Doanh nghiệp nước ngoài vận động cho hàng Việt

13:38 | 01/08/2015

Thương hiệu hàng Việt đã bước đầu được khẳng định và một số DN bán lẻ nước ngoài đã bắt đầu chung tay đưa hàng Việt ra thế giới.

“Samsung tự hào đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam, cam kết sản xuất hàng Việt Nam chất lượng toàn cầu”. Ông Han Myoung Sup – Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đã khẳng định như vậy tại Hội thảo Tự hào hàng Việt Nam – Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa từ nơi sản xuất tới siêu thị.

Hội thảo do Bộ Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Vafie) tổ chức ngày 31/7/2015. Hội thảo đã thu hút nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài, các siêu thị và các nhà phân phối và DN sản xuất tham dự.

doanh nghiep nuoc ngoai van dong cho hang viet
Hàng Việt Nam trưng bày tại Hội thảo Tự hào hàng Việt Nam – Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa từ nơi sản xuất tới siêu thị

Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã triển khai được 6 năm. Theo Bộ Công Thương, hiện có 92% người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt, hơn 50% cho biết sẵn sàng khuyên người thân mua hàng nội. Và kênh mua hàng Việt chủ yếu thông qua các siêu thị.

Vấn đề đặt ra là làm sao kết nối, thắt chặt quan hệ giữa các DN sản xuất, phân phối và người tiêu thụ. Đó là tiền đề cho sự phát triển công nghiệp bền vững, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, thoả mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước kết hợp với tham gia xuất khẩu. Niềm tin hàng Việt ngày càng được củng cố. Thương hiệu hàng Việt đã bước đầu được khẳng định và một số DN bán lẻ nước ngoài đã bắt đầu chung tay đưa hàng Việt ra thế giới.

Nhìn lại 6 năm, theo GS Nguyễn Mại, chủ tịch Vafie, ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng, lựa chọn mua và sử dụng hàng do DN trong nước sản xuất. Điều này cho thấy sự trưởng thành của DN và sản phẩm nội địa, hun đúc và làm sâu sắc thêm tinh thần yêu nước, hỗ trợ lẫn nhau giữa các DN cũng như của người tiêu dùng với DN. Đây là thực tế rất quan trọng vì mức tiêu dùng càng cao sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển.

Ông Han Myoung Sup phát biểu rằng Samsung hiểu rõ việc xây dựng lòng tự hào của người dân Việt về hàng Việt không chỉ là nỗ lực của Chính phủ mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng DN trong nước và DN nước ngoài đang hoạt động sản xuất hàng hóa ở Việt Nam. Ông nói: “Khi toàn thể nhân dân Việt Nam – những người tiêu dùng thông thái đầu tiên tin tưởng và tự hào về hàng Việt thì những sản phẩm này chắc chắn sẽ nhận được sự tin yêu không chỉ người tiêu dùng trong nước mà còn trên toàn thế giới”.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, hàng Việt là tất cả những loại hàng hóa sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam, tức là do DN trong nước và DN có vốn nước ngoài sản xuất. Trong quá trình mở cửa hội nhập, các DN đầu tư nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao sức mạnh, thương hiệu cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Trên thực tế, nỗ lực gần đây của một số doanh nghiệp nước ngoài cũng như Bộ Công thương đã cho thấy những kết quả tích cực. Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết Bộ đã làm việc với một loạt các hãng phân phối và bán lẻ nước ngoài nhằm đưa hàng Việt ra thị trường quốc tế thông qua hệ thống của các doanh nghiệp này. Trong năm 2015 này, riêng tập đoàn Lotte đã mua hơn 200 sản phẩm của Việt Nam đưa ra bán tại hệ thống siêu thị Lotte tại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, sự nhiệt tình và niềm tin của người tiêu dùng dành cho hàng Việt cũng đang gặp những khoảng trống. Bởi theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, sự gắn kết thành chuỗi giữa sản xuất và tiêu thụ đang rất lỏng lẻo và rời rạc. Thứ hai là giá cả chưa thực sự cạnh tranh. Và nguyên nhân là do chuỗi phân phối còn đứt đoạn. Hàng giả hàng nhái đang lợi dùng niềm tin hàng Việt chen lấn vào thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến nhà sản xuất và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

“Có hình ảnh phổ biến xảy ra ở thị trường Việt Nam, đó là hàng hóa sản xuất ra người sản xuất ít được quyết định giá bán, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, nhà buôn và khâu bán lẻ. Hàng hóa đi qua quá nhiều khâu trung gian vô lý, vừa đẩy giá lên cao ở khâu bán lẻ, đồng thời cũng không quản lý được chất lượng hàng hóa một cách chặt chẽ,” ông Phú nói.

Ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Ladoda, cũng cho rằng cải thiện khâu phân phối là việc làm cần thiết hiện tại nhằm thúc đẩy sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Dù đây cũng là nhiệm vụ của nhà sản xuất, nhưng theo ông Tuấn, Nhà nước cần đóng vai trò hỗ trợ tích cực hơn trong các chính sách tuyên truyền và khuyến khích hợp tác giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như ngăn chặn hàng giả.

Ngọc Linh

Tin đọc nhiều