Hậu sáp nhập MDB, Maritime Bank có thể khác biệt?

14:04 | 10/08/2015

Trong giai đoạn 2 tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nhiều thương vụ M&A đã lần lượt diễn ra. Đáng chú ý nhất là BIDV với MHB, VietinBank với PGBank và gần đây, là MDB (NHTMCP Phát triển Mê Kong) với Maritime Bank (NHTMCP Hàng Hải Việt Nam).

Nếu như hai thương vụ sáp nhập trước có sự xuất hiện của 2 NHTM quốc doanh, thì cuộc sáp nhập của MDB vào Maritime Bank lại có đặc thù tự nguyện của 2 NHTMCP. Điều đó tạo nền tảng kỳ vọng cho một NHTMCP hoàn toàn khác biệt thời hậu sáp nhập.

hau sap nhap mdb maritime bank co the khac biet
Với một Maritime Bank diện mạo mới, hứa hẹn mang đến nhiều thành công trong giai đoạn phát triển mới

Tâm thế sẵn sàng của Maritime Bank

Maritime Bank là một trong những NHTMCP đầu tiên của hệ thống nhà băng Việt Nam. Ngoài nền tảng về các chỉ tiêu tài chính lành mạnh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ ổn định, được đánh giá cao về chiều sâu tiếp cận khách hàng lẫn lợi thế cạnh tranh giá so với nhiều tổ chức trên thị trường, để có mối lương duyên với MDB và đi đến cuộc sáp nhập hôm nay, quan trọng nhất là Maritime đã có một bề dày gắn bó với MDB.

Trước sáp nhập, Maritime Bank đã tham gia vào MDB với tư cách cổ đông lớn. Một thời gian dài hỗ trợ và tư vấn cho MDB nhiều chiến lược kinh doanh hiệu quả khiến Maritime Bank hoàn toàn chủ động khi hai ngân hàng sáp nhập thành một thực thể đồng nhất, phát huy ngay các lợi thế hiện hữu.

“Thông thường, chi phí thời gian của một thương vụ M&A để xử lý các vấn đề hậu sáp nhập như tái cấu trúc hệ thống nhân sự, xây dựng lại định hướng chiến lược kinh doanh hoặc khắc phục các vấn đề thường dễ gặp... sẽ mất ít nhất từ 2-3 năm. Với Maritime Bank hậu sáp nhập, ngân hàng ngược lại gần như không tốn chi phí cho những vấn đề đó.

Sự đồng thuận, am hiểu trong tâm thế sẵn sàng khiến chúng tôi tận dụng ngay được cơ hội tái cấu trúc hệ thống để phát triển hơn nữa chiến lược kinh doanh theo định hướng khác biệt hóa đã được xác lập từ đầu của Maritime Bank. Chưa kể là 2 ngân hàng hoạt động lành mạnh, nợ xấu dưới 3% nên chúng tôi cũng không hề tốn thời gian hay nguồn lực để xử lý nợ xấu”, lãnh đạo ngân hàng cho biết.

Những lợi thế khác biệt

Một trong những lợi thế khác biệt của Maritime Bank hậu sáp nhập, là sự bổ trợ cho nhau của hai tổ chức để hoàn thiện chiến lược kinh doanh và cạnh tranh của một ngân hàng lớn.

Theo đó, Maritime Bank vốn là một ngân hàng có lợi thế vì đã sớm chuyên biệt hóa từng phân khúc. MDB lại có thế mạnh trong phân khúc khách hàng nhỏ ở khu vực nông nghiệp, nông thôn và phát triển rất mạnh ở Tây Nam bộ.

Hai mảng ghép lợi thế chuyên biệt về khách hàng và khu vực sẽ là sự bổ sung tốt cho Maritime Bank hôm nay, đặc biệt trong việc tận dụng quy mô và năng lực tài chính với vốn điều lệ thuộc top 4 các NHTMCP, mạng lưới giao dịch lên đến 300 điểm, trên 1,4 triệu khách hàng cá nhân, gần 30.000 khách hàng doanh nghiệp, 600 doanh nghiệp lớn và định chế tài chính. Maritime Bank đang “được đà” để hoàn thiện và phát triển mô hình ngân hàng hiện đại, đa năng.

Việc đón MDB về chung nhà còn đồng nghĩa Maritime Bank sẽ sở hữu toàn phần các kinh nghiệm quản trị và phát triển con đường bán lẻ, điều mà MDB đã kế thừa và phát huy tốt nhờ sự đóng góp của cổ đông chiến lược Singapore - Công ty Đầu tư Tài chính Fullerton Financials Holding (FFH). Đây chính là cơ hội của Maritime Bank trong cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ với khu vực khách hàng nông nghiệp – nông thôn, đặc biệt ở miền Nam và Tây Nam bộ - “địa chỉ” mà ngay cả các ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank vốn cũng đang kỳ vọng thông qua các vụ M&A, sẽ khai thác được.

Cùng với việc mua lại CTCP Tài chính Dệt may, cánh tay bán lẻ của Maritime từ đây, sẽ có thêm sức mạnh và càng được nối dài để đi sâu và cạnh tranh tốt hơn nữa ở từng phân khúc chuyên biệt. Không sớm khi khẳng định rằng: Một NHTMCP mới, với diện mạo mới, lột xác từ những thương vụ M&A quyết liệt hứa hẹn sẽ cạnh tranh mạnh mẽ ở các NHTM top đầu của Việt Nam. Maritime Bank có cả về năng lực lẫn thời gian, để chứng minh khẳng định.

PV

Tin đọc nhiều