Doing Business 2019: Việt Nam tăng điểm nhưng giảm hạng

10:36 | 01/11/2018

Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business 2019), trong đó Việt Nam tăng 1,59 điểm lên 68,36 điểm, nhưng lại tụt một hạng xuống vị trí 69/190 nền kinh tế.

TIN LIÊN QUAN
Doing Buisiness 2018: Việt Nam tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu
Doing Business 2017: Việt Nam tăng mạnh 9 bậc
Đông Á – TBD vươn lên mạnh mẽ trong Doing Business 2016

Doing Business 2019 với chủ để "Đào tạo để cải cách" nhấn mạnh các nền kinh tế Đông Á tiếp tục chương trình nghị sự cải cách mạnh mẽ để cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo đánh giá của bà Rita Ramalho, Quản lý cao cấp Nhóm Chỉ số toàn cầu của WB - nhóm biên soạn báo cáo: “Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp”.

Năm nay, New Zealand giữ vị trí số 1 về môi trường kinh doanh, tiếp theo là Singapore, Đan Mạch, Hồng Kông, Hàn Quốc... Tại khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau các nước Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan.

doing business 2019 viet nam tang diem nhung giam hang

4 tăng, 6 giảm

Trong 10 chỉ số của Doing Business 2019, Việt Nam có 4 chỉ số tăng hạng và 6 chỉ số tụt hạng.

4 chỉ số tăng hạng gồm: chỉ số tiếp cận điện năng, gia nhập thị trường, đăng ký sở hữu tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng.

6 chỉ số tụt hạng là: thuế và bảo hiểm xã hội, bảo vệ nhà đầu tư, thương mại qua biên giới, tiếp cận tín dụng, cấp phép xây dựng, giải quyết phá sản.

Trong đó, chỉ số tiếp cận điện tăng mạnh tới 37 bậc, từ vị trí 64 lên 27 thế giới; chỉ số gia nhập thị trường tăng 19 bậc, từ 123 lên 104; chỉ số đăng ký sở hữu tài sản tăng 3 bậc lên vị trí 60; chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng 4 bậc lên thứ 62.

Tuy nhiên, chỉ số giải quyết phá sản ở vị trí thứ 133/190 nền kinh tế, tụt 4 bậc so với vị trí 129 của năm ngoái; chỉ số tiếp cận tín dụng ở vị trí 32, giảm 3 bậc; chỉ số cấp phép xây dựng ở vị trí 21, giảm 1 bậc.

Đáng tiếc là sau nhiều năm có sự cải thiện vượt bậc thì năm nay chỉ số thuế và bảo hiểm xã hội lại tụt 45 bậc, từ vị trí 86 của năm 2017 xuống vị trí 131 năm nay; chỉ số thương mại qua biên giới xếp thứ 100, tụt 6 bậc; chỉ số bảo vệ nhà đầu tư ở vị trí 89, tụt 8 bậc.

“Trong các thước đo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (Việt Nam tụt 3 bậc trong Chỉ số cạnh tranh quốc gia của WEF) và WB, năm nay Việt Nam đều tụt hạng, có lẽ đòi hỏi các cải cách trong nước cần mạnh mẽ và thực chất hơn!”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI bình luận thêm.

doing business 2019 viet nam tang diem nhung giam hang

Thế giới đang “chạy” quá nhanh

Việc Việt Nam tăng điểm nhưng giảm thứ hạng trong Doing Business 2019 là do các nền kinh tế khác trên thế giới đang cải cách mạnh mẽ hơn.

Trong 25 nền kinh tế khu vực, có 2 nền kinh tế lọt vào nhóm 10 nền kinh tế đứng đầu thế giới là Singapore (số 2) và Đặc khu hành chính Hồng Kông, Trung Quốc (số 4).

Trung Quốc nằm trong nhóm 10 nước cải thiện nhanh nhất trên thế giới. Năm qua, với kỷ lục 7 cải cách trong một năm, Trung Quốc vươn lên vị trí 46 trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Malaysia cũng cải thiện đáng kể khi lấy lại vị thế của mình trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, tăng 9 bậc lên vị trí 15. Indonesia cũng như Việt Nam, thực hiện 3 cải cách trong năm qua.

Tại Indonesia, các cải cách nhằm giảm bớt quy trình thành lập doanh nghiệp, đăng ký tài sản và cải thiện tiếp cận tín dụng. Ở Việt Nam, các cải cách giúp thuận tiện hơn trong thực thi hợp đồng, trả thuế và thành lập doanh nghiệp.

doing business 2019 viet nam tang diem nhung giam hang

Đà cải cách thúc ép nước tụt hậu

Doing Business 2019 ghi nhận các nền kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã thực hiện 43 cải cách trong năm qua để tăng cường sự thuận tiện trong kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.

Trong số những cải cách được thực hiện trong khu vực năm qua, có 10 cải cách giúp thành lập doanh nghiệp dễ dàng hơn, 7 cải cách tạo thuận lợi cho quá trình cấp điện và 5 cải cách giúp việc xin giấy phép xây dựng dễ dàng và an toàn hơn.

Theo báo cáo, các nền kinh tế khu vực thể hiện tốt ở các lĩnh vực cấp phép xây dựng và cấp điện. Ví dụ, xây dựng một kho hàng mất trung bình 133 ngày và tốn gần 2% giá trị kho hàng, so với mức trung bình toàn cầu là 158 ngày và 4,8% giá trị kho hàng.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn cần cải thiện thêm, chẳng hạn, thực thi hợp đồng, cần áp dụng nhiều hơn các thực hành tốt của quốc tế, các hệ thống giải quyết tranh chấp thay thế và các tòa án thương mại chuyên biệt. Ba phần tư nền kinh tế khu vực không có tòa án thương mại chuyên biệt. Hơn nữa, chi phí giải quyết tranh chấp thương mại trong khu vực trung bình là 47% của giá trị tranh chấp, so với 33% trên toàn cầu.

Kể từ khi báo cáo Môi trường Kinh doanh bắt đầu vào năm 2003, thành lập doanh nghiệp là lĩnh vực cải cách phổ biến nhất ở Đông Á - Thái Bình Dương. Kết quả là, thời gian trung bình để thành lập doanh nghiệp trong khu vực đã giảm gần một nửa, xuống còn 28 ngày so với 50 ngày năm 2003, và chi phí đã giảm đáng kể từ 59% thu nhập bình quân đầu người năm 2003 xuống 19% như hiện nay.

“Khi đà cải cách tiếp tục được phát triển trong khu vực, các nền kinh tế còn tụt hậu sẽ có cơ hội học hỏi những thực tiễn tốt từ các quốc gia lân cận,” bà Rita Ramalho chia sẻ.

Linh Ngân

Tin đọc nhiều