Không sợ quy mô doanh nghiệp nhỏ, chỉ sợ không đạt chuẩn

12:05 | 05/07/2018

Đó là nhắn nhủ của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, tại Hội nghị Toàn quốc về phát triển bền vững năm 2018 diễn ra hôm nay (5/7), tại Hà Nội.

Với chủ để "Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hoá các Mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0", Hội nghị đã bàn tới các giải pháp thúc đẩy hợp tác công – tư nhằm đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chiến lược tăng trưởng Xanh và phát triển bền vững của quốc gia.

Hội nghị cũng sẽ tập hợp những kiến nghị chính sách để là tiền đề xây dựng kế hoạch hành động của Chính phủ và khu vực kinh tế tư nhân nhằm nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

khong so quy mo doanh nghiep nho chi so khong dat chuan

TS. Vũ Tiến Lộc ở vị trí Đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho biết, Hội nghị này gắn liền với Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đây cũng là mục tiêu toàn cầu liên quan tới 17 mục tiêu của tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội...

“Khi chúng ta nói đến năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững chính là nói đến tất cả những từ khóa này. Phát triển bền vững không thể chỉ trong giới hạn lãnh thổ mỗi quốc gia, mà đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các quốc gia, bằng nỗ lực toàn cầu. Đồng thời cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Chương trình nghị sự 2030 hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đặt trong bối cảnh mới đã đưa ra tầm nhìn 15 năm. Báo cáo Việt Nam 2035 được Việt Nam xây dựng với nhiều mục tiêu phát triển và 6 nhóm chuyển đổi lớn như: hiện đại hóa nền kinh tế, phát triển khu vực tư nhân, nâng cao hiệu quả trong đô thị hoá và phát triển, xây dựng thể chế hiện đại...

Như vậy, sự phát triển của Việt Nam đã đặt trong bối cảnh toàn cầu và hướng tới mục tiêu, đặt mình trong hệ thức toàn cầu. 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc được coi là nền tảng. Việt Nam căn cứ vào chương trình này để đề ra hệ chương trình hành động.

Với nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam đang định vị mình trong cuộc đua năng lực cạnh tranh toàn cầu và cộng đồng doanh nghiệp phải đóng vai trò quan trọng và là trung tâm của mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cho rằng đây là thời điểm thay đổi tư duy kinh doanh, TS. Vũ Tiến Lộc lưu ý đến bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ CMCN 4.0 đang trở thành một xu thế. Dòng chảy đó buộc các doanh nghiệp sẽ phải có những thay đổi để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh mới.

Với cộng đồng DN Việt Nam hiện nay phần lớn là DN nhỏ và vừa, và đây luôn được coi là một điểm yếu của lực lượng DN của quốc gia, Chủ tịch VCCI lưu ý: “Chúng ta không sợ quy mô nhỏ, chúng ta chỉ sợ không đạt chuẩn, chỉ sợ phát triển không bền vững". "Nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam còn khoảng cách khá xa với các doanh nghiệp toàn cầu, nhưng chúng tôi mong muốn doanh nghiệp hướng tới những tiêu chuẩn cao hơn”.

Cũng theo ông Lộc, trong các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (V-SDG) có nhiều nội dung phù hợp mà từng doanh nghiệp, có thể lồng ghép vào chiến lược kinh doanh nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững.

"Kinh doanh bền vững không chỉ là yêu cầu đạo đức, là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, không chỉ giúp cho doanh nghiệp trở nên nhân văn hơn, thân thiện với xã hội và môi trường hơn, mà kinh doanh bền vững còn mang lại những cơ hội phát triển mạnh mẽ cho doanh nghiệp", ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cũng kỳ vọng thông qua kinh doanh bền vững Việt Nam sẽ có một cộng đồng doanh nghiệp năng động, sáng tạo và luôn áp dụng những công nghệ tiến tiến nhất, tận dụng những thành tựu của nền công nghiệp cách mạng 4.0 đang ngày càng hiện hữu, thay đổi tư duy kinh doanh với những mô hình mới như nền kinh tế tuần hoàn đang được triển khai rộng khắp toàn cầu.

Tin đọc nhiều