Giằng co chính sách lao động thời hội nhập

09:08 | 23/05/2019

“Thừa thày thiếu thợ, thị trường lao động kém cạnh tranh, thiếu hụt ngay từ các kỹ năng giản đơn, ngày càng được coi là lời cảnh báo đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, trong khi cánh cửa để lao động tự do dịch chuyển đang mở rộng hơn cùng với quá trình hội nhập".

Việt Nam trở thành “cứ điểm” sản xuất
Dự thảo Luật lao động (sửa đổi): Chỉnh sửa để không “lệch pha”

Ông Phạm Minh Huân, chuyên gia về lao động, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt vấn đề, phải đưa ra các yêu cầu đối với quá trình sửa đổi luật trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động rất lớn tới thị trường lao động. Cùng với đó, nhiều ngành nghề mới xuất hiện, kéo theo phương thức hoạt động cũng như việc thực thi các nghĩa vụ của người lao động đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng thay đổi rất nhiều…

giang co chinh sach lao dong thoi hoi nhap
Ảnh minh họa

Đó là chưa kể trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế đang diễn ra, song Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Năng lực lao động hạn chế, lại đối mặt với quá trình chuyển tiếp sang trình độ sản xuất hiện đại rất gấp gáp, vì vậy có nhiều vấn đề mới về lao động xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chính sách cho người cao tuổi cho đến đào tạo nghề, bảo hiểm xã hội, thất nghiệp… được đặt ra.

Những phản ánh từ thực tế đã cho thấy khoảng cách rất xa từ khả năng đáp ứng của thị trường lao động đối với yêu cầu của quá trình hội nhập. Chẳng hạn câu chuyện nâng tuổi nghỉ hưu đang làm đau đầu các cơ quan hoạch định chính sách. Bởi nếu không kịp thời nâng tuổi hưu, hậu quả sẽ là bỏ phí chất xám của lực lượng lao động kỹ năng cao, giàu kinh nghiệm, chưa kể tới vấn đề cân đối quỹ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên ở một số nhóm ngành nghề thì chính sách tăng tuổi hưu có thể sẽ gây tác động ngược.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp dệt may, khi vừa nghe tin Nhà nước dự tính nâng tuổi hưu, nhiều công nhân đã đâm đơn xin về hưu sớm rồi đăng ký làm việc ngoài giờ. Đó là bởi trên thực tế, đối với các ngành như dệt may, da giày… công nhân chỉ sản xuất đến độ tuổi 45-50 là sức khoẻ đã hạn chế và khó có thể làm tới ngưỡng tuổi theo yêu cầu.

Rất nhiều rào cản khác cũng đã được cộng đồng doanh nghiệp chỉ ra và kiến nghị sửa đổi chính sách, mà phần nhiều trong số đó mới chỉ tập trung vào việc nâng cao kỹ năng mềm của người lao động, chưa tính tới việc đáp ứng yêu cầu của hội nhập hay cách mạng công nghệ.

“Hoạch định chính sách phải dựa trên 3 chân là thực tiễn, pháp lý, thông lệ quốc tế. Song đối chiếu với quy định hiện hành thì luật quá gò bó và làm khó doanh nghiệp, trong khi lại bảo vệ quá mức quyền lợi người lao động, khiến họ có tâm lý ỷ lại”, lãnh đạo một doanh nghiệp thuỷ sản than phiền.

Vị này lấy dẫn chứng về cơ chế trong việc chấm dứt hợp đồng lao động hiện nay quá cứng nhắc. Không chỉ doanh nghiệp trong nước mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng cho rằng Việt Nam là quốc gia hiếm hoi có quy định chi tiết về từng hành vi vi phạm kỷ luật lao động để làm căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động. Quy định cứng như vậy dẫn tới tình trạng người lao động có hành vi sai phạm gây hậu quả lớn, nhưng doanh nghiệp cũng không thể sa thải được vì hành vi đó không có trong luật.

Hoặc quy định mới về thời gian thử việc có nêu rõ, lao động thử việc trong khoảng thời gian 6 ngày thấy đạt yêu cầu là phải ký ngay hợp đồng lao động. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu than phiền, doanh nghiệp tạo ra hàng hoá với tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, đưa lên kệ hàng nước ngoài, vì vậy thời gian 6 ngày khó có thể đào tạo các kỹ năng sơ chế sản phẩm cơ bản, chưa nói tới việc đáp ứng chuẩn quốc tế. Trong khi lao động đang là nguồn tài nguyên quý giá và tạo sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong cuộc tranh đua khốc liệt của hội nhập, thì quy định lại dễ dãi hơn về vấn đề này.

Những khúc mắc đó cho thấy, chính sách lao động đang vướng mắc nhiều bề. Trong khi vừa phải đáp ứng các tiêu chuẩn, đòi hỏi cao của quá trình hội nhập, phát triển kinh tế, thì các quy định pháp luật cũng khó có thể lướt qua thực tế là trình độ, kỹ năng của lao động trong nước hiện nay còn rất hạn chế.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều