Dự án năng lượng sạch: Ngân hàng “hiến kế” thu hút tài chính

13:57 | 10/08/2018

Để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ cần xây dựng các chính sách dài hạn cho phát triển năng lượng tái tạo.

Dự báo, nhu cầu điện ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao. Theo Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh đã được Chính phủ phê duyệt thì tốc độ tăng trưởng trong các giai đoạn 2016-2020; 2021-2025; 2025-2030 tương ứng là 10,6%; 8,5% và 7,5%. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trên thì Quy hoạch điện VII đặt ra các mục tiêu tổng công suất hệ thống điện đến năm 2020 đạt trên 63.000MW; 2025 đạt trên 87.000MW; 2030 đạt 120.000MW.

du an nang luong sach ngan hang hien ke thu hut tai chinh
Ảnh minh họa

Cùng với đó, Chính phủ cũng phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu: Đạt tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm nguồn thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng) khoảng 7% vào năm 2020 và trên 10% vào năm 2030. Cụ thể đối với điện gió hiện đang ở mức180 MW thì đến năm 2020 phấn đấu đạt tổng công suất lắp đặt là 800MW; đến năm 2025 là 2.000MW và đến năm 2030 là 6.000MW. Đối với năng lượng mặt trời, đến năm 2020 công suất lắp đặt kỳ vọng đạt khoảng 850MW; đến năm 2025 là 4.000MW và đến năm 2030 là 12.000MW.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là những thách thức không nhỏ đối với ngành điện cũng như toàn bộ hệ thống kinh tế-xã hội của đất nước.

Đại diện VietinBank cho biết, hiện ngân hàng này đã cung ứng 60.000 tỷ đồng tài trợ cho các dự án của ngành điện nói chung và Tập đoàn Điện lực nói riêng với 7 nhà máy nhiệt điện, 20 nhà máy thủy điện và hàng nghìn dự án đường dây, trạm biến áp.

VietinBank tích cực cung cấp nguồn vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện mặt trời được ưu đãi theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg với tổng số vốn cam kết cấp tín dụng cho các dự án này là 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực này, VietinBank cũng như các NHTM khác đang gặp không ít trở ngại, khó khăn.

Có thể kể đến như giá bán năng lượng gió là 7,8 cent/kWh đã ban hành từ năm 2011 chưa hấp dẫn các nhà đầu tư và việc chưa mang lại hiệu quả cao. Điều này dẫn tới các dự án điện gió mặc dù đã đi vào vận hành nhưng vẫn lỗ.

Trong khi với giá bán điện mặt trời là 9,35 cent/kWh tương đối hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên mức giá này chỉ áp dụng đối với các dự án phải thực hiện vận hành thương mại trước thời điểm 30/6/2019. Điều này khiến các địa phương và nhiều nhà đầu tư cố gắng phát triển dự án vượt cả quy hoạch điện đến năm 2030, trong khi cơ sở hạ tầng truyền tải điện hiện nay không thể đáp ứng được.

Đồng thời, Chính phủ chưa đưa ra được cơ chế giá sau thời điểm 30/6/2019 nên các NHTM không thể đánh giá doanh thu của các dự án vận hành thương mại sau thời điểm nêu trên. Đó cũng là một trong những khó khăn trong việc tài trợ vốn đối với các dự án này. Cùng với đó là rào cản do các yếu tố kỹ thuật, đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo chưa được chuẩn hóa.

Vì vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ cần xây dựng các chính sách dài hạn cho phát triển năng lượng tái tạo. Điều này vừa để xây dựng cơ sở hạ tầng điện lực phù hợp với nguồn điện; vừa đảm bảo phát triển bền vững lâu dài. Từ đó vừa hạn chế doanh nghiệp đầu tư ngắn hạn để kiếm lợi nhuận; vừa tránh tăng trưởng “nóng” dẫn tới nhiều hệ lụy về nguồn tài nguyên đất đai…

Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành chính sách giá đối với điện mặt trời vì đây là điều cần thiết để giúp các NHTM có cơ sở vững chắc tính toán lại doanh thu từ dự án điện mặt trời. Từ đó, sẽ đề xuất các phương án cấp tín dụng hiệu quả nhất. Ngoài ra, các cấp có thẩm quyền cũng cần ban hành cụ thể các tiêu chuẩn kỹ thuật của máy móc, thiết bị cũng như định mức đầu tư cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Đây là công cụ để các NHTM có cơ sở thẩm định, loại bỏ các công nghệ lạc hậu; đồng thời đánh giá được tổng mức đầu tư của dự án, tính toán được hiệu quả thực của dự án.

Hương Thủy

Tin đọc nhiều