Doanh nghiệp siêu nhỏ: Lực thì yếu, phát triển lại khó

14:55 | 27/11/2018

Sáng 27/11/2018, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với Viện Tài chính và Phát triển châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Tài chính Trung Quốc) đồng tổ chức Hội thảo quốc tế “Chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ”.

doanh nghiep sieu nho luc thi yeu phat trien lai kho

Lực yếu khó mở rộng quy mô

Doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có quy mô nhỏ bé về mặt vốn, lao động hay doanh thu. Theo thống kê, tại Việt Nam ngoại trừ những doanh nghiệp siêu nhỏ còn có hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh cá thể; giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10 triệu lao động.

PGS-TS. Hoàng Trần Hậu, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính cho rằng trong nhiều năm tới, khối doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn là một trong những khu vực năng động trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực này đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức để phát triển.

Quá trình hội nhập, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc, chính sách bảo hộ, sự phức tạp trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật đã và đang làm khó doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Trong đó, chính sách hỗ trợ về thuế và tiếp cận vốn là một trong những vướng mắc mà doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể đang gặp phải.

Chia sẻ quan điểm rằng tiếp cận các nguồn lực phát triển là khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể, TS. Võ Trí Thành giải thích nguyên nhân là đặc thù hạn chế về tài sản thế chấp, khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận với cơ quan Nhà nước, công nghệ (bao gồm cả công nghệ quản lý, kinh doanh và công nghệ thông tin) và trình độ quản lý...

Trong đó, đáng chú ý là do chỉ sử dụng lượng vốn tự có hay huy động được của các thành viên trong gia đình nên các nhu cầu về mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường hay đổi mới phương thức sản xuất, phương thức kinh doanh, đổi mới khoa học công nghệ... không thể thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả.

Việc sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình mới chỉ dừng lại ở mức manh mún, tự phát, khó mở rộng thị trường tiêu thụ, chưa nâng cao tính cạnh tranh cho các sản phẩm dịch vụ tạo ra.

Và như một vòng luẩn quẩn, những thách thức trên khiến họ khó mở rộng quy mô để tiến lên và chuyển sang doanh nghiệp lớn, từ đó hưởng những điều kiện thuận lợi, những ưu đãi của Nhà nước cũng như có cơ hội phát triển trở thành các doanh nghiệp hùng mạnh như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Nhiều chính sách còn bất cập

Cũng theo ông Thành, pháp luật hiện hành quy định hộ kinh doanh cá thể không hoàn toàn là thương nhân thể nhân, không có tư cách pháp nhân nên gây khó khăn trong chế độ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của hộ kinh doanh.

Hộ kinh doanh cá thể phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình, kể cả tài sản không đưa vào kinh doanh. So với các loại hình doanh nghiệp khác như công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn, hay doanh nghiệp tư nhân chỉ chịu trách nhiệm trên phần tài sản đưa vào kinh doanh thì điều này là một bất cập không nhỏ.

Trong trường hợp hộ kinh doanh cá thể là hộ gia đình hay một nhóm người thì rất khó xác định trách nhiệm tương ứng của từng thành viên khi tham gia.

Vì không có tư cách pháp nhân lại không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng, trong khi đó tài sản giá trị nhất là đất ở, sổ đỏ nên các hộ kinh doanh cá thể lại càng khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Nếu có vay được thì số lượng vay cũng không nhiều và thời hạn vay cũng rất ngắn.

Ngoài ra, việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các đối tượng này cũng đang đặt ra nhiều vấn đề. Do tổ chức dưới dạng gia đình hoặc cá nhân cùng sản xuất kinh doanh nên việc sử dụng vốn ở các đơn vị này mới chỉ dừng lại ở kinh nghiệm quản lý cá nhân.

Hơn nữa, trình độ nhận thức hạn chế, thiếu kinh nghiệm về quản lý điều hành tài chính, chưa quyết đoán trong việc ra các quyết định đầu tư nên không ít hộ kinh doanh cá thể đã không sử dụng hiệu quả các nguồn vốn huy động được. Tình trạng phá sản, không thu hồi được vốn, diễn ra khá phổ biến.

Các hộ kinh doanh thường bỏ qua các quy luật của thị trường, chưa có chiến lược kinh doanh rõ ràng, chưa có kinh nghiệm trong phân bổ các nguồn lực tài chính nên gây ra tình trạng lúc thiếu lúc thừa, không nhịp nhàng với quy trình sản xuất kinh doanh.

“Tất cả các điểm yếu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các hộ kinh doanh cá thể. Họ không tận dụng được các cơ hội rộng lớn của thị trường để phát triển”, ông Thành cho hay.

Dương Công Chiến

Tin đọc nhiều