Hàng Nhật tìm cửa vào Việt Nam

12:01 | 18/11/2016

Cùng với việc phát triển các trung tâm thương mại, mua sắm lớn như Trung tâm thương mại Aeon Mall của Tập đoàn Aeon, nhiều DN Nhật Bản mong muốn khai thác thị trường Việt Nam, một quốc gia đang phát triển tại khu vực ASEAN.

Để kéo vốn Nhật tăng trở lại
Thu hút CNTT từ Nhật Bản
Vì sao người Việt thích tiêu tiền tại Nhật?
Soc&Brothers khai trương cửa hàng Nhật Bản dành cho mẹ và bé

37 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng, tạp hoá của Nhật Bản đã tham gia vào sự kiện Good Goods Japan, tổ chức sáng ngày 17/11, để kết nối với những nhà mua hàng Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) thực hiện từ năm 2012 nhằm hỗ trợ DNNVV Nhật Bản khai thác kênh bán hàng, đưa sản phẩm chất lượng cao vào các nước khu vực ASEAN.

hang nhat tim cua vao viet nam
Ảnh minh họa

Theo Jetro, cùng với việc phát triển các trung tâm thương mại, mua sắm lớn như Trung tâm thương mại Aeon Mall của Tập đoàn Aeon, nhiều DN Nhật Bản mong muốn khai thác thị trường Việt Nam, một quốc gia đang phát triển tại khu vực ASEAN.

Bà Michiyo Uehara, Giám đốc Bộ phận sản xuất hàng tiêu dùng của Jetro Nhật Bản cho biết, hầu hết các DN Nhật Bản có mặt trong cuộc giao thương đều có quy mô nhỏ và vừa. Đối với các DN này, để tự tìm đối tác tại thị trường nước ngoài là vô cùng khó khăn. Vì vậy Jetro đã xây cầu nối để các bên trao đổi thông tin, cùng nhau xúc tiến các hoạt động hợp tác tiếp theo.

Cùng với hoạt động kết nối giao thương, đoàn DN Nhật Bản đã đi khảo sát tại các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm lớn như Aeon, Vincom… Bà Michiyo Uehara cho biết, hiện nay ngoài sản phẩm Nhật Bản, trên thị trường Việt Nam có cả sản phẩm từ Hàn Quốc, Trung Quốc… đang chiếm tỷ lệ khá áp đảo so với hàng Nhật. Các DN Nhật Bản nhận thấy rằng, điều này càng khẳng định thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác và mang hàng Nhật vào “phủ sóng”.

Đánh giá về thị trường Việt Nam, bà Michiyo Uehara cho biết đây là thị trường có nhiều người trẻ, với tăng trưởng GDP ở mức cao, rất lý tưởng trong mắt các nhà sản xuất hàng tiêu dùng Nhật Bản. Vì vậy, sau 2 lần tổ chức, số lượng DN tham gia vào buổi kết nối lần thứ 3 này đã tăng lên đáng kể. Các sản phẩm mà DN Nhật Bản mang tới giới thiệu với các nhà phân phối Việt Nam gồm đồ gia dụng, đồ gốm sứ, đồ trẻ em, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ…

Ông Akimasa Azechi, Giám đốc Công ty TNHH Aito, DN chuyên sản xuất hàng gốm sứ cho biết, DN này có 80% sản phẩm được tiêu thụ trong nước và 20% là xuất khẩu. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên DN xúc tiến tìm hiểu thị trường Việt Nam.

Qua trao đổi với những nhà mua hàng Việt Nam, ông Akimasa Azechi cho rằng, trở ngại lớn nhất để sản phẩm của DN thâm nhập thành công vào Việt Nam là giá cả còn tương đối cao so với khả năng chi trả của người tiêu dùng. “Về chất lượng của sản phẩm thì chúng tôi đều rất tự tin. Tuy nhiên giá thành tương ứng với chất lượng đó và giá thành tương ứng với thị trường thì có khoảng cách khá xa. Đó là điều mà các DN cảm thấy quan ngại nhất”, ông chia sẻ.

Từ phía các nhà phân phối Việt Nam, phản hồi chung cho thấy giá cả cũng chính là trở ngại lớn nhất để tiêu thụ hàng tiêu dùng Nhật Bản trong nước. Từ ngày 1/4/2015, đã có hơn 3.000 dòng thuế nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam hạ xuống mức 0% theo Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Nhật Bản; Hiệp định Đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tuy nhiên nhìn vào biểu thuế của các mặt hàng có mức 0% thì phần lớn đều là nguyên liệu đầu vào của sản xuất như giống thủy sản, cây trồng; máy móc, thiết bị; nguyên phụ liệu dệt may, da giày…

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan trong 8 tháng đầu năm cũng cho thấy, sản phẩm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, nguyên phụ liệu sản xuất… vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm hàng nhập khẩu từ Nhật Bản. Trong khi đó, những mặt hàng tiêu dùng trực tiếp vẫn chịu thuế suất cao hơn 10%. Vì vậy, chưa nên lo hàng Nhật Bản sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam và hàng trong nước vẫn có thể cạnh tranh được.

Khanh Đoàn

Tin đọc nhiều