Kinh doanh đột phá trước thềm cổ phần hóa

13:11 | 15/08/2019

Năm 2019 được xem là năm bản lề để Agribank chuẩn bị cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng là năm ngân hàng này tiếp tục tập trung triển khai tái cơ cấu giai đoạn II...

Agribank: Củng cố nền tảng trước cổ phần hóa
Agribank – Top 10 ngân hàng uy tín năm 2019

Từ những mục tiêu ấy, trong những tháng đầu năm 2019, toàn hệ thống Agribank đã và đang có những bước chuyển mình quan trọng với quyết tâm củng cố nền tảng vững chắc để sẵn sàng cho lộ trình cổ phần hóa.

kinh doanh dot pha truoc them co phan hoa
Agribank quyết tâm củng cố nền tảng vững chắc để sẵn sàng cho lộ trình cổ phần hóa

Hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng trưởng tích cực

Agribank vừa công bố một số kết quả kinh doanh những tháng đầu năm 2019. Theo đó, tính đến ngày 31/7/2019, tổng thu nhập của Agribank đạt 70.759 tỷ đồng, tăng 11.627 tỷ đồng, tương đương hơn 20% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng chi phí trước thuế đạt 62.559 tỷ đồng, tăng 8.503 tỷ đồng tương đương hơn 16% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó chi phí hoạt động tín dụng tăng 19,6%; Lợi nhuận trước thuế đạt 8.200 tỷ đồng (sau khi tạm phân bổ các khoản phải trích), tăng 127% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh kết quả kinh doanh, một trong những thành quả đáng kể của Agribank những tháng đầu năm 2019 là việc tập trung hoạt động tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân; không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đến nay, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 1 triệu tỷ đồng, trong đó tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn luôn duy trì trên 70% tổng dư nợ và chiếm trên 50% thị phần tín dụng “Tam nông” tại Việt Nam.

Ngoài ra, Agribank đang triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách: Cho vay theo chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua Tổ vay vốn/tổ liên kết; Cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo NQ 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; Cho vay xây dựng nông thôn mới; Cho vay gia súc, gia cầm; Cho vay tái canh cà phê; Cho vay phát triển thủy sản; Tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”…

Đặc biệt, tuy là NHTM phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng hàng năm Agribank vẫn dành hàng trăm ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng khách hàng, nhất là các khách hàng thuộc các chương trình chính sách.

Ngay từ đầu năm 2019, Agribank tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ; triển khai gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng để cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cấp bách của cá nhân, hộ gia đình với thủ tục vay vốn rút gọn và thời gian cho vay ngay trong ngày; hỗ trợ kịp thời nguồn vốn để thu mua lúa gạo, tháo gỡ khó khăn cho người dân trồng hồ tiêu; chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh…

Gần đây nhất, Agribank cũng tiên phong trong đợt giảm lãi suất của các NHTM, đưa mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống còn 5,5%/năm. Như vậy, chỉ trong vòng hơn nửa năm Agribank cùng một số NHTM Nhà nước khác đã 2 lần giảm lãi suất, hỗ trợ tích cực cho các DN và cả nền kinh tế.

Không chỉ đáp ứng đầy đủ vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu tiên trên địa bàn nông thôn, Agribank còn cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đời sống của người dân. Đến nay, dư nợ cho vay tiêu dùng, đời sống đạt gần 220.000 tỷ đồng với trên 1 triệu khách hàng, chiếm tỷ trọng 22% dư nợ cho vay của Agribank.

Để đưa vốn đến người dân kịp thời, Agribank tiếp tục đa dạng hoá kênh dẫn vốn với chính sách linh hoạt, thủ tục nhanh chóng mang lại hiệu quả cao. Trong đó kênh cho vay truyền thống là tổ vay vốn vẫn tiếp tục được mở rộng với số lượng khách hàng tăng trưởng tốt. Đến thời điểm này “cánh tay nối dài” của Agribank là các tổ vay vốn đã chạm mốc trên 58.000, góp phần chuyển tải vốn đến khắp các vùng sâu, vùng xa của đất nước. Agribank đã triển khai thành công giai đoạn I của Đề án “Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng”.

Song song với đó, Agribank chú trọng phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào các sản phẩm, dịch vụ thanh toán đảm bảo tiện ích, an toàn, bảo mật, chi phí hợp lý… tạo nhiều tiện ích và thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Từ đó nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.

Nhiều khó khăn khi cổ phần hóa

Lãnh đạo Agribank cho biết đến nay, Agribank đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo lộ trình, kế hoạch cơ cấu lại Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020 gắn với xử lý nợ xấu và quá trình cổ phần hóa. Trong đó có trọng tâm là việc chủ động triển khai công tác chuẩn bị cổ phần hóa và sẵn sàng thực thi khi có quyết định phê duyệt.

“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Agribank đặt mục tiêu đến năm 2019, tổng tài sản tăng tối thiểu 10% so với năm 2018, tăng cường nâng cao năng lực tài chính, củng cố nền tảng để sẵn sàng cho lộ trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ”, lãnh đạo ngân hàng chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa đang chậm so với tiến độ đề ra bởi những thách thức, vướng mắc khi Agribank là NHTM có tổng tài sản lớn. Riêng đất đai thuộc quyền quản lý sử dụng của ngân hàng đã tới gần 3 triệu m2 với nguồn gốc hình thành đa dạng. Ngân hàng cũng có số lượng khách hàng đông nhất với hàng chục triệu khách hàng có quan hệ giao dịch tiền gửi, tiền vay, nên các khoản phải thu, phải trả cũng nhiều nhất, do vậy, việc xác định giá trị doanh nghiệp của Agribank cũng sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian nhất.

Bên cạnh đó, Agribank hiện đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức không hề nhỏ, trong đó nan giải nhất là bài toán tăng vốn. Từ một ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ, hiện nay Agribank có vốn điều lệ gần 30.500 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm “Big 4” NHTM. Với quy mô tài sản, nguồn vốn, đầu tư tín dụng đều trên 1 triệu tỷ đồng, dẫn đầu toàn hệ thống và thực hiện vai trò chủ đạo trong tín dụng nông nghiệp nông thôn, hàng năm tăng trưởng tín dụng từ 11-14% để đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, từ cuối năm 2018, Nghị định 116 của Chính phủ về sửa đổi Nghị định 55 có hiệu lực đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng vay vốn không có tài sản đảm bảo, tuy nhiên lại là áp lực đối với Agribank khi tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn trên 70% và chủ yếu là cho vay không có tài sản đảm bảo dẫn đến quy mô tài sản có rủi ro tăng mạnh (70-80 nghìn tỷ đồng mỗi năm).

Đây là lĩnh vực đầu tư chính của Agribank nhưng lại thường xuyên phải đối mặt với rủi ro thiên tai bất khả kháng, chi phí hoạt động lớn và rủi ro cao. Ngoài huy động vốn cạnh tranh bình đẳng như các NHTM khác, trong cơ cấu tín dụng, Agribank dành một phần lớn cho các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất cho vay ưu đãi thấp, tuy vậy, ngân hàng thường xuyên trong tình trạng chưa nhận được đủ cấp bù lãi suất.

Do đó, để quá trình cổ phần hóa thành công, ngoài những nỗ lực tự thân, Agribank cũng mong muốn Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành cùng tích cực “vào cuộc” hỗ trợ Agribank sớm tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, tăng năng lực tài chính và tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, tự chủ hơn trong quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh, tiếp tục làm tròn sứ mệnh vì sự nghiệp phát triển “Tam nông” và có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa đối với nền kinh tế đất nước.

Lê Minh

Tin đọc nhiều