Hà Nội tăng tốc thu hút đầu tư

18:29 | 26/08/2015

Ngoài việc tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thuận tiện thì những cơ chế, chính sách của Hà Nội sẽ hướng tới đảm bảo được lợi ích 3 bên, của thành phố, của DN, của xã hội..

Là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất cả nước, nhưng mãi đến tháng 6/2015, TP. Hà Nội mới thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch (ĐTTM& DL). Đây chỉ là một trong những biểu hiện cho thấy những bước chuyển động của Hà Nội trong thu hút, vẫy gọi đầu tư đang quá chậm rãi. Điều này đã từng khiến nhiều người lo ngại sẽ làm phí hoài những lợi thế vượt trội mà thành phố có được ở vị trí là Thủ đô của cả nước.

ha noi tang toc thu hut dau tu
Ảnh minh họa

Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tuấn, cho biết, công tác thu hút đầu tư đã có sự tăng trưởng tích cực cả về số lượng và chất lượng. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 5 năm đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng gấp gần 2 lần giai đoạn 2006-2010. FDI của TP. Hà Nội hiện đang đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và đang có xu hướng duy trì đều trong những năm gần đây. Lũy kế đến tháng 7/2015, Hà Nội có 3.209 dự án FDI với tổng vốn đăng ký lên tới 24,04 tỷ USD.

Tuy nhiên những kết quả đạt được này, theo ý kiến của các cơ quan quản lý và ngay cả các lãnh đạo của TP. Hà Nội, đều là dưới tiềm năng. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, các dự án FDI của Hà Nội hiện nay chủ yếu là các dự án nhỏ, rất nhỏ trong các lĩnh vực dịch vụ lưu trú - ăn uống, bất động sản… Trong khi đó mục tiêu thu hút FDI chất lượng cao vào các ngành công nghệ cao, phát triển bền vững… lại chưa được như kỳ vọng.

Nút thắt lớn nhất, theo ông Hoàng, là chi phí sinh hoạt ở Hà Nội cao hơn các tỉnh, thành khác, đặc biệt giá tiền thuê đất rất cao. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng là câu chuyện khó khăn, vướng mắc trong nhiều năm nay, khiến nhiều dự án chậm triển khai, ảnh hưởng đến thu hút FDI.

Là một trong những địa phương có nhiều lợi thế vượt trội song thứ hạng của Hà Nội trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) qua các năm cải thiện rất chậm chạp và cho tới nay mới chỉ nằm ở nhóm Khá của cả nước. Theo đó, thứ hạng này lên dần từ vị trí 51 năm 2012 lên 33 vào năm 2013 và tới năm 2014 mới leo lên thứ 26.

Thay mặt cho đội ngũ lãnh đạo, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Hà Nội vừa diễn ra, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhìn nhận, toàn bộ bức tranh phát triển Hà Nội trong những năm qua có thể đánh giá ngắn gọn là chưa phát triển và phát huy hết tiềm năng, chưa khai thác có hiệu quả các lợi thế so sánh. Nhất là môi trường đầu tư, công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch còn hạn chế. Song cũng từ hội nghị này cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ và sự đồng thuận của lãnh đạo TP. Hà Nội khi liên tục tuyên bố sẽ tạo mọi điều kiện để thu hút đầu tư.

Ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP. Hà Nội khẳng định, quan điểm của Hà Nội trong công tác xúc tiến đầu tư là phải có trọng tâm, tránh dàn trải. Ông Phương cũng cho biết, cải thiện môi trường đầu tư của thành phố chính là trọng tâm trong công tác xúc tiến đầu tư, do đó thành phố sẽ tập trung xúc tiến đầu tư đối với các đối tác chiến lược, các địa bàn trọng điểm ở nước ngoài.

Cụ thể, Hà Nội tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút vốn FDI vào các ngành, lĩnh vực đào tạo phát triển nguồn nhân lực, công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ chất lượng cao, y tế, du lịch, bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng mới, phát triển vật liệu mới, phát triển cơ sở hạ tầng…

Ông Đỗ Nhất Hoàng đề xuất, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, cho nên vai trò liên kết của thành phố là vô cùng quan trọng. Với ý nghĩa này, Hà Nội không thể phát triển riêng lẻ mà phải trở thành vùng thủ đô, để trao đổi liên kết mạnh hơn nữa với các tỉnh xung quanh. Chẳng hạn đây là trung tâm của nhiều trường đại học, dạy nghề, có thể trở thành nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương.

Ông Thảo nhấn mạnh thêm, thông điệp của thành phố muốn gửi tới nhà đầu tư là thời gian tới thành phố sẽ rất quan tâm chú trọng vấn đề cải thiện môi trường đầu tư và xúc tiến đầu tư. Ngoài việc tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thuận tiện thì những cơ chế, chính sách của Hà Nội sẽ hướng tới đảm bảo được lợi ích 3 bên, của thành phố, của DN, của xã hội. Đó vừa là mục tiêu vừa là nhân tố bền vững cho sự phát triển trong tương lai.

“Chính quyền Hà Nội cam kết không ngừng tạo lập môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng minh bạch, thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư làm ăn lâu dài tại Thủ đô”, ông Thảo kết luận.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều