Khởi nghiệp nhìn từ mô hình bán hàng đa kênh

16:00 | 03/05/2018

Xu hướng bán lẻ hiện đại và bán hàng đa kênh tại các DN lớn trở thành bài học tốt cho những cá nhân muốn bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh

4 tháng có 41.295 DN thành lập mới; 30.976 DN giải thể, ngừng hoạt động
19 startup vào vòng bán kết MIST 2018
Phát triển thị trường đầu tư khởi nghiệp: Giải pháp từ thực tiễn

Sự chững lại của thị trường thiết bị điện tử

Đến thời điểm hiện tại, điện thoại thông minh đã đạt độ phủ cao (94% dân số) và động lực tăng trưởng trước kia là xu hướng người dùng chuyển từ feature phone sang smartphone đã không còn mạnh nên thị trường điện thoại không còn sôi động như thời điểm trước năm 2016. Do đó, bài toán tăng trưởng đối với các nhà bán lẻ là sẽ chuyển từ việc mở chuỗi sang cải thiện hiệu suất hoạt động, cùng với đó là áp dụng các mô hình bán lẻ mới như bán lẻ đa kênh (Omni-channel), cung cấp các hình thức trả góp ưu đãi và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

khoi nghiep nhin tu mo hinh ban hang da kenh
Mô hình kinh doanh đa kênh đang trở nên phổ biến

Tại Việt Nam, thị trường bán lẻ thực phẩm và thuốc vẫn còn phân tán và bị thống trị bởi mô hình bán lẻ truyền thống, hay còn gọi là các cửa hàng Mom-And-Pop. Với kinh nghiệm quản lý chuỗi, những DN bán lẻ và phân phối điện tử như MWG, FRT hay DGW đều đang từng bước mở rộng hoạt động kinh doanh sang các ngành nghề này. Tuy thế, mảnh đất mới tuy màu mỡ nhưng chưa hẳn đã “dễ ăn”. Bán lẻ thực phẩm có biên lợi nhuận thấp và yêu cầu rất cao về quản lý hàng tồn kho do vòng đời sản phẩm ngắn. Trong khi thị trường dược phẩm tuy có quy mô lớn khoảng 5 tỷ USD nhưng “miếng bánh” dành cho các nhà bán lẻ chỉ có giá trị hơn 1 tỷ USD và mức độ cạnh tranh rất lớn.

Cùng với sự mở rộng của các chuỗi bán lẻ lớn, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng đón nhận sự mở rộng của mô hình bán lẻ hiện đại. Mặc dù mô hình bán lẻ truyền thống gồm chợ và tạp hóa nhỏ vẫn là điểm đến ưa thích của đại bộ phận người dân nhờ độ phủ rộng và giá cả cạnh tranh, có thể thấy sự chuyển dịch trong thói quen mua sắm sang siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Mô hình bán lẻ hiện đại với những ưu việt về chất lượng hàng hóa cùng tính tiện dụng trong thanh toán là điểm đến ưa thích của bộ phận dân số trẻ đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam.

Bán hàng đa kênh phát triển

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự báo sẽ có mức tăng trưởng kép (CAGR) lên tới 33% trong giai đoạn 2017-2022. Hiện tại quy mô thị trường này còn khá nhỏ, chỉ chiếm khoảng 2% tổng doanh thu bán lẻ năm 2017. Người tiêu dùng vẫn thận trọng khi mua hàng qua mạng do những e ngại về chất lượng sản phẩm cũng như do chưa có kênh thanh toán an toàn và tiện lợi. Minh chứng là các nhà bán lẻ điện thoại/điện máy như MWG và FRT vẫn đang có vị thế vững chắc trong thị trường thương mại điện tử nhờ tính đồng nhất cao của các dòng sản phẩm này. Trong năm 2017, có tới 35% doanh thu bán lẻ trực tuyến tới từ điện thoại di động và máy tính bảng.

Theo báo cáo về ứng dụng mua sắm tại Việt Nam của Nielsen, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore về tổng thời gian người dùng trực tuyến. Số người dùng điện thoại di động tại Việt Nam chiếm 95%, trong đó có đến 79% người dùng xem sản phẩm trên ứng dụng di động hoặc website trước khi mua. Qua đó có thể thấy kênh online là kênh chính để quảng bá và giới thiệu sản phẩm tới khách hàng, điều này rất khác với mô hình tiếp thị trực tiếp trong những năm về trước.

Ngoài ra, hệ thống cửa hàng vật lý và trung tâm phân phối phủ rộng sẽ là lợi thế rất lớn cho các nhà bán lẻ vì có thể giảm chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng. Do đó, chúng tôi tin rằng những nhà bán lẻ như MWG hay FRT nhờ hệ thống cửa hàng rộng khắp sẽ tiếp tục là người đi tiên phong trong bán hàng đa kênh.

Lam Anh

Tin đọc nhiều