Giữ vững vị thế Ngân hàng chủ lực

09:15 | 26/04/2017

BIDV ngày nay không chỉ được định lượng bằng quy mô, chất lượng, hiệu quả mà còn từng bước xác lập và khẳng định vị thế, uy tín của một ngân hàng hàng đầu Đất nước

BIDV dẫn đầu Top 10 Doanh nghiệp Thương mại dịch vụ xuất sắc
Nhiều ưu đãi dành cho chủ thẻ BIDV cùng chương trình “Lễ hội ẩm thực cho kỳ nghỉ hoàn hảo”

Ngày này cách đây 60 năm về trước (26/04/1957- 26/04/2017) có một ngân hàng mang tên Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, tiền thân của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ra đời. Trải qua tiến trình 60 năm đồng hành phát triển cùng đất nước, dù có khác nhau về quy mô, tính chất hoạt động; về thời gian và không gian; về tên gọi và ngành chủ quản, nhưng BIDV luôn có một điểm chung xuyên suốt là gắn bó mật thiết với sự nghiệp đầu tư phát triển đất nước, với cốt cách tiên phong, sáng tạo để gánh vác sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó trong từng giai đoạn của Cách mạng Việt Nam.

giu vung vi the ngan hang chu luc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập BIDV

60 năm – một ngày ngoảnh lại

Ngay sau khi được thành lập, chỉ với 200 cán bộ nhân viên và 11 chi nhánh, các thế hệ cán bộ, nhân viên của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam với nhiệt huyết cách mạng, đã hăng say vừa học vừa làm, xung kích trên mặt trận tài chính non trẻ nóng bỏng, cung ứng kịp thời vốn cho việc xây dựng các công trình quốc kế, dân sinh thuộc mọi lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, văn hóa, giáo dục, y tế…

Sau chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam đã sớm tiếp quản và hình thành mạng lưới trên một nửa đất nước vừa được giải phóng, cùng cả nước bắt tay vào công cuộc tái thiết và thực hiện các kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980), kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981-1985).

Trong bộn bề và muôn vàn gian khó của một Đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tàn khốc kéo dài hơn 20 năm, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực với trách nhiệm cao nhất nhằm quản lý hiệu quả vốn NSNN phục vụ xây dựng các công trình quốc kế dân sinh của đất nước.

Cũng trong giai đoạn này, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam được chuyển từ Bộ Tài chính sang trực thuộc NHNN Việt Nam và đổi tên thành Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam (ngày 24/6/1981) với nghiệp vụ chủ yếu vẫn là cấp phát, cho vay thi công nhưng đã được nâng lên ở một yêu cầu cao hơn và bắt đầu áp dụng thí điểm cơ chế cấp tín dụng ưu đãi từ vốn nhà nước theo phương thức cho vay có hoàn trả để nhanh chóng xoá bỏ cơ chế bao cấp trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Những năm cuối của thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90, thế kỷ 20, đánh dấu một bước đột phá trong lịch sử phát triển của hệ thống Ngân hàng Việt Nam. Với sự ra đời của Nghị định 53 của Chính phủ và sau đó là 2 pháp lệnh Ngân hàng, hình thành mô hình Ngân hàng hai cấp, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh tiền tệ, theo đó, các NHTM hoạt động đa năng ra đời. Ngày 14/11/1990, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được thành lập lại trên cơ sở Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam. Phát huy truyền thống xung kích và sáng tạo, BIDV tiếp tục có những đột phá về xoá bao cấp trong đầu tư xây dựng cơ bản, đột phá trong việc tự lo một phần tới lo toàn bộ nguồn vốn cho đầu tư trung và dài hạn các công trình, dự án sản xuất kinh doanh theo kế hoạch nhà nước.

Từ năm 1995, thực hiện các quyết định của Chính phủ, BIDV đã chuyển sang hoạt động NHTM đa năng, đa lĩnh vực với tính tập trung thống nhất và tính hệ thống cao. Cũng từ bước ngoặt đáng ghi nhớ này, nền tài chính Việt Nam đón chào sự ra đời của một định chế tài chính mới: Tổng cục Đầu tư - Phát triển được thành lập để thực hiện nhiệm vụ cấp phát vốn NSNN và cho vay theo KHNN do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chuyển giao.

Kể từ đó, kế thừa và phát huy truyền thống nghề nghiệp của các thế hệ cán bộ Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Tổng Cục đầu tư - Phát triển, Quỹ Hỗ trợ phát triển và nay là Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã nhanh chóng phát triển, trở thành định chế tài chính nền tảng, cốt lõi của nền tài chính nước nhà trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước.

giu vung vi the ngan hang chu luc
Tiết mục văn nghệ "Thẳng hướng tương lai" tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập BIDV

Tỏa sáng trang sử hào hùng

Trong 60 năm hoạt động với hơn 20 năm hoạt động kinh doanh thương mại trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh khắc nghiệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước trải qua nhiều biến động, khó khăn. Song, với bản lĩnh vững vàng, với tinh thần đoàn kết, cầu thị, với sự năng động, sáng tạo; lại được Chính phủ, NHNN quan tâm chỉ đạo tạo điều kiện ủng hộ; bạn bè, đối tác khách hàng chia sẻ, hợp tác và cam kết gắn bó dài lâu, BIDV đã chuyển đổi toàn diện, đồng bộ sang mô hình ngân hàng thương mại hiện đại, đa năng; xác lập các chiến lược kinh doanh và quản trị rủi ro theo tiêu chí của ngân hàng hiện đại; xác định khách hàng là trung tâm, công nghệ và nguồn nhân lực là giá trị, là công cụ cạnh tranh cốt lõi; tạo Thế và Lực mới cho phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.

Từ một ngân hàng đơn sở hữu, đơn lĩnh vực hoạt động, hoạt động chỉ trong nội địa và khách hàng chỉ thuần túy là doanh nghiệp Nhà nước, BIDV ngày nay đã trở thành Tổ hợp tài chính ngân hàng đa sở hữu, hoạt động đa lĩnh vực, đa quốc gia với 5 Tổng công ty trực thuộc, 35 đơn vị liên doanh góp vốn, hoạt động theo yêu cầu quy tắc quản trị của Công ty đại chúng niêm yết; công khai, minh bạch, hiệu quả ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.

Từ một Ngân hàng chuyên cấp phát vốn Ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp, cho các doanh nghiệp nhà nước, nay đã cung cấp đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện đại có hàm lượng công nghệ cao đáp ứng mọi nhu cầu của hơn 9 triệu khách hàng trong nước và hơn 2.300 định chế tài chính ở 127 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Từ một ngân hàng được Nhà nước cấp vốn ban đầu là 200 tỷ đồng (năm 1990) đến nay vốn Nhà nước tại BIDV đã hơn 34.000 tỷ đồng và trong 5 năm trở lại đây nộp ngân sách hơn 23.000 tỷ đồng, luôn là một trong 10 doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất Việt nam; hoạt động an toàn, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát (< 2%), lợi nhuận hàng năm trên 7.500 tỷ đồng, đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập cho gần 25.000 cán bộ công nhân viên và cung ứng hàng năm hơn 1,5 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế; một ngân hàng có tổng tài sản hơn 1 triệu tỷ đồng (Top 30 Ngân hàng lớn nhất ASEAN) được bình chọn vào Top 2000 Công ty đại chúng lớn và quyền lực nhất thế giới; được định giá đứng đầu hệ thống NHTM Việt Nam.

BIDV ngày nay không chỉ được định lượng bằng quy mô, chất lượng, hiệu quả mà còn từng bước xác lập và khẳng định vị thế, uy tín của một ngân hàng hàng đầu Đất nước; được Đảng, Chính phủ, các doanh nghiệp, doanh nhân đối tác trong, ngoài nước, cộng đồng xã hội tin tưởng, ghi nhận và đánh giá cao. Thương hiệu BIDV ngày nay không chỉ thể hiện ở tính tiên phong, tích cực, chủ động thực hiện hiệu quả chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, là lực lượng vật chất của Chính phủ, NHNN để điều tiết kinh tế vĩ mô, phát triển cân đối các vùng miền, mà còn là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam thiết lập các hiện diện thương mại, tổ chức kinh doanh toàn diện ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán ở ngoài nước, đóng vai trò chủ lực trong hợp tác kinh tế và đầu tư tại các địa bàn trọng điểm chiến lược và là định chế tài chính tiên phong mở đường để cùng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài.

Tổng giám đốc BIDV Phan Đức Tú cho biết: Có được vinh dự này, tự hào ngày hôm nay, chúng tôi ý thức sâu sắc rằng, đó là thành quả được kết tinh từ sự quan tâm, lãnh đạo, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam, sự quan tâm ủng hộ, giúp đỡ của Nhà nước Lào, Campuchia đối với hoạt động của BIDV; sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát và hiệu quả của NHNN Việt Nam; là thành quả được bồi đắp từ sự chung tay, ủng hộ của hàng triệu khách hàng, đối tác… và được vun trồng, kết trái từ truyền thống vẻ vang của các thế hệ cán bộ BIDV trong suốt 60 năm qua.

Chặng đường phía trước đang mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng không ít khó khăn thách thức. Hơn lúc nào hết, toàn hệ thống BIDV, phải đánh giá thật đúng tình hình, bám sát chủ trương đường lối của Đảng, Chính sách Pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN để tiếp tục phát huy vai trò là Ngân hàng TMCP có sở hữu lớn của Nhà nước, giữ vững vị thế Ngân hàng chủ lực, có trách nhiệm của quốc gia, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng vào thị trường tài chính ngân hàng khu vực và quốc tế.

Kiến Thiết

Tin đọc nhiều