Hồi sinh dự án tỷ đô

14:53 | 01/08/2018

Khu liên hợp sản xuất thép tại Dung Quất từng được đánh giá là “siêu dự án”, với vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD. Song do năng lực hạn chế, chủ đầu tư cũ đã gây ra không ít điều tiếng, dự án tưởng chừng như “chết yểu”. Nhưng khi Tập đoàn Hòa Phát tiếp quản, dự án như được tiếp luồng sinh khí mới và từng bước hồi sinh trở lại.

Từ hoang hóa…

Dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất được đánh giá là một trong những “siêu dự án” ngay từ ngày đầu khởi công tại Khu kinh tế Dung Quất. Dự án được chính quyền và người dân địa phương kỳ vọng sẽ mang lại những đổi thay, góp phần đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp. Đi cùng với đó, hứa hẹn tạo hàng ngàn việc làm mới cho người dân địa phương.

hoi sinh du an ty do
Dự kiến nhà máy sẽ ổn định hoạt động sản xuất vào cuối năm 2019

Tuy nhiên, sự kỳ vọng đó đã không trở thành hiện thực. Dự án này đã gây ra không ít nhiêu khê và phiền toái cho chính quyền và người dân địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong suốt hàng chục năm chậm tiến độ, với nhiều lần điều chỉnh, thay đổi thiết kế, công suất và cả điều chỉnh vốn đầu tư, song dự án chỉ dừng lại việc xây dựng được 2 dãy nhà công vụ và một số hạng mục khác dở dang. Đồng thời, kéo theo nhiều hệ lụy cho người dân địa phương.

Năm 2014, sự chậm trễ trong việc triển khai dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất lúc bấy giờ khiến hàng trăm hộ dân của xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) rơi vào cảnh khốn đốn.

Theo người dân, hàng trăm hecta đất ở và đất sản xuất nông nghiệp của họ bị thu rồi bỏ hoang hóa, gây lãng phí. Không những mất đất sản xuất nông nghiệp, điều khiến nhiều người dân nơi đây bức xúc nhất là chủ dự án làm tường rào bít các lối đi gây trở ngại. Cùng với đó, là ô nhiễm môi trường trên diện rộng khi hàng trăm hecta đất để cỏ dại mọc um tùm…

Trước thực trạng này, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần ra “tối hậu thư” để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Để có cơ sở pháp lý và tính thực thi dự án, tháng 3/2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, có ý kiến tham gia về các nội dung kiến nghị điều chỉnh dự án, để địa phương thống nhất với nhà đầu tư các nguyên tắc trong việc điều chỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Trong đó, yêu cầu chỉ cấp Giấy chứng nhận đầu tư khi chủ đầu tư xuất trình Hợp đồng tín dụng chính thức đã ký với ngân hàng. Đồng thời, trong thời gian 60 ngày kể từ ngày cơ quan chức năng có văn bản chấp thuận về nguyên tắc các nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 5, nếu chủ đầu tư không cung cấp được hợp đồng tín dụng chính thức, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất có quyền đơn phương chấm dứt, thu hồi dự án và xử lý theo quy định của pháp luật.

Với sự cứng rắn của chính quyền địa phương, không xoay được vốn theo yêu cầu, Công ty TNHH Guang Lian Stell (Việt Nam) chính thức buông dự án “tỷ đô” đã “đắp chiếu” trong suốt thời gian 9 năm triển khai.

Đến hồi sinh…

Sau giai đoạn đó, tưởng chừng dự án hình thành một tổ hợp luyện, cán thép tại Dung Quất sẽ rơi vào “phá sản”. Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng của ngành sản xuất gang, thép, Tập đoàn Hòa Phát đã đề xuất được tiếp quản, rồi quyết định đầu tư theo chiều sâu vào chuỗi các sản phẩm gang, chất lượng cao đầu tiên của Việt Nam tại đây. Từ đó, dự án Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất được hình thành và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư bằng văn bản và được tỉnh Quảng Ngãi trao chứng nhận đầu tư vào ngày 6/2/2017. Tiếp đó, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, tháng 10/2017, Tập đoàn Hòa Phát đề xuất đầu tư thêm các dự án thép hạ nguồn ngay tại Khu kinh tế Dung Quất. Đó là dự án sản xuất thép hợp kim mangan silic; dự án thép cán nguội mạ mầu, mạ kẽm và dự án sản xuất ống thép chất lượng cao.

Theo ông Ngô Đức Tuyên, Trưởng phòng Công nghệ, CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có tổng vốn đầu tư 52 nghìn tỷ đồng. Nhà máy được thiết kế có quy mô công suất 4 triệu tấn/năm. Sản phẩm chủ đạo của nhà máy là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và thép cuộn cán nóng.

Ông Tuyên cho hay, Hòa Phát áp dụng công nghệ lò cao khép kín tương tự mô hình triển khai thành công tại tỉnh Hải Dương của Tập đoàn này vào năm 2007, nhưng ưu việt hơn, thiết bị hiện đại hơn được nhập khẩu từ châu Âu. Đây là công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, sản xuất than coke bằng công nghệ dập coke khô, thu hồi hoàn toàn nhiệt và khí thải, tận dụng triệt để sản phẩm phụ để phát điện, phục vụ trở lại sản xuất. Toàn bộ nguồn nước sản xuất cũng được sử dụng tuần hoàn, không xả ra môi trường.

Theo ông Tuyên, các nhà đầu tư đã hoàn thành được khoảng 55-60% khối lượng công việc. Đặc biệt, dây chuyền cán nóng thép xây dựng từ phôi có thể đưa vào hoạt động từ đầu tháng 8/2018. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Hòa Phát trong việc thực hiện cam kết đưa dự án đi vào hoạt động theo đúng cam kết với chính quyền địa phương.

Theo nhận định của các chuyên gia, với sự quyết liệt của chính quyền địa phương, cùng với tâm huyết của chủ đầu tư, dự án Khu Liên hợp gang thép tại Dung Quất đang dần hồi sinh, sẽ góp phần tạo việc làm và tạo động lực cho sự phát triển ngành công nghiệp nặng tại Quảng Ngãi. Song bên cạnh đó, chính quyền địa phương và chủ đầu tư cần tích cực trong việc triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường khi dự án đi vào hoạt động. Có như thế dự án mới thực sự mang lại hiệu quả thiết thực.

Bài và ảnh Công thái

Tin đọc nhiều