Khai thác cảng biển vẫn khả quan

14:05 | 05/04/2019

Dù áp lực cạnh tranh giá và phí lớn, song sản lượng hàng hóa tăng đã trở thành một yếu tố quan trọng góp phần tạo sinh khí cho nhiều DN ngành cảng biển năm 2018.

Lần đầu tiên triển lãm hạ tầng cảng biển và logistics
Xây sân bay, cảng biển: Nhà đầu tư thấy lợi ích cho cả một vùng kinh tế
khai thac cang bien van kha quan
Ảnh minh họa

Như với CTCP Gemandept (GMD), mặc dù doanh thu giảm 33% so với cùng kỳ, chỉ đạt 2.686 tỷ đồng do không còn hợp nhất doanh thu từ hoạt động vận tải biển và logistics. Nhưng nhìn sâu vào lại là những con số ấn tượng với hoạt động khai thác cảng đạt 2.301 tỷ đồng tăng 26% so với cùng kỳ năm trước (yoy), chiếm 86% tổng doanh thu so với 46% trong năm ngoái. Lượng container thông qua cụm cảng ở Hải Phòng đạt khoảng 950K Teus (+16% yoy) với đóng góp từ cảng Nam Đình Vũ mới khai thác từ tháng 5 đạt khoảng 180K Teus. Ở khu vực phía Nam, lượng hàng qua cảng Phước Long và Bình Dương cũng tăng trưởng khoảng 10%.

Theo ước tính của VDSC, tổng sản lượng container của GMD trong năm 2018 đạt khoảng 1,64 triệu Teus (+13% yoy). Biên lợi nhuận gộp đạt 36% so với 26% trong năm ngoái nhờ có tỷ trọng cao hơn của mảng khai thác cảng với biên gộp đạt 39%. GMD đã thực hiện chuyển nhượng 49% và 51% cổ phần lần lượt tại các công ty con GMD Shipping và GMD Logistics cho Tập đoàn CJ và thoái vốn thành công khỏi cảng GMD Hoa Sen đã khiến cho doanh thu tài chính tăng trưởng đột biến và đạt 1.618 tỷ đồng, đưa lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 2.182 tỷ đồng (+236% yoy). Loại bỏ yếu tố bất thường, VDSC ước tính LNTT từ hoạt động kinh doanh cốt lõi đạt 570 tỷ đồng (-9% yoy).

CTCP Container Việt Nam (VSC) cũng ghi nhận một năm hoạt động kinh doanh khả quan. Sản lượng bốc xếp cảng biển tăng 25% so với cùng kỳ 2017 với 1,1 triệu Teus. Bốc xếp tại các depot tăng 58% (yoy) đạt 650.000 Teus. Kho bãi đạt 839.000 Teus tăng 15% (yoy)… Đây cũng là yếu tố giúp doanh thu của VSC đạt 1.694 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2017 và 25% so với kế hoạch đề ra, LNTT đạt 388 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 5.395 đồng. VSC cũng đã thống nhất phương án chia cổ tức cho cổ đông với 25% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu.

Năm 2019, BSC đánh giá ngành cảng biển sẽ khả quan hơn. Dự báo sản lượng hàng hóa thông qua cảng Việt Nam 2019 sẽ tăng trưởng khả quan 10-13% từ việc thực thi CPTPP, EVFTA góp phần đẩy mạnh xuất nhập khẩu. Cùng với đó là Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư nóng nhất trong top 3 quốc gia có FDI cao nhất trong ASEAN. Và xu hướng chuyển dịch công nghiệp từ Trung Quốc về các nước Đông Nam Á.

Sản lượng hàng hóa thông cảng khu vực Hải Phòng được BSC dự báo tăng từ 10-15% trong năm 2019, tối thiểu 5,7 triệu Teus (+10% yoy) nhờ có nhiều khu công nghiệp trọng điểm như nhà máy Samsung, nhà máy Vinfast… và xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc đổ về khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, với các cảng thượng nguồn bị vướng cầu Bạch Đằng sẽ giảm lại sản lượng do tàu hàng không vào được và các cảng hạ nguồn sẽ lợi lượng hàng chuyển từ thượng nguồn xuống.

Sản lượng hàng hóa thông cảng khu vực miền Nam sẽ tăng 12,6% trong năm 2019. Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ tăng trưởng mạnh nhất cả nước với tốc độ 25-30% nhờ các tàu mẹ trên 140.000 Teus có thể cận bến các cảng này và hệ thống các cảng ICD vệ tinh tiếp nhận hàng hiệu quả.

Biên lợi nhuận dự kiến kéo doãng với Thông tư số 54/2018/TT-Bộ GTVT với khung giá dịch vụ bốc dỡ container tăng 10%. Tuy nhiên, với thực trạng hiện tại cung vẫn lớn hơn cầu, các cảng biển vẫn cạnh tranh gay gắt bằng cách hạ khung giá. Vì vậy, không loại trừ khả năng các cảng sẽ chia sẻ lại lợi ích cho đối tác bằng cách giảm các loại phí dịch vụ khác bên trong hoặc các hãng tàu sẽ tăng giá vận tải biển để đẩy khoản phí tăng từ dịch vụ bốc xếp cảng biển cho chính các nhà xuất nhập khẩu hàng hóa.

Tại đại hội cổ đông vừa diễn ra VSC một lần nữa nhấn mạnh đến sự cạnh tranh dịch vụ cảng biển, kho, bãi khu vực Hải Phòng ngày càng khốc liệt cùng với các cảng mới đưa vào hoạt động năm 2018, (Cảng Vinnalines Đình Vũ, Cảng Mipec, 2 Depot tư nhân). Lại thêm khu vực cảng nước sâu Lạch Huyện đã hoàn thiện đi vào khai thác 2 cầu có ảnh hưởng lớn đến VSC. Dự kiến sản lượng hàng hóa thông qua cảng của VSC sẽ giảm 10% so với năm 2018 do bị chia sẻ thị phần.

Tuy nhiên hoạt động kinh doanh của VSC sẽ khả quan trong năm 2019 nhờ vào việc tăng chuyến phục vụ tàu, thuê thêm cảng và hướng tới lấy công nghệ làm điểm tựa gia tăng năng suất lao động và tiết kiệm chi phí. Kế hoạch sản lượng của VSC đặt ra ngang hoặc tăng nhẹ so với thực hiện 2018. Doanh thu dự kiến là 1500 tỷ đồng, LNTT đạt 306 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức tối thiểu 25%.

Với GMD, kể từ năm 2019, hoạt động khai thác cảng biển sẽ là nhân tố kinh doanh chính với doanh thu chiếm 80% và logistics 20%. Như vậy, hoạt động cảng biển sẽ khả quan nhờ vào khung giá dịch vụ cảng biển tăng. Cùng với kỳ vọng khai thác Cảng Nam Đình Vũ. BSC dự báo doanh thu và LNST 2019 ước đạt 2,981 tỷ đồng (+18% yoy) và 621 tỷ đồng, EPS FW 2019 đạt 2.028 đồng/CP.

Nhất Thanh

Tin đọc nhiều