Hơn một nửa doanh nghiệp “trốn” bảo hiểm

09:27 | 09/03/2015

Số lượng DN trốn thực hiện các chế độ phúc lợi cho người lao động vẫn đang rất lớn

Ồ ạt tuyển dụng

Mỗi năm, sau dịp Tết Nguyên đán thì DN tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) đều đau đầu đối phó với tình trạng công nhân nghỉ việc hàng loạt. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc các DN chỉ ký hợp đồng ngắn hạn với công nhân lao động phổ thông (6 tháng đến 1 năm), vì thế sau khi nghỉ Tết, công nhân nghỉ luôn ở công ty cũ để kiếm việc mới.

hon mot nua doanh nghiep tron bao hiem
Hàng triệu lao động vẫn đang mất quyền lợi chính đáng do các DN trốn nộp bảo hiểm

Những tuần qua, tại các khu vực ven TP. Hồ Chí Minh như Củ Chi, Bình Chánh, Thủ Đức, hầu hết các DN trong các KCN-KCX đều giăng biển tuyển dụng. Ghi nhận tại KCN Sóng Thần, nhiều DN thông báo tuyển hàng trăm công nhân như: Công ty TNHH Hansoll Vina, Công ty TNHH Maraki FW, Công ty TNHH Joon SaiGon…

Tại các KCN như Tân Tạo, Tân Bình, Tân Thuận, Linh Trung… việc tuyển dụng lao động cũng đang diễn ra sôi động. Các DN như Công ty may Chung Hạnh (KCN Tân Tạo) đăng tuyển hơn 1.000 công nhân may, Công ty may Thành Công (KCN Tân Bình) thông báo tuyển gấp 500 công nhân…

Tương tự, tại Đồng Nai các DN lớn như Tổng công ty may Đồng Nai đang đăng tuyển trên 2.000 công nhân, Công ty Fashion Garments 2 (KCN Biên Hòa 1) tuyển 500 công nhân. Hầu hết các DN khác đều cần tuyển thêm từ vài chục đến vài trăm công nhân phổ thông với thu nhập từ 4-8 triệu đồng/tháng. Việc các DN ồ ạt tuyển dụng lao động sau Tết Nguyên đán cho thấy tình trạng “nhảy việc” sau tết mặc dù được các cơ quan chức năng cho rằng có giảm hơn mọi năm nhưng thực tế vẫn còn diễn ra phổ biến.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh (FALMI) cho rằng, đa phần người lao động đều muốn có công ăn việc làm ổn định, không ai muốn nhảy việc liên tục để mỗi năm đều phải làm lại từ đầu.

Tuy nhiên, thực tế khi tuyển dụng, các DN đều đưa ra mức lương và chế độ đãi ngộ khá hấp dẫn, nhưng sau đó không thực hiện được hoặc thực hiện không đầy đủ. Vì vậy, người lao động không muốn gắn bó. Nhiều công nhân làm việc có kinh nghiệm nhưng nếu không được các DN trả lương, thưởng xứng đáng cũng sẽ bỏ việc cũ để tìm kiếm chỗ làm mới tốt hơn.

Thiếu chế tài xử lý nợ bảo hiểm

Theo khảo sát của FALMI, hầu hết người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm hiện nay đều quan tâm hàng đầu đến các chế độ lương, thưởng và các phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế các ngành chức năng khó có thể kiểm soát được việc thực hiện các chế độ này tại DN.

Thống kê tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến hết năm 2014, các DN trên địa bàn 24 quận, huyện đang nợ khoảng 1.450 tỷ đồng tiền bảo hiểm các loại. Con số trên có thể chỉ là những thống kê bề mặt, bởi không ai có thể tính toán hết số lượng DN “trốn” nộp bảo hiểm bằng cách không ký hợp đồng với người lao động.

Một thống kê chưa đầy đủ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tính đến hết năm 2014, cả nước có trên 300.000 DN đang hoạt động, nhưng cơ quan bảo hiểm xã hội mới chỉ quản lý được gần 150.000 DN đăng ký tham gia. Như vậy, có đến 50% số DN trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Lý giải về tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, mức chế tài đối với các DN trốn đóng bảo hiểm hoặc nợ chây ì tiền bảo hiểm hiện nay không đủ mạnh. Cụ thể, quy định mức lãi suất chậm đóng bảo hiểm xã hội theo các quy định hiện nay đang thấp hơn mức lãi suất vay NH, vì vậy các DN sẵn sàng chiếm dụng tiền bảo hiểm của người lao động và chấp nhận nộp tiền phạt cùng với lãi chậm đóng để sử dụng vào việc khác.

Hệ lụy của tình trạng này khiến hàng trăm nghìn người lao động trên cả nước đang bị các DN, các chủ sử dụng lao động vi phạm quyền lợi. Đáng ngại hơn, có rất nhiều lao động không có cơ hội được giải quyết quyền lợi, vì phần lớn các DN nợ đọng quỹ bảo hiểm xã hội hiện đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Nhận thức được hệ lụy này, thời gian qua ngành bảo hiểm xã hội đã đề nghị bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, tội chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội của người lao động...

Đồng thời, tăng lãi suất tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội gấp 2 - 3 lần so với lãi suất liên NH để hạn chế tình trạng chậm đóng bảo hiểm. Nhờ việc khởi kiện ra cơ quan tòa án trong thời gian qua, một số địa phương đã thu nợ tiền bảo hiểm khá hiệu quả. Chẳng hạn, chỉ tính trong năm 2014 TP. Hồ Chí Minh đã thu nợ được gần 130 tỷ đồng từ 1.700 DN, trong giai đoạn 2008-2013 cũng thu được trên gần 574 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh, hiện còn một số lượng lớn các bản án liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội không được thi hành. Nguyên nhân là một số đơn vị nợ bảo hiểm xã hội có trụ sở chính ở một tỉnh xác định, nhưng lại có chi nhánh ở nhiều tỉnh khác nhau, tham gia bảo hiểm xã hội tại nhiều tỉnh khác nhau nên khó khăn cho công tác khởi kiện.

Thậm chí, nhiều đơn vị nợ bảo hiểm xã hội bị khởi kiện sau khi được tòa án hòa giải thành công, với lộ trình trả nợ cụ thể nhưng không thực hiện đúng cam kết với cơ quan bảo hiểm xã hội thì cũng chưa có chế tài bắt buộc nên các DN lại tiếp tục chây ì.

Bài và ảnh Hà Minh

Tin đọc nhiều