải là trường hợp cá biệt. Trong vòng 3-4 năm gần đây, nhiều DN lớn trong nước đã thành công từ việc nhận vốn ưu đãi tại các quỹ tài chính quốc tế thông qua việc mua trái phiếu chuyển đổi hoặc cung cấp các khoản vay sau khi góp vốn đầu tư.

Đơn cử như trường hợp của Vincom Retail, một thành viên của Vingroup (mã chứng khoán VIC). Cách đây 4 - 5 năm, hai quỹ quốc tế là Warburg Pincus và Credit Suisse đã đầu tư 300 triệu USD vào trái phiếu chuyển đổi của công ty sở hữu chuỗi trung tâm thương mại của Tập đoàn Vingroup mà chỉ yêu cầu các dự án của tập đoàn này đạt chỉ số hoàn vốn nội bộ trên 18% và giữ ổn định giá cổ phiếu. Xét trong bối cảnh thời điểm đó, khi mặt bằng lãi suất cho vay bị đẩy lên cao tới 22-24% vì lạm phát thì đó là những điều kiện vô cùng hấp dẫn. Nhờ việc nhận khoản đầu tư 300 triệu USD từ các quỹ tài chính quốc tế mà Vincom retail đã có sự lớn mạnh như ngày nay.

Sau đó liên tiếp trong năm 2017 và các tháng đầu năm 2018 vừa qua, Vingroup tiếp tục tận dụng các khoản vay ưu đãi khá lớn từ Quỹ Đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC) sau khi tổ chức này đầu tư vào hệ thống Vinhomes. Hay mới đây nhất, VinFast - một công ty con khác của Vingroup - tiếp tục tận dụng quỹ tài chính Euler Hermes (Đức) để bảo lãnh khoản vay lên tới 950 triệu USD nhằm nhập khẩu máy móc thiết bị, phục vụ sản xuất ôtô.

Theo phân tích của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay xu hướng “cộng sinh” giữa các quỹ đầu tư nước ngoài và các DN nội địa đã thể hiện khá rõ nét. Thời gian qua, hàng loạt các dự án quy mô cấp tỉnh và cấp vùng của các DN nội địa đã nhận được tài trợ vốn từ các quỹ ngoại như Warburg Pincus, VinaCapital, MekongCapital và Mapletree khi các quỹ này tham gia góp vốn và cho vay ưu đãi. Thông qua việc tận dụng nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, hàng loạt các thương hiệu khởi nghiệp ở lĩnh vực bán lẻ như: Thế Giới Di Động, Tiki.vn… hàng loạt các DN trong lĩnh vực nông nghiệp, bất động sản - xây dựng như: Becamex IDC, Novaland, Nhựa Tiền Phong, PANGoup, Nam Long, Đất Xanh… đều đã khẳng định được vị thế và thị phần trên thị trường nội địa và bắt đầu cạnh tranh ở các thị trường thế giới.

Sóng lên sàn ở thị trường 500 triệu USD

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán MB (MBS), với việc mới đây tổ chức FTSE (thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Luân Đôn - Vương quốc Anh) đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ hai, nhiều khả năng sẽ khiến giá trị dòng vốn ngoại từ các quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam sẽ đạt mức 184 - 555 triệu USD. Các chuyên gia tại MBS cho rằng, khi làn sóng vốn ngoại đổ bộ vào thị trường chứng khoán, các DN trong nước sẽ tranh thủ huy động thông qua việc niêm yết cổ phần và gia tăng “làm đẹp” báo cáo tài chính cũng như đánh bóng các dự án để kêu gọi vốn góp.

Thực tế, trong vòng 10 tháng vừa qua, ở lĩnh vực bất động sản hàng loạt các tên tuổi lớn như: Vinhomes, Netland, Văn Phú - Invest, Đạt Phương, Hải Phát, First Real, CENLand… đã chính thức niêm yết trên các sàn chứng khoán. Các đại gia bất động sản ở khu vực TP.HCM khác, như: MBLand, BimGroup, Hưng Thịnh Construction, Landmark… cũng đang rục rịch chào sàn.

Theo phân tích của một số chuyên gia đầu tư tài chính, với làn sóng chào sàn sôi động như vậy cộng với việc mới đây Bộ Tài chính đã sửa đổi những quy định về mệnh giá trái phiếu và loại tiền phát hành đối với trái phiếu quốc tế trong Dự thảo Nghị định quy định phát hành trái phiếu DN (sửa đổi, bổ sung Nghị định 90/2011). Do đó, trong thời gian tới, việc huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài thông qua phát hành trái phiếu quốc tế của DN sẽ thuận lợi hơn. Các DN và cả các NHTM sẽ có nhiều động lực để hợp tác với các cổ đông khối ngoại và các đơn vị tư vấn, bảo lãnh nhằm phát hành trái phiếu quốc tế để kêu gọi vốn.

Tuy nhiên, ở góc độ thị trường một số nhà tư vấn chứng khoán cũng cho rằng, trong bối cảnh các DN mọi lĩnh vực đều nhộn nhịp lên sàn tìm kiếm các nguồn huy động vốn thì những rủi ro cho nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng cần hết sức cảnh giác. Nhiều trường hợp để làm đẹp tình hình tài chính, các DN sẽ sử dụng các thủ thuật kế toán để tạo ra đột biến trong kết quả kinh doanh, tạo ra các “bánh vẽ” trong kế hoạch sử dụng vốn hoặc tiến hành các thủ thuật mua gom cổ phiếu và tích trữ các thông tin nóng ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu của DN nhằm đạt các mục tiêu kêu gọi vốn từ phát hành cổ phiếu và trái phiếu.

Thạch Bình

Tin đọc nhiều