Hội nhập quốc tế về kinh tế: Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng | |
Thay đổi để hội nhập | |
Đổi mới công nghệ để hội nhập |
Việc tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra nhiều cơ hội phát triển giao thương cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, nhưng liệu các DN có sẵn sàng để đón nhận?
Ở góc nhìn của NĐT, bà Đặng Phạm Minh Loan, Phó giám đốc điều hành phụ trách lĩnh vực đầu tư cổ phần tư nhân của Tập đoàn VinaCapital mở đầu bằng câu chuyện về một trong những khoản đầu tư của đơn vị mình vào một DN hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và chiếm thị phần không nhỏ về sản xuất một loại hàng hóa.
Bà Loan cho biết, ông chủ DN này đã rất lo lắng khi năm 2018 sẽ là năm Việt Nam dỡ bỏ thuế quan và quota cho loại hàng hóa này. Theo đó, với mức giá cả như hiện nay, với giả định không có thuế và đã bao gồm chi phí vận chuyển và lợi nhuận của đơn vị nhập khẩu thì giá mặt hàng nhập khẩu vẫn thấp hơn từ 5-10% giá thành sản xuất trong nước.
Vị tổng giám đốc của DN này cũng chia sẻ rằng, khi dỡ bỏ hàng rào thuế quan, 80% DN kinh doanh hàng hóa này sẽ phải đóng cửa trong 5 năm sau đó. Do NĐT tin rằng 2018 sẽ là năm ảm đạm cho ngành sản xuất hàng hóa này, nên cổ phiếu công ty nói trên đã giảm 50% từ đầu năm 2017 đến nay.
Tận dụng nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài là cơ hội mở rộng quy mô, tạo lợi thế cạnh tranh |
Tuy nhiên, theo phân tích của VinaCapital, DN này đã có nhiều năm chuẩn bị cho tình huống đó bằng việc đầu tư một nhà máy quy mô lớn hàng đầu Việt Nam, đồng thời chuẩn bị đóng cửa một nhà máy quy mô nhỏ, để hạ giá thành sản xuất, nhằm có thể cạnh tranh ở quy mô khu vực. 2017 là năm bắt đầu hoạt động nhà máy mới nên khấu hao lớn, dẫn đến việc lợi nhuận giảm đáng kể, là một trong những nguyên nhân làm giá cổ phiếu giảm. Tuy nhiên, về dài hạn, với sự chuẩn bị chu đáo để có giá thành cạnh tranh, VinaCapital tin rằng DN sẽ tiếp tục phát triển tốt hơn.
“Song, còn một vấn đề quan trọng là khả năng nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) để có thể đưa ra được sản phẩm mới phù hợp xu thế tiêu dùng, tiếp tục tăng trưởng hay không”, bà Loan nhận định.
Các nhà kinh tế cũng cho rằng, với DN Việt Nam, hội nhập đem đến nhiều cơ hội, nhưng cùng với đó là ngày càng nhiều thách thức. Nhiều DN sợ hãi trong hội nhập hơn là đón nhận cơ hội.
Qua câu chuyện của mình, bà Loan cho rằng, có hai thách thức lớn nhất cho DN Việt Nam để cạnh tranh khi hội nhập. Đó là quy mô và chiến lược đầu tư cho con người. Nếu DN giải quyết được các thách thức này sẽ tận dụng tốt lợi thế cạnh tranh, để đưa phạm vi kinh doanh của DN ra khu vực và trên thế giới.
Bà Loan cho biết, quy mô được nhắc đến ở đây là quy mô vốn đầu tư, quy mô sản xuất và quy mô thị trường, khách hàng. Các yếu tố này bổ trợ cho nhau, theo đó, sản xuất có quy mô tốt đem lại giá thành tối ưu, sản phẩm sẽ đi xa hơn và DN có thể mở rộng thị trường. Khi thị trường lớn sẽ đem lại nguồn lợi nhuận, nguồn vốn lớn để DN tiếp tục đầu tư vào quy mô sản xuất và vào công nghệ, từ đó giữ được giá thành cạnh tranh.
Thế nhưng hiện tại, quy mô của DN Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với DN trong khu vực. Theo thống kê của VinaCapital, về giá trị vốn hóa bình quân của một DN trong nhóm 30 DN lớn nhất trên TTCK, thì tại Singapore là 15 tỷ USD, Indonesia là 11 tỷ USD, Thái Lan khoảng trên 10 tỷ USD, Malaysia gần 9 tỷ USD… trong khi Việt Nam chỉ hơn 3 tỷ USD, tức chỉ bằng 1/5 so với bình quân vốn hóa một DN lớn trong top 30 trên sàn chứng khoán Singapore. Và với quy mô vốn như vậy, nhiều DN Việt khó có khả năng đầu tư chuyển từ lượng thành chất…
Một thách thức khác là sự thiếu tầm nhìn của DN trong việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo. “Khi chúng tôi tìm hiểu để đầu tư thì thấy ít DN có đội ngũ lãnh đạo đủ năng lực để phát triển thị trường, đưa ra tầm nhìn và kế hoạch phát triển thành DN đa quốc gia. Chỉ có 14% DN trong nước hiện nay có cung cấp, giao thương với các DN FDI. Ngoài ra, do giới hạn về vốn đầu tư và nhân lực quản lý, các DN cũng thường đặt ưu tiên hàng đầu để phát triển đầu tư trong nước. Có khoảng 80-90% số lượng các DN mà VinaCapital đầu tư chưa coi rằng phát triển thị trường nước ngoài là chiến lược ưu tiên”, bà Loan kể.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam là thị trường đang có mức tăng trưởng tiêu dùng cao, chi phí nhân công thấp hơn so với các nước trong khu vực nên trở thành mục tiêu hấp dẫn đối với các NĐT nước ngoài, đặc biệt là các DN châu Á và quốc tế. Nhưng điều này sẽ không phải là đáng kể nếu các DN Việt Nam không ngừng chú trọng đầu tư con người và công nghệ quản trị, mở rộng quy mô và tăng hiệu quả quản trị.
Bà Đặng Phạm Minh Loan cho biết, nhiều DN Việt Nam đã tận dụng nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài rất tốt để mở rộng quy mô, tạo lợi thế cạnh tranh và trở thành các DN hàng đầu, bỏ xa các DN khác. Có thể thấy các ví dụ điển hình như: Kinh Đô, Hòa Phát, chuỗi bệnh viện Hoàn Mỹ, Thế giới Di động, Coteccons, An Cường... “Nếu có chiến lược phát triển đội ngũ lãnh đạo lâu dài thì tôi tin rằng, các DN lớn của chúng ta hoàn toàn có thể phát triển ra các nước lân cận, trở thành các DN quốc tế”, bà Loan cho hay.
Dương Công Chiến