Kích thích dòng tiền tài trợ chuỗi cung ứng

10:00 | 05/11/2018

Nhiều NHTM và các công ty công nghệ tài chính trong nước mong muốn tăng cường hoạt động tài trợ vốn cho các liên kết giữa DN nội địa và các tập đoàn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam.

Cơ hội nhìn từ rào cản

Từ góc độ quan sát, ông Jinchang Lai, chuyên gia ngành tài chính cao cấp, thuộc Tổ chức Tài chính Thế giới (IFC) cho rằng, tốc độ tăng trưởng nguồn tài trợ vốn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu ở các thị trường lớn trên thế giới hiện đang có sự tăng trưởng khá mạnh. Ghi nhận các năm 2016-2017 cho thấy, giá trị đầu tư vào các chuỗi cung ứng tăng khoảng 35%, trong khi đó số lượng các tập đoàn có tham gia vào hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng tăng khoảng 38%.

kich thich dong tien tai tro chuoi cung ung
Nhiều NHTM đang tài trợ vốn các chuỗi cung ứng theo dòng tiền, dòng hàng

Tại Việt Nam, theo ông Lai, hiện nay hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng đã được một số NHTM và các DN lớn quan tâm. Nhiều chuỗi liên kết của các tập đoàn bán lẻ và công nghệ cao sau khi vận dụng các giải pháp tài chính theo mô hình chuỗi cung ứng đã giúp nhà cung cấp nội chuyển hóa các khoản phải thu, hàng tồn kho thành tiền mặt và khắc phục phần nào tình trạng thiếu vốn lưu động. Tuy nhiên, hiện tại tỷ lệ DNNVV tham gia được vào các chuỗi cung ứng là khá thấp so với các thị trường khu vực.

Đại diện Tập đoàn bán lẻ Walmart (Hoa Kỳ) cho rằng, sở dĩ các DNNVV Việt Nam khó tiếp cận các chuỗi cung ứng bắt nguồn từ những yếu tố nội tại. Trong đó bao gồm việc thiếu lực lượng lao động tay nghề cao, thiếu nguồn hàng có số lượng và chất lượng ổn định; và quan trọng nhất là thiếu vốn trung dài hạn để phát triển mở rộng sản xuất.

Theo khảo sát của Walmart, hiện nay tỷ lệ các DN nước ngoài sử dụng nguyên liệu tại chỗ ở các thị trường như: Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc là khá cao (đều trên 90%). Trong khi đó, tại Việt Nam mặc dù nhu cầu sử dụng trực tiếp các nguồn nguyên liệu, phụ kiện nội địa của các tập đoàn nước ngoài là rất lớn, nhưng mới chỉ có khoảng 26,6% giá trị đầu vào của DN FDI được mua tại Việt Nam; trong đó chỉ có khoảng 10% được mua từ các DNNVV nội địa, số còn lại là các tập đoàn đa quốc gia mua lại lẫn nhau.

Chính vì vậy, các chuyên gia tại IFC cho rằng tiềm năng để đầu tư phát triển các chuỗi cung ứng tại Việt Nam là rất lớn. Bởi hiện nay, số lượng DNNVV tại Việt Nam được xem xét tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu đang có sự tăng lên. Lượng vốn đầu tư nước ngoài thông qua các hợp tác chiến lược và các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) cũng đã tăng trưởng khá mạnh. Thêm vào đó, các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như: dệt may, nông sản, thủy sản đều đã được Chính phủ hỗ trợ các giải pháp về tài chính và hình thành các mô hình kết nối sản xuất - chế biến - tiêu thụ khép kín. Vì thế chỉ cần tạo ra các cơ chế hợp tác phù hợp thì dòng vốn có thể luân chuyển trong các liên kết giữa DN FDI và các nhà cung ứng nội địa.

Hệ sinh thái kết nối chuỗi

Thực tế trên thị trường hiện nay, hoạt động tài trợ vốn đối với các chuỗi cung ứng và các liên kết khép kín dựa trên các khoản vay tín chấp, quản lý theo dòng tiền đã được khá nhiều NHTM trong nước quan tâm và khai thác.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản trong các năm gần đây, với chủ trương khuyến khích hình thành các chuỗi giá trị khép kín của Chính phủ và ngành Ngân hàng, nhiều NHTM như Agribank, BIDV, VietinBank, HDBank… đã tham gia đầu tư khá lớn vào các liên kết giữa DN xuất khẩu và nông dân sản xuất lúa gạo, cà phê, tôm và cá tra. Tuy nhiên, theo đại diện của một số ngân hàng việc tài trợ vốn vào các chuỗi cung ứng giữa các DNNVV với các đối tác nước ngoài sở dĩ chưa phát triển mạnh là vì biên độ lợi nhuận khá thấp và độ rủi ro khá lớn.

Đại diện khối tài trợ chuỗi cung ứng của BIDV cho rằng, chi phí để triển khai các nền tảng công nghệ phục vụ kiểm soát chuỗi cung ứng là khá lớn đối với từng đơn vị ngân hàng. Trong khi đó lượng vốn thu hút chậm đòi hỏi nhà tài trợ phải kiên trì triển khai từng món nhỏ. Vì vậy, để các NHTM trong nước gia tăng hoạt động đầu tư vào các chuỗi cung ứng các bộ, ngành, địa phương phải khuyến khích tất cả các DN cùng hợp lực với nhau để quản trị chuỗi cung ứng trơn tru hơn. Đặc biệt các vấn đề liên quan đến minh bạch tài chính đối với các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng cũng cần được chuẩn hóa, nhằm hạn chế rủi ro và gia tăng các khoản vay tín chấp dựa trên quản lý dòng tiền.

Đồng tình quan điểm trên, bà Vương Thị Huyền - Phó tổng giám đốc VIB cho rằng, tiềm năng để đầu tư vào các chuỗi cung ứng là rất lớn. Hiện nay một số NHTM trong nước đã bắt đầu “thích thú” với việc tham gia vào các chuỗi cung ứng. Chẳng hạn, VIB đã có các gói sản phẩm tối ưu hóa chi phí cho DN trong chuỗi cung ứng như cho vay ngắn hạn, tài trợ chuỗi cung ứng qua platform điện tử trực tuyến, vay qua trái phiếu, tư vấn mua bán và sáp nhập, cấu trúc tài chính DN và tài trợ thương mại. Tuy nhiên, bà Huyền cũng cho rằng, để phát triển mạnh các hoạt động tài trợ vốn cho chuỗi cung ứng thì cần phải tạo ra được hệ sinh thái giữa DN trọng tâm (lead firms) và các DNNVV đóng vai trò là nhà cung cấp. Trong đó các hoạt động như hỗ trợ kỹ thuật nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ, minh bạch hóa tài chính và thông tin, cải thiện năng lực sản xuất cũng cần được các chuỗi cung ứng chủ động xây dựng và hoàn thiện.

Từ phía DN công nghệ, ông Nguyễn Trần Nam - Tổng giám đốc CTCP giải pháp Fast Capital cho rằng, tiềm năng để phát triển hoạt động tài trợ các chuỗi cung ứng tại Việt Nam hiện nay là rất lớn. DN này hiện đã chủ động xây dựng nền tảng kết nối thông tin và tài trợ hóa đơn dành cho các DN và NHTM khi tham gia vào các chuỗi cung ứng. Trong các tháng cuối năm 2018, hệ thống kết nối EasyFin của Fast Capital dự kiến sẽ được vận hành, kỳ vọng tạo ra mạng lưới liên kết giữa các NHTM và các chuỗi cung ứng hiện hữu.

Thạch Bình

Tin đọc nhiều