Gỡ vướng cho doanh nghiệp về chính sách thuế, hải quan | |
Cân đối vốn vẫn là bài toán nhiều nút thắt |
Gặp khó về cân đối vốn
Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế với DN có giao dịch liên kết đánh dấu sự phát triển mạnh trong cuộc chiến gay go “chống chuyển giá”, tại Việt Nam. Nghị định này được cho là “thỏa mãn các chuẩn mực quốc tế”. Nhưng hiện nay, một số DN trong nước đang cho rằng giới hạn chi phí lãi vay 20% trong Nghị định 20 đang gây khó khăn, khiến DN đứng trước nguy cơ từ lãi thành lỗ, đặc biệt là các tập đoàn hoạt động theo mô hình công ty mẹ con.
Trong hơn 600.000 DN đang hoạt động thì có hơn 4.000 DN kê khai giao dịch liên kết |
Một vị đại diện Tập đoàn Vingroup nói rằng, theo thông lệ quốc tế, chương trình hành động chống sói mòn thuế cũng khuyến nghị khi khống chế lãi vay cần cân nhắc các yếu tố như: DN cần thời gian tái cơ cấu vốn, không đánh khoản vay nợ của bên thứ 3 và hạn chế lãi vay sau khi trừ thu nhập từ hoạt động tài chính…
Trong khi đó, quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 điều chỉnh cả chi phí lãi vay từ bên độc lập và cũng không tính tới yếu tố ảnh hưởng là hoạt động từ công ty mẹ thường có cả vay và đi vay.
Vingroup đầu tư vào nhiều lĩnh vực cần nhiều vốn như nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, y tế, sản xuất công nghiệp nặng. Những dự án này trong giai đoạn đầu không thể phát sinh được lợi nhuận, không thể vay vốn ngân hàng được mà phải vay qua công ty mẹ là tập đoàn nên chi phí lãi vay của tập đoàn tương đối lớn. Theo quy định của Nghị định 20 thì trong trường hợp này của Vingroup, toàn bộ chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập DN nên tập đoàn chịu ảnh hưởng rất lớn.
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hơn một lần gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính phản ánh nếu phải thực hiện khống chế tổng chi phí lãi vay thì các tổng công ty phát điện trực thuộc sẽ phải nộp thêm các khoản thuế thu nhập DN rất lớn (từ 100 tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng) gây khó khăn trong việc cân đối vốn.
Giao dịch liên kết của EVN với các đơn vị thành viên bản chất là “cho vay lại” khi EVN thường xuyên ký các hợp đồng cam kết vay với các đơn vị thành viên. Nếu bị khống chế lãi vay 20% theo Nghị định 20 thì nhiều đơn vị của tập đoàn gặp khó khăn trong cân đối vốn.
Khống chế để hạn chế tình trạng vốn mỏng
Và đại diện Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)… cũng có cùng một ý kiến như EVN và Vingroup. Các DN này cho rằng các đơn vị có quan hệ liên kết với tổng công ty này đều hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cùng chịu một mức thuế thu nhập DN giống nhau nên hoàn toàn không có động cơ chuyển giá để né thuế để phải chịu điều chỉnh bởi quy định khống chế lãi vay.
Trần chi phí lãi vay 20% không chỉ ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của họ vì số thuế thu nhập DN phát sinh phải nộp rất lớn, mà còn tạo ra những khó khăn, bất cập khác. Với quy định này, các khoản vay mà công ty mẹ vay về và cho công ty con vay lại thì chi phí lãi vay phát sinh tại cả công ty mẹ và công ty con tính trên cùng một khoản vay và sẽ bị áp trần 2 lần.
Phần chi phí lãi vay vượt trần sẽ bị tính thuế 2 lần tại hai công ty, tạo ra rào cản đối với việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con. Với quy định thế này có những việc trước đây được giao cho các công ty con, công ty liên kết thực hiện thì nay phải thuê các công ty bên ngoài.
Đại diện NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho rằng, Nghị định 20 tạo sự bất bình đẳng giữa giữa DN có giao dịch liên kết và DN không có giao dịch liên kết. Vị này bức xúc” Công ty chứng khoán Vietcombank chỉ phát sinh giao dịch liên kết trong hoạt động đi thuê văn phòng với công ty mẹ (là Vietcombank) thì "hoạt động chuyển giá hoàn toàn không thể có với bên phát sinh liên kết nhưng DN vẫn phải chịu khống chế lãi vay ở mức 20%.
Trước kiến nghị của các DN, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - ông Cao Anh Tuấn nói rằng quy định tại Nghị định 20 hoàn toàn có cơ sở và đã tính tới thực tế của Việt Nam. Việt Nam là nước thứ 100 gia nhập diễn đàn BEPS về chống xói mòn nguồn thu. BEPS đưa ra quy định khống chế lãi vay trên từ 10- 30% và Chính phủ Việt Nam đã cân nhắc chọn mức trung bình là 20% trên cơ sở khảo sát 12.000 tập đoàn trên toàn cầu.
Và trong bối cảnh nguồn lực có hạn, việc sử dụng vốn vay là cần thiết nhưng DN cũng cần phải tính toán lại các khoản vay giúp lành mạnh tình hình tài chính DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Quy định khống chế vốn vay cũng một phần để hạn chế tình trạng vốn mỏng của DN.
Ông cũng nói rằng Tổng cục thuế sẽ rà soát báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trên tinh thần phải bình đẳng giữa các DN có giao dịch liên kết. Tổng cục sẽ rà soát cụ thể để đảm bảo hỗ trợ DN, giúp DN tiếp tục hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, “Chúng ta vào cuộc chơi toàn cầu nên không có lý do gì để DN Việt đứng ngoài cuộc. Các DN muốn làm ăn toàn cầu nhưng thực hiện chính sách riêng thì rất khó”, ông Cao Anh Tuấn bày tỏ.
Còn Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), bà Nguyễn Thị Cúc khẳng định việc đưa tỷ lệ khống chế 20% trong mức lãi vay chênh lệch là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế. Thậm chí có quốc gia đưa mức này lên tới 25% - 30%. Nhưng bà Cúc cho rằng, chính sách thuế cần phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cũng cần phải phù hợp với điều kiện cụ thể ở Việt Nam.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, trong hơn 600.000 DN đang hoạt động thì có hơn 4.000 DN kê khai giao dịch liên kết. Tổng cục Thuế đã khảo sát 37.000 DN FDI là công ty con của các công ty đa quốc gia đóng tại Việt Nam, hiện chưa nhận được một văn bản kiến nghị nào về vấn đề này. Chỉ có một số DN, tập đoàn của Việt Nam dùng nhiều vốn vay kiến nghị về trần chi phí lãi vay 20% này. Việc rà soát bước đầu cho thấy có khoảng 10% DN đang vượt mức khống chế trong Nghị định 20.
Lan Linh