Khách hàng VIP: Ưu đãi nhiều nhưng thận trọng không thừa

14:00 | 20/07/2018

Ngân hàng cần phải phân bổ rủi ro khách hàng. Tập trung quá nhiều vào khách hàng lớn, khi việc kinh doanh của nhóm khách hàng có sự biến động thì sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng.

Chiều khách VIP
Tìm hiểu về dịch vụ gói tài khoản Smart và VIP của SeABank
Tìm hiểu về dịch vụ khách hàng VIP tại các ngân hàng

Dễ dàng tìm thấy trên website của một NHTMCP những tiêu chí, điều kiện cần và đủ để có thể trở thành khách hàng VIP của ngân hàng, thậm chí có thể chia thành các hạng VIP khác nhau phụ thuộc vào số dư tiền gửi kỳ hạn/không kỳ hạn/dư nợ hay tổng giá trị phí dịch vụ đóng góp... của khách hàng này tại ngân hàng.

khach hang vip uu dai nhieu nhung than trong khong thua
Khách hàng VIP luôn được các ngân hàng săn đón

Với các khách hàng VIP, mỗi ngân hàng sẽ có những cách chăm sóc khác nhau; song đã là khách VIP, tất nhiên sẽ được hưởng những dịch vụ tương xứng như miễn phí nhiều dịch vụ, giao dịch, chuyển tiền miễn phí trong hệ thống, ưu đãi lãi suất hấp dẫn với kỳ hạn linh hoạt, ưu tiên thẩm định hồ sơ tín dụng... Nhiều ngân hàng hiện nay còn áp dụng chính sách khác cho đối tượng khách hàng này như: ưu đãi tại chuỗi nhà hàng cao cấp, chăm sóc sức khoẻ, ưu đãi phí tại các sân golf...

Một nhân viên tín dụng của một ngân hàng quy mô nhỏ cho biết: “Chỉ cần khách hàng gửi vào 1 tỷ đồng, đã được xếp hạng vào khách hàng VIP. Khách hàng thuộc đối tượng này đương nhiên sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi. Tất nhiên, mức ưu đãi đối với khách VIP còn phụ thuộc vào từng chế độ của mỗi chi nhánh, phòng giao dịch”.

Có thể thấy, khách hàng cao cấp hay khách hàng ưu tiên (khách hàng VIP) đang ngày càng được các ngân hàng chú trọng phát triển. Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng ra mắt các sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho nhóm đối tượng khách hàng này.

Đơn cử như đầu tháng 7 vừa qua, VPBank cho ra mắt dịch vụ VPBank Diamond cho phân khúc khách hàng cao cấp. Theo chia sẻ của đại diện ngân hàng này, VPBank Diamond sẽ là những giải pháp tài chính được thiết kế riêng với nhu cầu của khách hàng về lãi suất, phí sử dụng dịch vụ, ưu đãi sản phẩm thẻ. VPBank hiện cũng là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam có phòng chờ sân bay riêng dành cho nhóm khách hàng cao cấp (VPBank Diamond Elite Lounge).

BIDV cũng mới cho ra mắt thẻ tín dụng quốc tế BIDV Visa Infinite - dòng thẻ siêu cao cấp dành cho khách hàng thượng lưu. Đi cùng với đó là khách hàng sẽ được nhận 15.000 dặm thưởng Bông Sen Vàng của Vietnam Airlines hoặc thẻ hội viên Accor Plus khi đặt phòng, ẩm thực tại hệ thống nhà hàng, khách sạn do tập đoàn này quản lý.

Không chỉ ngân hàng lớn, mà ở cả những ngân hàng có quy mô nhỏ cũng có những dịch vụ ưu đãi đặc biệt cho nhóm đối tượng này. Một số ngân hàng còn tổ chức những buổi biểu diễn nghệ thuật đặc biệt với quy mô lớn để tri ân khách hàng VIP.

Tập trung chăm sóc vào nhóm khách hàng VIP không phải chỉ ở Việt Nam, mà đây là điều phổ biến ở nhiều ngân hàng trên toàn thế giới. Trao đổi với một chuyên gia tài chính - ngân hàng, ông này chia sẻ: khách hàng VIP ở bất cứ đâu, không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng đều luôn được “trải thảm đỏ” với những chính sách chăm sóc đặc biệt. Đối tượng này được ngân hàng đối đãi như cơ sở nguyên lý Pareto (quy tắc 80/20), khi coi 80% doanh thu của ngân hàng phụ thuộc vào 20% đối tượng khách hàng của ngân hàng. Với nguyên tắc đó, ngân hàng sẽ tập trung vào 20% khách hàng lớn của mình để tạo ra quy mô, lợi nhuận cho 80% của ngân hàng.

Không phủ nhận nhóm khách hàng này đóng góp một phần lớn vào doanh thu, lợi nhuận của ngân hàng. Nhưng một chuyên gia cho rằng, không phải nhà băng nào muốn khai thác là làm được, mà còn phụ thuộc vào nền tảng khách hàng nhất định, cũng như chấp nhận đầu tư chi phí. Đó là chưa kể chính khách hàng VIP đôi khi lại dễ gặp rủi ro.

“Nếu tập trung quá nhiều vào khách hàng lớn, lơ là khách hàng nhỏ lẻ thì rất rủi ro, trong khi hiện nay đối tượng khách hàng nhỏ cũng là nguồn thu lợi nhuận đáng kể cho các ngân hàng qua kênh tín dụng tiêu dùng. Thành ra, các ngân hàng vẫn phải có sự cân đối giữa khách hàng nhỏ và khách hàng lớn”, vị này cho hay.

Lãnh đạo một NHTM cũng chia sẻ, bản thân ngân hàng cũng cần phải phân bổ rủi ro khách hàng. Tập trung quá nhiều vào khách hàng lớn, khi việc kinh doanh của nhóm khách hàng có sự biến động thì sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng.

Về phía khách hàng, đi cùng với những đặc quyền, ưu đãi cũng là rủi ro liên quan tới vấn đề pháp lý trong giao dịch như uỷ quyền, quyết định, đại diện, chữ ký... Trong thực tế, đã có trường hợp một số cán bộ, nhà băng đã lợi dụng kẽ hở này, sự tin cậy của khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo. Đây được coi là một nguy cơ tiềm ẩn, mà chỉ việc quản lý rủi ro chặt chẽ mới phần nào giảm thiểu được.

Khuê Nguyễn

Tin đọc nhiều