TP.HCM: Tạo điều kiện thuận lợi nhất trong cấp đăng ký kinh doanh, đầu tư | |
Quy định mới về đăng ký doanh nghiệp | |
Đăng ký kinh doanh: Cơ quan quản lý và DN cùng kêu khó |
Có tới 14.895 DN “mất tích” và hơn 50.000 tỷ đồng nợ đọng thuế mà cơ quan thuế chưa thu hồi được do không tìm được DN, không tìm được chủ DN – thông tin này được đưa ra tại Hội nghị Phối hợp công tác đăng ký kinh doanh – đăng ký thuế tổ chức hôm đầu tuần.
Nhớ lại năm 2005 để thành lập DN, để được cấp giấy phép kinh doanh, đăng ký mã số thuế, khắc dấu… phải qua 4 bước thủ tục ở các cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan công an… phải mất 32 ngày.
Đến nay, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký DN mới của cả nước chỉ còn 2,9 ngày, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thay đổi thông tin đăng ký DN là 2,05 ngày. Đây là kết quả của 10 năm (tính từ năm 2007) thực hiện quá trình phối hợp liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc cải thiện thủ tục gia nhập thị trường và môi trường đầu tư kinh doanh. Ông Trần Đại Trí – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết thêm, với những địa phương đã thực hiện cấp mã số DN tự động, thời gian cấp mã số DN chỉ còn trung bình 30 phút so với 30 giờ trước đây.
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, theo thống kê từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN, tỷ lệ hồ sơ được chấp thuận ngay lần đầu tiên đạt gần 86%, tỷ lệ hồ sơ trả kết quả đúng hẹn đạt gần 90%.
“Việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế đã tạo ra những đột phá về cải cách hành chính, có tác động lan tỏa, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực khác”, ông Tuấn tự hào phát biểu.
Thế nhưng, cơ chế “Tiền đăng - Hậu kiểm” trong sự phối hợp liên thông đã tạo thuận lợi cho DN cho người đăng ký kinh doanh đang bị một số người lợi dụng để lại không ít hệ lụy cho việc quản lý nhà nước, đang đẩy cả cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế vào tình huống “bó tay”, biết mà không làm gì được.
Bà Lê Thu Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) chỉ ra: Hơn 50.000 tỷ đồng nợ đọng thuế mà cơ quan thuế chưa thu hồi được do không tìm được DN, không tìm được chủ DN, do DN đã giải thể…
Báo cáo rà soát DN thực hiện Tổng điều tra kinh tế 2017 giữa cơ quan Thống kê - Kinh doanh - Thuế cho biết: cả nước có tới 14.895 DN “mất tích”, không liên lạc được bằng điện thoại, email hoặc không tìm thấy tại địa chỉ đã đăng ký đã khiến cơ quan thuế mất rất nhiều nguồn lực và thời gian để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, thực hiện quy trình để xác định tình trạng hoạt động của DN.
Nhiều DN tự nghỉ kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, nhưng chủ DN lại thành lập DN khác và hoạt động kinh doanh bình thường mà cơ quan chức năng không có chế tài ngăn chặn. Nhiều chủ DN có thể nói là “cố tình nợ thuế” rồi giải thể DN này, thành lập DN khác…
“Khi xử lý hồ sơ đăng ký DN, chúng tôi biết người thành lập DN mới là chủ của DN đang nợ thuế, chúng tôi cũng muốn dừng không cấp đăng ký kinh doanh cho những đối tượng này, đến khi nào họ hoàn tất nghĩa vụ thuế thì mới cấp. Nhưng quy định hiện hành không cho phép chúng tôi làm thế, chúng tôi vẫn phải cấp đăng ký kinh doanh cho DN mới”, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết. Ông đề nghị cần bổ sung quy định pháp luật “chỉ được thành lập DN mới khi đã hoàn tất các nghĩa vụ của DN cũ”.
Nguy hiểm hơn, không ít trong số các DN mới này tiếp tục vi phạm pháp luật về thuế, vi phạm pháp luật về đăng ký kinh doanh, nợ thuế… và sau đó lại thành lập DN khác, bà Mai cho biết.
“Chúng tôi mong muốn có cơ chế để chấm dứt mã số thuế của DN nhanh hơn. Quy trình đã có nhưng cơ quan thuế không dễ dàng gì khi phải xác định tình trạng DN, đến địa chỉ họ đăng ký thì họ đã chạy mất rồi”, tình trạng này khiến trên hệ thống treo hồ sơ DN trong trạng thái “chờ”…”, hệ thống đang rất nhiều “rác” dạng này”, vị Phó giám đốc sở chia sẻ.
Bà Mai cho biết thêm, một trong những biểu hiện lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật về DN để chống đối lại cơ quan quản lý nhà nước đó là nhiều DN khi biết cơ quan thuế sẽ kiểm tra, thanh tra là làm thủ tục thông báo ngừng hoạt động với cơ quan đăng ký kinh doanh trong khi thực tế DN vẫn hoạt động.
Và đại diện các phòng đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế cùng đề nghị phải có biện pháp kiểm soát và hạn chế đối với các DN không chấp hành các qui định của pháp luật, lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để thực hiện các hành vi trục lợi, ảnh hưởng không tốt đến môi trường kinh doanh.
Ngọc Linh