Gió có lặng ở Eximbank?

16:00 | 02/05/2018

Mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản tăng ở mức 19% (đạt 178.000 tỷ đồng, tăng trưởng huy động ở mức 26% và tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức 12%) như kế hoạch mà Eximbank cho năm 2018 là có thể đạt được.

Gửi tiền online để nhận quà tặng hấp dẫn và hưởng lãi suất cao từ Eximbank
Cổ phiếu Eximbank chính thức thoát khỏi diện cảnh báo
Eximbank dành nhiều ưu đãi cho khách hàng nhân dịp vía Thần tài

Cuối tuần qua, Eximbank tổ chức đại hội cổ đông thường niên với nhiều nội dung quan trọng được thông qua nhằm vực dậy TCTD này sau nhiều năm phải gồng mình xử lý các khoản nợ lũy kế. Tuy nhiên, những diễn biến tại đại hội cho thấy, để vực dậy thương hiệu Eximbank trở lại, TCTD này vẫn sẽ phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa.

gio co lang o eximbank
Eximbank đã đạt được một số kết quả tích cực trong hoạt động tái cấu trúc

Đợi để được chia cổ tức bền vững

Công bố tại đại hội về kết quả kinh doanh, HĐQT Eximbank cho biết, trong năm 2017 vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư của ngân hàng đạt 117.540 tỷ đồng, tăng 14,8% so năm trước; tổng dư nợ tín dụng đạt 101.399 tỷ đồng (không bao gồm trái phiếu VAMC), tăng 14,6%. Với kết quả này, Eximbank đã hạch toán 483 tỷ đồng để bù đắp lỗ lũy kế của các năm trước. Do đó, lợi nhuận còn lại không nhiều (chỉ hơn 158 tỷ đồng) nên Eximbank đã quyết định không thực hiện chia cổ tức cho năm 2017.

Thực tế, việc nhiều năm liền không chia cổ tức cho cổ đông đối với những nhà băng đã từng là các thương hiệu lớn trong ngành NH như Eximbank và Sacombank luôn khiến cho cổ đông bị thiệt thòi và phản ứng tiêu cực. Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Sau 3 năm hứng chịu “sao quả tạ” từ khoản lỗ luỹ kế hơn 1.000 tỷ đồng, tính đến thời điểm hiện nay, dù có xem xét với một thái độ khắt khe thì cũng phải ghi nhận rằng Eximbank đã đạt được một số kết quả tích cực trong hoạt động tái cấu trúc. Việc duy trì được “bệ đỡ” khá vững chắc là cổ đông lớn Sumitomo Mitsui – một NH uy tín của Nhật với tỷ lệ đóng góp vốn 15% cho thấy thương hiệu Eximbank vẫn còn nhiều cơ sở để vực dậy và phát triển.

Chia sẻ về việc chia cổ tức, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank kêu gọi ở cổ đông sự thông cảm đối với tình hình chung của NH. Bởi theo ông Quyết từ năm 2013 đến nay, với tất cả sự xáo trộn về nhân sự và cơ cấu sở hữu, việc giải quyết các khoản nợ tồn đọng không hề dễ dàng. Dự kiến phải đến năm 2020 Eximbank mới trở lại mặt bằng hoạt động ổn định. Khi đó đơn vị sẽ phấn đấu đưa tổng nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu bán cho VAMC, nợ xấu nội bảng…) về dưới 3%. Và nếu đi theo phương án này một cách thuận lợi, nợ xấu bán cho VAMC vào cuối năm 2018 sẽ giảm xuống 2.400 tỷ đồng và đưa về dưới 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2019. “Khi đó Eximbank thực hiện chia cổ tức thì mới đảm bảo tính bền vững” – ông Quyết nói.

Xong cả nhân sự lẫn lỗ lũy kế

Liên quan đến câu chuyện nhân sự tại Eximbank, suốt 2 năm vừa qua dư luận không ngớt thông tin vào ra giữa các nhóm cổ đông. Tuy nhiên, ở đại hội cuối tuần qua hầu như mọi thắc mắc đã được phần nào giải tỏa. Việc trúng cử của bà Lương Thị Cẩm Tú, cựu Tổng giám đốc NamABank vào HĐQT Eximbank đang cho thấy những hứa hẹn của NH này để tiếp tục lộ trình tái cơ cấu.

Trong khi đó, mặc dù chịu áp lực lớn từ phía cổ đông vì liên tiếp 5 năm liền không chia cổ tức nhưng ông Lê Văn Quyết vẫn tự tin cho rằng mục tiêu của Eximbank là tái cấu trúc tài sản và sẽ hoàn thành theo đúng kế hoạch. Theo đó kể từ năm 2018 trở đi, Eximbank sẽ đẩy mạnh phát triển các dịch vụ để tăng thu ngoài lãi.

Theo ông Quyết, những điểm tựa quan trọng để Eximbank có thể tự tin trong kế hoạch tái cơ cấu là tính đến cuối tháng 3/2018 NH đã xử lý xong các khoản phải thu liên quan đến Eximland (dẫn đến khoản lỗ lũy kế là 835 tỷ đồng). Khoản lỗ này đã được bù đắp bằng lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ qua các năm từ 2015 đến 2017. Đến nay, Eximbank đã xử lý hết lỗ lũy kế. Ngoài ra, cuối tháng 1/2018 Eximbank cũng đã thoái toàn bộ hơn 12 triệu cổ phiếu STB của Sacombank.

Trong khi vào đầu năm ngoái, Eximbank đã sở hữu hơn 165 triệu cổ phiếu tại Sacombank, chiếm 8,76% vốn điều lệ. Theo báo cáo của Ban kiểm soát trình tại ĐHCĐ thường niên 2018, tính đến ngày 31/12/2017, Eximbank còn sở hữu hơn 12 triệu cổ phiếu STB của Sacombank, tương đương 0,637% vốn cổ phần có quyền biểu quyết. Tuy nhiên, đến 31/1/2018, Eximbank đã thoái toàn bộ vốn tại Sacombank. Thu nhập từ thoái vốn đối với khoản đầu tư này đóng góp vào lợi nhuận kinh doanh của Eximbank gần 648 tỷ đồng.

Những cơ sở này cho thấy, mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản tăng ở mức 19% (đạt 178.000 tỷ đồng, tăng trưởng huy động ở mức 26% và tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức 12%) như kế hoạch mà Eximbank cho năm 2018 là có thể đạt được.

Hồng Cường

Tin đọc nhiều