Góp ý Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV:

Không thể biến Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành “siêu bộ”

09:19 | 16/04/2017

Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV có nhiều “điểm lạ” và “bất ngờ”, có điều luật xuất hiện một cách lặng lẽ và đột ngột và chưa hợp lý. Vai trò VCCI mờ nhạt, Hiệp hội DNNVV lên ngôi.

DN siêu nhỏ bơ vơ như trẻ mồ côi
Thay đổi cách thức để không tạo đặc quyền
Hỗ trợ DNNVV: Phải tính toán đến nguồn lực quốc gia

Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV dự kiến sẽ được thông qua tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong đầu tuần và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3. Thế nhưng khi dự thảo luật này được đưa ra lấy ý kiến ở 2 hội thảo tổ chức tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh Cuối tuần qua đã nhận được quá nhiều ý kiến không đồng tình.

khong the bien hiep hoi dn nho va vua thanh sieu bo
Ảnh minh họa

So với các dự thảo trước đây, dự thảo lần này đã thành công trong việc nhận diện và giới hạn các biện pháp hỗ trợ DNNVV ở 7 biện pháp hỗ trợ chung (tín dụng, thuế, mặt bằng, công nghệ, thị trường, thông tin, nhân lực) và 3 nhóm biện pháp hỗ trợ mục tiêu (chuyển đổi hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo và chuỗi liên kết).

Nhưng dự thảo chưa có các quy định cụ thể về các nguyên tắc, đối tượng, cách thức, điều kiện thực hiện các biện pháp này. Một số trường hợp có quy định về biện pháp hỗ trợ thì hoặc là chỉ dẫn chiếu tới pháp luật khác hiện đang có hiệu lực, không có gì mới, cũng không có gì ưu tiên cho DNNVV; hoặc là quá chung chung hoặc không khả thi.

Một số biện pháp hỗ trợ chỉ có tên gọi, hoàn toàn không xác định được nội dung hỗ trợ, cơ sở pháp lý hay cách thức vận hành. Điển hình là chỉ nêu tên biện pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng mà không chỉ thực chất là biện pháp gì, sẽ vận hành như thế nào, nguồn từ đâu, hỗ trợ cho đối tượng nào.

Một số biện pháp hỗ trợ không có bất kỳ dự liệu gì về cơ chế hỗ trợ cũng như hệ quả tương ứng, rõ nét nhất cho bất cập này là quy định về biện pháp hỗ trợ thuế.

Một loạt các vấn đề cốt lõi về cơ chế hỗ trợ không được dự thảo đề cập như: Mức thuế suất thấp hơn là thấp hơn bao nhiêu? Một mức thấp hơn hay nhiều mức thấp hơn khác nhau? Đối tượng được hưởng phải đáp ứng các điều kiện nào hay cứ là DNNVV là được hưởng?... Do 97-98% số DN hiện nay là DNNVV nên nếu hỗ trợ thuế cho DNNVV sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Ông Trần Đỗ Liêm, Phó Chủ tịch Hội DN tỉnh Kiên Giang góp ý : Hỗ trợ thuế theo dự thảo là DN được ưu đãi thuế và trừ vào thuế thu nhập DN “không có ý nghĩa gì”. DN mới thành lập, DN thua lỗ lấy đâu ra tiền đóng thuế thì ưu đãi kiểu giảm thuế là không có ích gì. Nên có những hỗ trợ thiết thực hơn như hỗ trợ kinh phí xử lý xả thải, bảo vệ môi trường”.

Luật sư Trần Vũ Hải, Trưởng Văn phòng luật sư Trần Vũ Hải góp ý: “Với góc nhìn cho một DNNVV, tôi không thấy cần quy định cụ thể như hộ kinh doanh cá thể thành lập thành DN thì họ được lợi gì … nên lượng hóa để 97% DNNVV đọc luật sẽ hiểu được họ được hỗ trợ cụ thể cái gì, như vậy mới khuyến khích họ được, quy định chung chung sẽ không khả thi”.

Bên cạnh những bất cập đã từng được góp ý, bản dự thảo mới lại có thêm một điều khiến DN rất bức xúc – Điều 29.

“Tôi phản đối quyết liệt nội dung tại Điều 29. Các Hiệp hội, Hội DN có tư cách bình đẳng nhau, không ai phụ thuộc ai, không có cấp trên dưới, tất cả hoạt động theo pháp luật và điều lệ của họ nên không thể giao chức năng nhiệm vụ cho 1 hiệp hội có tên là Hiệp hội DNNVV Việt Nam”, ông Nguyễn Mạnh Tuệ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DNNVV– Hiệp hội DN TP.HCM cất tiếng.

Nhiều ý kiến phản đối Điều 29, nhất là lại quy định cho Hiệp hội DNNVV cấp chứng chỉ, chứng nhận chuyên ngành của hiệp hội cho các DNNVV… như vậy là lại thêm giấy phép con, thêm xin – cho.

Ông Liêm cũng rất phản đối Điều 29, vì “Hiệp hội DNNVV được giao tất cả chức năng gần như “siêu bộ”, điều này là vô duyên và nên bỏ”.

Trong khi đó, VCCI với vị trí là tổ chức quốc gia đại diện cho toàn bộ cộng đồng DN Việt Nam (trong đó 97-98% là DNNVV) như đã được nêu trong các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ tại sao không được giao nhiệm vụ hỗ trợ các DNNVV?

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI đã có nhiều ý kiến, nhiều lần đóng góp trong quá trình hình thành dự thảo, một số được tiếp thu nhưng một số ý kiến chưa được tiếp thu. Nhưng với ông, “dự thảo lần cuối có nhiều “điểm lạ” và “bất ngờ” và chưa hợp lý, có điều luật xuất hiện một cách lặng lẽ và đột ngột, ví dụ như Điều 29”.

Còn ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam dí dỏm: “Chúng tôi thường nói các nhà thiết kế: Các em thiết kế ra các sản phẩm phục vụ đời sống người tiêu dùng, là sản phẩm ứng dụng, chứ đừng thiết kế các sản phẩm ý tưởng trên sàn diễn. Với dự thảo luật mới cũng vậy thôi, phải suy nghĩ, tính toán và cân nhắc, tham khảo ý kiến của cộng đồng DN hết sức sâu sắc, làm sao Luật ban hành ra đi vào đời sống DN, đừng có sau một thời gian chúng ta lại sửa nữa”.

Điều 29. Trách nhiệm của VCCI, Hiệp hội DNNVV Việt Nam và các hiệp hội, ngành nghề

1. VCCI ngoài những nhiệm vụ chung về hỗ trợ phát triển DN đã được ghi trong Điều lệ, có trách nhiệm thúc đẩy liên kết giữa các DN quy mô lớn với DNNVV .

2. Hiệp hội DNNVV Việt Nam có trách nhiệm:

a) Tập hợp, liên kết, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên là DNNVV ;

b) Tham gia xây dựng, phản biện, triển khai cơ chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ DNNVV; tham gia đánh giá các chương trình hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật này;

c) Huy động các nguồn lực và thực hiện hỗ trợ hội viên là các DNNVV theo quy định tại Luật này.

d) Thực hiện cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hỗ trợ DNNVV; cấp chứng chỉ, chứng nhận chuyên ngành của hiệp hội cho các DNNVV theo quy định của pháp luật.

đ) Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức sự kiện tôn vinh, bình chọn, phong, tặng danh hiệu, giải thưởng và các hình thức khen thưởng khác theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng cho các DNNVV.

e) Phối hợp với các cơ quan nhà nước tổ chức đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cho DNNVV.

3. Các hiệp hội ngành nghề phối hợp thúc đẩy, hỗ trợ phát triển DNNVV theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Ngọc Linh

Tin đọc nhiều