Hợp tác thúc đẩy giao thương

10:40 | 13/01/2017

Đã có sự tham gia gắn kết giữa nhà nước và khu vực tư nhân, không chỉ chia sẻ lợi ích, mà còn chia sẻ những rủi ro.

EVFTA - cú hích thúc đẩy giao thương Việt Nam và EU
FTA Việt Nam – EAEU: Cơ hội đột phá giao thương cho các DN

Chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, các DN đang tích cực nguồn hàng tham gia vào các chương trình hội chợ hàng Tết tại tất cả các tỉnh, thành, đặc biệt là chương trình đưa hàng về nông thôn nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây được cho là mô hình “hợp tác công - tư” hiệu quả giữa chính quyền, hiệp hội và DN nhằm đem lại hiệu quả thiết thực không chỉ đối với DN, mà còn đối với cả người tiêu dùng.

hop tac thuc day giao thuong
Liên kết DN với các địa phương để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam

Trên thực tế, thời gian qua Bộ Công Thương cùng với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác như vậy, hỗ trợ cho các hiệp hội DN, đặc biệt các DNNVV thông qua các chương trình xúc tiến thương mại. Ở chiều ngược lại, nhiều DN cũng đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm đặc sản địa phương. Điều đó cho thấy đã có sự tham gia gắn kết giữa nhà nước và khu vực tư nhân, không chỉ chia sẻ lợi ích, mà còn chia sẻ những rủi ro.

Chương trình liên kết tiêu thụ nông sản mới đây tại Hà Nội, các DN cũng khẳng định, việc tham gia các chương trình giao thương giúp DN có thể đưa các sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến với người tiêu dùng cả nước.

Đánh giá về hiệu quả mô hình hợp tác này, ông Đàm Tiến Thắng, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, ngoài các chính sách của Trung ương, Hà Nội cũng chủ động có các giải pháp của mình để thúc đẩy DN phát triển, nhất là các DNNVV, như hỗ trợ thực thi các chính sách về thuế, đất đai...

Thông qua chương trình này, các DN sản xuất cho ra thị trường nhiều hàng hóa có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Qua đó, các DN sẽ có cơ hội giới thiệu hàng hóa, mở đại lý phân phối hàng tại nhiều địa phương. Không chỉ như vậy, việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, mở hội chợ hàng Việt Nam tại nước ngoài đã đem lại cơ hội lớn cho các DN Việt mở rộng thị trường, cũng như tìm kiếm được nhiều đối tác nước ngoài...

Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, họat động hợp tác để đưa hàng Việt đến người tiêu dùng được đánh giá là rất hiệu quả và được cộng đồng DN rất hưởng ứng. Đây như cuộc marketing lớn trên phạm vi quốc gia, có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước và sự hưởng ứng của DN, người tiêu dùng.

Tại Tuần nhận diện hàng Việt Nam, nếu như năm 2015, Chính phủ bỏ ra 1 tỷ đồng, phía DN góp 10 tỷ đồng; nhưng đến năm 2016, con số này từ các DN đã lên đến gần 15 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự hợp tác công - tư ngày càng khăng khít và đem lại hiệu quả nhất định.

Hiện Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế và DN tham gia kinh tế hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân. Tuy nhiên việc này vẫn còn nhiều trở ngại khi nhiều DN vẫn chưa quan tâm đến mảng tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ. Do đó, việc kết hợp giữa chính quyền, DN và các hiệp hội là hết sức cần thiết để thúc đẩy giao thương, phát triển hàng Việt ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Bài và ảnh Minh Hiếu

Tin đọc nhiều