Hàng Việt khó vào ASEAN

11:00 | 12/12/2018

Với lợi thế gần gũi về địa lý, ASEAN sẽ là thị trường đầy tiềm năng của hàng Việt.  Tuy nhiên, thực tế là các DN chưa tận dụng tốt điều này.

Dệt may Việt Nam mở cánh cửa nghìn tỷ đô
Dấu ấn Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 33

Thị trường nhiều tiềm năng

Đánh giá về điều này, ông Nguyễn Đương Kiên - Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, do am hiểu văn hóa, xu hướng của người tiêu dùng nên DN Việt có thể tiết kiệm được một khoản chi phí nghiên cứu thị trường ASEAN.

hang viet kho vao asean
Nhiều mặt hàng Việt Nam có tiềm năng XK vào Thái Lan nhưng thị phần còn hạn chế

Hơn nữa, về mặt thuế quan, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) càng tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu (XK) sang các nước trong khối. Tính đến năm 2018, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam trong ATIGA là 98%.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy đang có rất ít DN Việt Nam tận dụng được điều này. Bằng chứng là Việt Nam luôn thâm hụt thương mại với các nước trong ASEAN (bình quân từ 4-6 tỷ USD), tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trong khu vực còn thấp, chỉ đạt 30%.

Đơn cử tại thị trường Thái Lan, nhiều mặt hàng XK của Việt Nam có tiềm năng vào Thái Lan nhưng hiện thị phần còn nhỏ như săm lốp (5%), thủy sản (7,3%), cà phê (86% thô, 15% hòa tan), mặt hàng sữa thì hầu như không có, trong khi kim ngạch nhập khẩu sữa của Thái Lan là khoảng 3,4 tỷ USD/năm.

Ở chiều ngược lại, Thái Lan cũng xem Việt Nam là thị trường quan trọng trong ASEAN. Một số tập đoàn Thái Lan còn mua lại DN sản xuất của Việt Nam để tận dụng các FTA, chiếm lĩnh thị trường.

Đặc biệt, thị trường Việt Nam cũng là điểm trung chuyển cho hàng Thái, khi mà hơn 90% trái cây Thái Lan xuất qua Việt Nam là để sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng Việt Nam XK có tiềm năng vào Malaysia, Indonesia nhưng thị phần cũng còn nhỏ như gạo, thủy sản, cà phê, sắt thép các loại, thực phẩm chế biến sẵn, hàng gia dụng... Thậm chí, với thị trường Lào - ngay bên cạnh Việt Nam, thì Trung Quốc và Thái Lan đã chiếm 87% kim ngạch nhập khẩu của Lào. Trong khi đó, Việt Nam chỉ chiếm 7%.

Nhưng vẫn khó tận dụng

Lý giải điều trên, ông Nguyễn Đương Kiên cho rằng một trong những lý do khiến hàng Việt khó vào thị trường Thái Lan nói riêng và các nước trong ASEAN nói chung là vì Việt Nam không có “đầu mối” nào có thể thâm nhập vào các nước này. Hay nói cách khác là chúng ta không có DN nào đóng vai “nhà bảo trợ” đưa hàng Việt vào ASEAN.

Bên cạnh đó là vấn đề chất lượng hàng hóa. Dường như các DN Việt Nam vẫn đang xem ASEAN là thị trường cấp thấp. Trước đây, tại một hội chợ ở Myanmar, đã có nhiều DN Việt Nam đem hàng may mặc đến tiếp thị mà trông như hàng cũ. Trong bối cảnh đời sống của người dân Myanmar đang tốt lên từng ngày, chất lượng hàng hóa như vậy rất có thể bị tẩy chay.

Ông Kiên cho rằng, các DN nêu lưu ý, một khi sản phẩm Việt Nam bị định hình là hàng rẻ tiền, thì việc thay đổi nhận diện sản phẩm rất khó.

Vì vậy, đại diện Bộ Công thương cho rằng hơn ai hết, DN phải chủ động, tìm hiểu yêu cầu của từng thị trường, luôn xem chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu. Bên cạnh đó, trước mắt DN có thể dựa vào hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ của bà con Việt kiều để đưa hàng hóa tiếp cận người tiêu dùng trong ASEAN.

Bà Trần Thị Hà - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cũng nhấn mạnh, các DN cần chủ động, tích cực tìm kiếm các thị trường mới trong khu vực, đặc biệt DN Việt cần trang bị các kiến thức về pháp lý, kỹ thuật hoặc các điều kiện cần thiết khi XK hàng hóa vào các nước mà phần lớn dân số theo đạo Hồi như Indonesia và Malaysia. Đây là khu vực thị trường giàu tiềm năng và còn bỏ ngỏ trong thời gian qua.

Để hàng hóa, sản phẩm Việt Nam xuất đi các thị trường, DN cần phải có chiến lược kinh doanh, theo sát xu hướng tiêu dùng của người dân mỗi nước, liên kết với nhà phân phối nội địa có uy tín và năng lực… Đây là điều quan trọng bởi sản phẩm của mỗi nước, mỗi DN đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực hay chuỗi giá trị toàn cầu, bà Hà cho biết thêm.

Đồng thời, cần tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo các kết nối cần thiết ở cấp quốc gia và DN với các nước trong khu vực nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho các DN XK.

Hà Sơn

Tin đọc nhiều