Ảnh minh họa |
Theo đại diện Grab, doanh nghiệp hoan nghênh kiến nghị này của Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho rằng việc chuyển đổi mô hình sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa quyền lợi cơ bản của mình, đem lại nhiều lợi ích tích cực cho toàn ngành dịch vụ vận tải nói riêng, người tiêu dùng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Luật Doanh nghiệp và các quy định hiện hành đảm bảo quyền cơ bản của tất cả các doanh nghiệp là được phép lựa chọn bất kỳ mô hình kinh doanh nào phù hợp nhất và tạo ra nhiều lợi ích nhất cho thị trường, xã hội.
Đáng chú ý, Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ Giao thông vận tải về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Đề án 24) cho phép không chỉ các mô hình kinh doanh mới như Grab, Uber, Emddi mà cả các đơn vị vận tải truyền thống có thể triển khai hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp taxi như Vinasun, Mai Linh, Thành Công… đã chủ động tham gia Đề án ngay từ những ngày đầu, đầu tư công nghệ phần mềm và đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ hành khách ngày càng tốt hơn. Chất lượng dịch vụ của hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô dưới 9 chỗ trên thị trường nói chung đã được cải thiện đáng kể.
Cũng theo đại diện Grab, với các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải, việc sử dụng các ứng dụng công nghệ đã nâng cao rõ rệt hiệu quả kinh doanh bằng việc tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, giảm tỷ lệ xe chạy rỗng trên đường, góp phần giảm đáng kể ùn tắc giao thông đô thị do phương tiện đến đón đúng địa chỉ với quãng đường di chuyển ngắn nhất.
Trong khi đó, với người tiêu dùng, mô hình kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng điện tử cũng đem lại những tiện ích đáng kể. Từ khi mô hình này được triển khai thông qua các ứng dụng đặt xe như Grab, Uber, người tiêu dùng Việt Nam đã được tiếp cận với một dịch vụ giúp cho việc di chuyển hằng ngày có thể trở nên an toàn, tiện lợi và tiết kiệm hơn rất nhiều. Hành khách có thể biết được thông tin của tài xế và phương tiện (tên, số điện thoại, biển số xe, loại xe), biết trước được giá cước, tăng khả năng tìm lại hành lý, tài sản, chia sẻ thông tin chuyến đi khi cần nhằm nâng cao an toàn cho hành khách.
Bên cạnh, nhờ có các ứng dụng gọi xe công nghệ, công tác quản lý của các cơ quan chức năng cũng trở nên hiệu quả hơn. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải tổng kết 2 năm thực hiện Đề án 24, việc các doanh nghiệp ứng dụng phần mềm kết nối vận tải đã đáp ứng được xu thế tất yếu trong ứng dụng khoa học công nghệ đối với lĩnh vực vận tải, thúc đẩy việc đổi mới để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông, góp phần triển khai tốt việc thực hiện cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 của Việt Nam.
Việc sử dụng ứng dụng trong kinh doanh vận tải với dữ liệu hành trình và giá cước được ghi nhận trên từng chuyến đi góp phần làm minh bạch hoạt động vận tải hành khách, đồng thời quản lý hiệu quả được việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.
Trước đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có văn bản gửi cơ quan quản lý, cũng “xin” được chuyển đổi sang hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử thay vì taxi truyền thống như hiện nay.
Ngoài ra, Hiệp hội taxi Hà Nội cũng gửi kiến nghị lên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan hướng dẫn việc chuyển đổi hình thức kinh doanh vận tải từ kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi truyền thống sang kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng điện tử; kèm theo đó muốn thanh lý toàn bộ hợp đồng lao động với các lái xe taxi và chuyển sang hình thức cho thuê xe.
N.L