Hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng từ 1/7/2019 |
Đánh giá về thực trạng trả lương trên thị trường, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, năm 2018, tiền lương cơ bản trung bình của người lao động làm đủ giờ là 4,67 triệu đồng/tháng, tăng 4,2% so với năm 2017. Riêng ngành may, một trong 7 ngành thâm dụng lao động lớn nhất mà Tổng Liên đoàn lao động thực hiện khảo sát, có mức lương cơ bản thấp nhất ở mức 4,225 triệu đồng/tháng.
Theo khảo sát của TLĐLĐ thì mức lương cơ bản của ngành may vẫn ở mức thấp nhất |
Còn thu nhập của người lao động trung bình khoảng 5,53 triệu đồng/tháng, tăng 1,4% so với năm 2017; trong đó các khoản thu nhập ngoài lương cơ bản như làm thêm giờ, trợ cấp, chiếm khoảng 18%. “Tiền lương, thu nhập của người lao động có cải thiện nhưng không đủ trang trải cuộc sống, đa số chỉ vừa đủ trang trải và phải làm thêm giờ mới đủ sống. Nếu chỉ tính công việc hoàn thành trong giờ làm việc tiêu chuẩn, không tính các khoản phụ cấp, lương thực tế của nhiều công nhân may được khảo sát không đủ sống ở mức cơ bản nhất”, ông Quảng kết luận.
Bà Đinh Hà An - quản lý chương trình Quyền lao động của CDI cũng chỉ ra kết quả tương tự từ các cuộc khảo sát, nghiên cứu lao động trong ngành may do cơ quan này thực hiện năm 2018. Theo đó, mức lương cơ bản của người lao động ngành này là khoảng 5,11 triệu đồng/tháng, chiếm 64% tổng thu nhập hàng tháng của người lao động.
Đây là khoản mà người lao động chắc chắn nhận được. Còn lại là các khoản phụ cấp, lương tăng ca, thưởng khác chiếm 36% tổng thu nhập của lao động. Tuy nhiên khoản này có thể bị trừ hoặc không nhận được vào giai đoạn ít việc. Không chỉ thu nhập bấp bênh, người lao động phải dành khoảng 81% lương cơ bản và phụ cấp vào chi tiêu hàng tháng.
“Cuộc khảo sát cho thấy phần đông công nhân may có mức lương chưa đủ sống. Họ phải chi tiêu ở mức dè xẻn và hiếm khi chi tiền vào những khoản chưa thực sự cần thiết như giải trí, hoạt động xã hội, thậm chí là về quê thăm gia đình và bạn bè…”, bà An nêu thực trạng.
Thu nhập bấp bênh, nên biến động lao động của ngành may là lớn nhất trong số các ngành sản xuất hiện nay. Công nhân ngành may nhảy việc, bỏ việc nhiều, tỷ lệ đình công trong ngành này luôn cao nhất, chiếm hơn 39% số vụ đình công trong năm 2018.
Từ thực trạng trên, các chuyên gia của CDI và Oxfam đặt vấn đề, cần thiết kế chính sách để tiền lương thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương. Trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.
“Liệu mức lương thấp có còn là lợi thế của nền kinh tế Việt Nam? Hay một mức lương đủ để đảm bảo cho người lao động và gia đình họ có cuộc sống tử tế và đàng hoàng hơn mới là động lực để DN phát triển, sáng tạo, để tạo ra giá trị thặng dư thực sự cho nền kinh tế”, chuyên gia của CDI khuyến nghị.
Tuy nhiên, các tổ chức này cũng chỉ ra thực tế là việc tăng lương tối thiểu lên mức lương đủ sống ở Việt Nam hiện nay không dễ. Đó là do quan ngại tăng lương tối thiểu nhanh hơn so với tốc độ tăng năng suất và tăng trưởng của DN sẽ làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của DN. Bên cạnh đó, việc sửa đổi pháp luật tiền lương đang theo hướng áp dụng cơ chế thương lượng, trong khi khả năng thương lượng của công đoàn bị hạn chế.
Từ nhìn nhận việc tăng lương đủ sống cho công nhân phụ thuộc lớn vào giá đơn hàng cùng với việc cam kết và giám sát của nhãn hàng trong sự kết hợp với công đoàn, FWF cho rằng khuyến nghị tổ chức này cùng các nhãn hàng cùng chịu trách nhiệm về chi phí lương đủ sống của công nhân bằng việc giảm tình trạng hạ giá đơn hàng để tạo điều kiện cho các DN gia công trả thêm lương cho công nhân.
Khanh Đoàn