Ứng dụng khoa học để giải quyết các thách thức môi trường | |
Cần thay đổi cách ứng xử với môi trường |
Hiện nay, nhu cầu về tài chính cho việc đầu tư xây dựng công trình, giải pháp bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, DN đang đặt ra ngày càng cấp thiết. Chính phủ cũng đã yêu cầu các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất phải lắp đặt quan trắc môi trường tự động, nguồn thải lớn phải có hồ điều hòa đề phòng sự cố. Các cơ quan chức năng cũng đã và đang tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm bảo vệ môi trường…
DN cần được quan tâm hỗ trợ tài chính để bảo vệ môi trường |
Nhằm hỗ trợ tài chính cho các DN trong công tác bảo vệ môi trường, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường, trực tiếp là Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đang triển khai nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho DN.
Cụ thể, từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, quỹ đã thực hiện việc hỗ trợ tài chính cho các dự án đầu tư bảo vệ môi trường dưới các hình thức, cho vay với lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, ký quỹ phục hồi môi trường, trợ giá sản phẩm điện gió (CDM), hỗ trợ giá điện gió nối lưới, hỗ trợ vốn đầu tư thiết bị triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường… góp phần tích cực xử lý những vấn đề cấp bách về tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Tại TP. Đà Nẵng, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam vừa tổ chức hội nghị hỗ trợ tài chính, “Đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự nghiệp bảo vệ môi trường”. Đây là dịp để các chuyên gia đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý, tiếp xúc khách hàng mở rộng cơ hội huy động nguồn vốn và xây dựng cơ chế phối hợp để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận các cơ chế tài chính hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Tại hội nghị, bà Dương Thị Phương Anh, Phó giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho biết, sau hơn 15 hoạt động đến nay quỹ đã cho vay ưu đãi hơn 1.900 tỷ đồng cho 245 dự án bảo vệ môi trường. Ngoài ra, tài trợ 57 tỷ đồng cho các hoạt động bảo vệ môi trường, ký quỹ môi trường đạt gần 130 tỷ đồng, thu lệ phí bán/chuyển chứng chỉ giảm phát thải hơn 44 tỷ đồng, trợ giá sản phẩm dự án CDM 234,8 tỷ đồng và hỗ trợ giá điện gió nối lưới 106,8 tỷ đồng…
Các hoạt động này đã và đang mang lại những kết quả tích cực đối với công tác bảo vệ môi trường ở các DN, góp phần nâng cao nhận thức, đẩy mạnh các hoạt động đầu tư bảo vệ môi trường tại nhiều địa phương trong cả nước.
Tuy nhiên, cũng tại hội nghị một số ý kiến cho rằng, thực tế hiện nay trong quá trình hoạt động của quỹ cũng đã bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc. Trong đó, nổi lên về cơ chế huy động vốn, cơ chế cho vay, hỗ trợ lãi suất, tài trợ vốn. Nguồn vốn hoạt động của quỹ chưa thật sự ổn định và bền vững. Đặc biệt, đến nay số lượng các dự án bảo vệ môi trường được hỗ trợ tài chính của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Theo ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, với sự phát triển mạnh mẽ kinh tế, biến đổi khí hậu gia tăng, việc bảo vệ môi trường ngày càng được khẳng định, quan tâm. Với chủ trương chung là phát triển kinh tế nhưng không thể hy sinh, đánh đổi môi trường, trong những năm qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã có những đóng góp nhất định đối với bảo vệ môi trường.
Đặc biệt đến năm 2016, quỹ đã được mở rộng từ 5 lĩnh vực ưu tiên lên 8 lĩnh vực ưu tiên. Với hàng trăm DN được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi… Phát huy các kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu như, hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, tập trung kiện toàn cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ, mở rộng hoạt động hỗ trợ tài chính các dự án đầu tư bảo vệ môi trường theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP Chính phủ.
Đồng thời, tăng cường nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và nguồn vốn từ các tổ chức trong và ngoài nước… hỗ trợ cho các DN trong việc bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn.
Bài và ảnh Nghi Anh