Hàng Việt khó chen chân vào siêu thị mini

17:28 | 03/06/2015

Trong khi các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi đang ngày càng phát triển rộng khắp và được người dùng ưa chuộng, thì lại có một nghịch lý là hàng Việt chỉ hiện diện với số lượng ít ỏi trong các chuỗi cửa hãng này, “chấp nhận” nhường sân chơi cho hàng ngoại.

hang viet kho chen chan vao sieu thi mini
Ảnh minh họa

Theo nghiên cứu của Nielsen, 73% người tiêu dùng Việt Nam quan tâm tới sức khỏe và họ sẵn sàng chi trả cao hơn để có sản phẩm có chất lượng. Các đối tượng mua sắm nhiều nhất tại các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, không chỉ là sinh viên, người mới đi làm, phụ nữ công sở, phụ nữ nội trợ, mà cả những người làm việc văn phòng cũng đang ngày càng mua sắm nhiều hơn ở các cửa hàng tiện lợi vì sự tự do, thoải mái...

Do vậy, các chuyên gia bán lẻ nhận định, trong tương lai các siêu thị mini sẽ vô cùng tiện lợi và năng động. Nếu 10 năm trước, các cửa hàng tiện lợi như G7-Mart của Trung Nguyên, Family Mart hay nhiều cửa hàng khác “chết” vì giá cả đắt đỏ hơn chợ, siêu thị thì hiện nay, người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cao cho sự tiện lợi, giá không còn là lựa chọn số 1 của nhiều người tiêu dùng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…

Tuy nhiên cùng với sự phát triển của các chuỗi cửa hàng này, thực tế cũng đang cho thấy tiềm năng là vậy song hàng hóa trong nước lại đang khó chen chân vào các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi này.

Là DN kinh doanh sản phẩm may mặc, thời trang phụ kiện, vải… nhưng sau gần một năm đàm phán, Công ty cổ phần quốc tế VAG mới có cơ hội đưa hàng của mình vào chuỗi siêu thị của Vinmart. Một trong những khó khăn được ông Nguyễn Công Minh - Chủ tịch HĐQT VAG chia sẻ: “Với hệ thống siêu thị mini, DN chúng tôi gặp không ít khó khăn khi tiếp xúc, hoặc nếu có được thì lại nảy sinh những vấn đề nhạy cảm khác…”.

Đặc biệt, theo ông Minh, đối với các cửa hàng tiện ích thì lại càng khó khăn hơn, bởi ngay từ đầu mục tiêu của họ và DN khác nhau. “Như mục tiêu của DN là đem đến cho khách hàng sản phẩm có chất lượng và sự thuận tiện nhất, thì mục tiêu của các cửa hàng tiện lợi lại muốn kinh doanh mặt hàng nào kiếm lời nhanh”, ông Minh cho biết.

Kết quả là hiện tại DN này vẫn chưa đưa được hàng vào các chuỗi cửa hàng tiện lợi. Ngay cả việc đưa hàng vào siêu thị hiện nay, DN cũng đang than phiền là khá áp lực do siêu thị luôn yêu cầu DN cung cấp phải có hàng mới, mẫu mã phong phú thường xuyên.

Theo các chuyên gia nhận định, sở dĩ hàng Việt khó chen chân vào các chuỗi cửa hàng tiện lợi là vì hiện nay, đa phần các cửa hàng loại này tại Việt Nam đang phần lớn do DN nước ngoài chiếm lĩnh. Hầu hết các DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này bằng nhượng quyền và hợp tác với các DN trong nước và lượng hàng nước ngoài chiếm chủ yếu.

Than phiền về hệ thống logistic khi kinh doanh cửa hàng tiện lợi, ông Nguyễn Bảo Lộc - Phó tổng giám đốc của Intimex chia sẻ, để các chuỗi cửa hàng tiện lợi đi sâu vào khu dân cư, đòi hỏi một hệ thống logistic hiệu quả, cung cấp hàng hóa phù hợp với nhu cầu từng khu vực.

Tuy nhiên đây lại là một bài toán khó trong việc quản lý chi phí cũng như vận hành. Trong một diện tích nhỏ bé, các chủ cửa hàng rất khó để trưng bày hơn 100 mặt hàng cho khách hàng như mua tại siêu thị.

Do vậy, trước tình trạng hàng ngoại át nội, ông Phan Đức Thìn - đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan nhà nước – cụ thể là Bộ Công Thương cũng sẽ cân nhắc kỹ hướng mở thị trường, bởi lẽ có một mâu thuẫn là nếu cho nước ngoài vào nhanh thì chợ, cửa hàng truyền thống của Việt Nam không thể phát triển được.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Công Thương cũng đưa ra lời khuyên đối với các DN Việt Nam là nên hợp tác với DN nước ngoài để nâng cao trình độ quản trị. Và điều quan trọng là hàng hóa trong nước cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, đa dạng về mẫu mã thì mới có thể tiếp cận hiệu quả các kênh phân phối này.

Như vậy, có thể thấy nếu bây giờ các DN trong nước không có những động thái nhất định, thì trong tương lai không xa cửa hàng tiện lợi sẽ là sân chơi riêng của các DN nước ngoài. Và một điều nữa rất cần lưu ý là ngoài thế mạnh về vốn, các DN nước ngoài còn có lợi thế về kinh nghiệm quản lý, điều hành.

Hà Sơn

Tin đọc nhiều