Lo không đạt mục tiêu bãi bỏ 50% số điều kiện kinh doanh | |
Vì sao doanh nghiệp phản ứng? |
Dự thảo dự kiến một số quy định khống chế đối với nhà đầu tư nước ngoài tham gia hoạt động kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại khi yêu cầu về nhân sự phải là người Việt Nam, yêu cầu về số lượng gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các DNNVV của Việt Nam...
Chính phủ và Bộ Công thương đang nỗ lực để cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mà Bộ quản lý |
Dự thảo có tham vọng thiết lập chính sách cho hệ thống phân phối ở Việt Nam, nhưng các dự kiến hiện tại của dự thảo lại chỉ có thể chi tiết ở hình thức “chợ”, và một vài nội dung rất chung về “siêu thị, trung tâm thương mại”, hoàn toàn chưa có bất kỳ định hình nào về các hình thức phân phối khác, càng chưa có cái nhìn toàn cảnh về toàn bộ hệ thống phân phối.
Mặc dù chiếm một tỷ trọng đáng kể trong hiện tại, “chợ” chỉ là một bộ phận của hệ thống phân phối hiện đại gồm nhiều thành tố khác như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ chuyên ngành, cửa hàng bán lẻ của DN sản xuất... Do đó, những vấn đề liên quan tới phát triển và quản lý chợ không đại diện cho toàn bộ vấn đề của hệ thống phân phối, từ đây việc mở rộng phạm vi của Nghị định từ “chợ” ra toàn bộ “ngành phân phối” cũng sẽ gượng ép, thiếu hiệu quả, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý.
Chưa kể tới thực tế là “chợ”, với tính chất là một hình thức phân phối truyền thống, gắn với một bộ phận dân cư quan trọng, lại đang bị phân hóa mạnh (đặc biệt theo vùng miền), chịu tác động/sức ép từ sự phát triển của các hình thức phân phối hiện đại, cần có các chính sách, cách thức quản lý rất đặc thù. Vì vậy, định hướng phát triển cho toàn bộ ngành phân phối nhưng lại cơ bản dựa trên chính sách đối với “chợ” có lẽ là không thích hợp... Bản thân dự thảo cũng bộc lộ rõ sự lúng túng này, theo VCCI.
VCCI cho rằng, trong dự thảo có một số quy định có tính chất can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của DN. Theo dự thảo: Đơn vị kinh doanh khai thác phải “lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ, trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Việc phê duyệt phương án kinh doanh của UBND là sự can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của DN một cách bất hợp lý. Hơn nữa, xét về tính minh bạch, đây được xem là một dạng giấy phép, tuy nhiên lại không rõ về tiêu chí và thủ tục để có được.
Về hoạt động kinh doanh tại chợ, theo dự thảo “những người thuộc diện sản xuất nhỏ, tự tiêu thụ sản phẩm của mình (nông dân, thợ thủ công …) và những người buôn bán nhỏ, hàng rong, quà vặt được bố trí bán hàng trong chợ ở khu vực riêng dành cho người kinh doanh không thường xuyên tại chợ và phải chấp hành Nội quy chợ”.
Quy định này dường như đang can thiệp vào mối quan hệ dân sự giữa DN kinh doanh khai thác chợ với người thuê địa điểm kinh doanh bởi: Nhà nước không thể yêu cầu người kinh doanh chợ phải cho các nhóm chủ thể nhất định thuê, ví dụ trong trường hợp này là những người kinh doanh không thường xuyên; Trường hợp đã tổ chức khu vực bán hàng không thường xuyên nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu thì giải quyết như thế nào? Ngược lại, nếu số lượng có nhu cầu ít hơn số chỗ trong chợ thì DN liệu có được khai thác những chỗ trống đó? Quy định này vô hình trung sẽ không khuyến khích nhà đầu tư vào chợ.
Theo VCCI, các quy định này cần phải được thiết kế lại theo hướng: với mỗi loại “quy định ràng buộc” cần phải xác định rõ mục tiêu là gì? Tại sao phải sử dụng đến giải pháp này mà không phải là các giải pháp khác? Quy định này có thể giúp giải quyết bất cập hiện tại như thế nào.
VCCI cho rằng, trong dự thảo cũng có một số quy định không rõ mục tiêu quản lý Nhà nước và có nguy cơ biến tướng thành điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Chính phủ và Bộ Công thương đang nỗ lực để cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mà Bộ quản lý. Tuy nhiên, một số nội dung trong Dự thảo về bản chất lại đang thiết kế thêm các điều kiện kinh doanh mới và do đó cần được cân nhắc lại.
Bên cạnh đó, cũng cần xem xét lại các quy định ở nhiều khía cạnh: Việc đưa ra tiêu chí để phân biệt trung tâm thương mại như thế nào? Những cơ sở kinh doanh không đáp ứng tiêu chí này nhưng vẫn được gọi là siêu thị, trung tâm thương mại thì những lợi ích công cộng nào bị ảnh hưởng?
Hơn nữa, các hoạt động kinh doanh trong siêu thị, trung tâm thương mại liên quan đến nhiều loại hàng hóa khác nhau, tương ứng với các loại hàng hóa đó có những văn bản chuyên ngành điều chỉnh tương ứng và các văn bản này đã đủ để kiểm soát rủi ro đối với hoạt động này?
Dự thảo còn quy định “các siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả các ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10:00 sáng đến 22:00 tối” là can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của DN. Đây là vấn đề của thị trường, Nhà nước không cần/không nên can thiệp.
Linh Ly