Không thể cất cánh vì làn gió ngược

11:21 | 12/12/2018

Năm 2018 khởi đầu một cách thuận lợi và Việt Nam rất có thể đã chuyển mình cất cánh nếu không bất ngờ xuất hiện những làn gió ngược, đáng kể nhất là Samsung giảm sản lượng và chiến tranh thương mại leo thang. GDP từ chỗ tăng trên 7,4% đã giảm xuống dưới 6,9% vào quý III và sẽ còn thấp hơn trong quý IV.

Tăng trưởng kinh tế quý IV có thể chậm lại
Tầm nhìn và động lực cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới

Quý IV mức tăng trưởng GDP sẽ thấp nhất năm?

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc tư vấn đầu tư và nghiên cứu bán lẻ, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, tăng trưởng quý IV sẽ ở mức thấp nhất cả năm. Dẫn kết quả sản xuất công nghiệp thời gian qua, ông Linh cho rằng có cải thiện nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình từ đầu năm. Theo đó, tăng trưởng ngành công nghiệp đạt 9,6% trong tháng 11 và tính chung 11 tháng tăng 10,1%. Xét riêng tăng trưởng của tháng 11, mức tăng 9,6% cao hơn đáng kể mức tăng 7,7% của tháng 10 nhờ khai khoáng chuyển sang tăng trưởng dương và công nghiệp chế biến chế tạo có cải thiện nhẹ.

khong the cat canh vi lan gio nguoc
Sản xuất công nghiệp vẫn là một trụ cột của tăng trưởng

Cụ thể, ngành khai khoáng tháng 11 tăng 0,2% trong khi tháng 10 giảm tới 9,5%. Sự cải thiện của khai khoáng đến hoàn toàn từ ngành khai thác khí với sản lượng khí tăng mạnh 16,4%. Ngược lại, sản lượng khai thác dầu thô và than đá giảm lần lượt 12,7% và 0,2%. Tính chung cả năm 2018, tốc độ giảm của ngành khai khoáng sẽ thấp hơn nhiều năm 2017 do than và khí quay lại có tăng trưởng dương. Khai thác than và khí thiên nhiên trong 11 tháng 2018 tăng 9,6% và 1,7% trong khi cả năm 2017 cả hai đều giảm.

Nhìn sang ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tháng 11 tăng 11%, cao hơn mức tăng 10,1% của tháng 10, nhưng vẫn thấp hơn lũy kế 10 tháng (tăng 12,5%) nên đã kéo tăng trưởng chung 11 tháng xuống 12,2%.

Tính chung 11 tháng, một số ngành tăng trưởng cao và có đóng góp chính vào việc kéo tăng trưởng toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo là lọc hóa dầu 63%, sản xuất kim loại 23,7%, dược phẩm 22,3%, xe có động cơ 16,3%, nội thất và giấy cùng đạt 13,4%. Ngành giấy vốn có tăng trưởng khá trồi sụt nhưng trong 5 tháng gần nhất đã đạt tăng trưởng ổn định và xoay quanh 15%.

Ngành điện tử dù vẫn đạt tăng trưởng hai chữ số là 11,2% nhưng lại đang ở xu hướng giảm dần đều và rất có khả năng ngành điện tử sẽ trở thành một trở ngại cho tăng trưởng năm sau.

Ông Linh cho rằng, tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong quý IV gần như chắc chắn sẽ thấp hơn 3 quý đầu năm do công nghiệp chế biến chế tạo không thể tạo ra đột biến trong tháng 12 và khai khoáng tiếp tục tăng trưởng âm. Là nhóm có vai trò chính trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng chậm lại của công nghiệp sẽ kéo giảm tăng trưởng GDP nói chung. Quý IV vì vậy sẽ có mức tăng trưởng GDP thấp nhất cả năm.

Dịch vụ trở thành bệ đỡ

Theo phân tích của ông Linh, chỉ số bán lẻ loại trừ yếu tố lạm phát tháng 11 đã tăng lên mức cao nhất cả năm là 9,34% hứa hẹn ngành dịch vụ bán buôn bán lẻ sẽ duy trì được mức tăng trưởng cao trong quý IV. Vào các quý I, II và III, chỉ số bán lẻ chỉ tăng lần lượt là 8,6%, 8,3% và 8,8% thì tăng trưởng GDP ngành bán buôn bán lẻ là 7,45%, 8,21% và 8,48%. Ngành bán buôn bán lẻ có giá trị đứng thứ 3 chỉ sau công nghiệp chế biến chế tạo và nông nghiệp nên mức tăng trưởng cao hơn 8% của ngành sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng chung.

Dẫu tăng trưởng bán lẻ là tích cực, nhưng theo SSI vẫn cần phải lưu ý về tình hình việc làm và tăng trưởng khách du lịch, 2 nhân tố có ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu dùng nội địa. Tăng trưởng lao động ngành công nghiệp 11 tháng vẫn đứng ở mức 3,1%, đánh dấu tháng thứ 6 liên tiếp tăng trưởng lao động xoay quanh mức 3-3,1%. Trong khi lao động ngành khai khoáng giảm 1,2% và công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,4%, trong đó lao động ngành điện tử giảm sâu nhất 4,3%. Nếu lao động không cải thiện thì khó có thể làm tăng thu nhập người dân kéo tăng nhu cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 chỉ là 11%, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng của 10 tháng là 22,4% nên đã kéo tăng trưởng 11 tháng xuống 21,3%, thấp nhất 29 tháng (loại trừ tháng thấp điểm Tết Nguyên đán). Nhóm khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc tăng lần lượt 26,9% và 46,5%, mặc dù cao hơn tăng trưởng chung nhưng lại đang tăng chậm lại. Tháng 11, lượng khách Trung Quốc chỉ tăng 9% so với cùng kỳ năm trước trong khi tháng 11 cùng kỳ tăng tới 38,6%.

Các chuyên gia cho rằng, kinh tế tăng trưởng chậm và đồng CNY mất giá đã và đang ảnh hưởng đến nhu cầu của Trung Quốc không chỉ với du lịch mà còn với nhiều hàng hóa xuất khẩu khác của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, là một nền kinh tế có độ mở lớn với 2 thị trường chính lại đang chìm sâu trong cuộc chiến thương mại, Việt Nam đang đứng trước những thách thức chưa có tiền lệ. Hiểu rõ nội lực và tận dụng thời cơ từ bên ngoài sẽ là nhân tố quyết định để chèo lái kinh tế Việt Nam vượt qua sóng gió, hướng tới lộ trình tăng tốc trong những năm tiếp theo.

Trần Hương

Tin đọc nhiều