Xây dựng và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp |
Ảnh minh họa |
Trước thực trạng nhà vệ sinh công cộng “quá tải” trong bối cảnh lượng du khách du lịch ngày càng tăng, chất lượng phục vụ nhiều nơi không được đảm bảo, đầu năm 2015, Hội DN quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng) đã thực hiện sáng kiến xây dựng các nhà vệ sinh cộng đồng phục vụ miễn phí cho du khách và người dân địa phương.
Để hiện thực hóa được sáng kiến này, Hội đã ký một thỏa thuận hợp tác ba bên với Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP. Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng thành lập một Ban quản lý thực hiện dự án với khẩu hiệu: “Thoải mái như ở nhà” trên địa bàn quận Hải Châu.
Nguồn lực hỗ trợ ở đây không phải là tiền mà là phương tiện và cơ sở vật chất, là dịch vụ… và nó góp phần giải quyết tận gốc rễ tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn, khi mà nếu cứ chờ ngân sách Nhà nước thì sẽ rất lâu mới có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, vì nguồn lực được huy động ở đây từ chính các cơ sở vệ sinh của tư nhân, là tài sản của họ nên được chăm sóc duy trì rất tốt, đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn và các tiêu chuẩn văn minh đối với du khách.
Vai trò của Hội DN quận Hải Châu trong dự án này là tổ chức xã hội đã phát hiện vấn đề và đề xuất giải pháp; cũng như kết nối, vận động, huy động nguồn lực; là yếu tố then chốt để dự án thành công và được chính quyền nhìn nhận, thu hút được sự quan tâm của truyền thông và cộng đồng…
Một dự án xã hội cũng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng khác là dự án “Xã hội hóa Công viên Cầu Giấy” (Hà Nội). Với kinh phí 8 tỷ đồng huy động từ 13 DN và 30 cá nhân, chủ yếu là trên địa bàn, một khu vui chơi giải trí đã được xây dựng và hoạt động từ năm 2013 với nhiều mô hình trò chơi thu hút mọi lứa tuổi.
Để thực hiện dự án, các DN đóng góp bằng chính sản phẩm và dịch vụ của mình. Khu vui chơi đã mang lại những giá trị lớn về kinh tế, xã hội và môi trường cho cộng đồng và DN. Điểm đặc biệt ở công viên này là ý thức người dân bảo vệ, giữ gìn vệ sinh tốt, tạo một không gian công cộng sạch đẹp thu hút sự tập trung dân cư, sự đầu tư các DN ở khu vực này.
Ngược trở lại miền Trung, dự án “Xây dựng nhà cộng đồng Cẩm Thanh” trên địa bàn TP. Hội An do tổ chức Hành động vì đô thị thực hiện cũng huy động được nhiều nguồn lực từ các DN trên địa bàn và sự ủng hộ, tham gia của chính quyền, người dân địa phương. Thành công của dự án này đã biến một khu đất hoang hóa thành nhà cộng đồng được người dân sử dụng cho các mục đích công như các buổi họp, sinh hoạt của cộng đồng, một nơi tổ chức sự kiện.
Từ hạt nhân này, một quần thể các công trình đã và đang được xây dựng xung quanh đó như sân chơi Cẩm Thanh, sân bóng mini... Nhờ đó, người dân, chính quyền địa phương được hưởng những lợi ích trực tiếp dự án này đem lại…
Những thành công tại các dự án xã hội hóa đầu tư công trình công cộng nêu trên cho thấy một bức tranh rất khác so với nhiều hoạt động thiện nguyện hiện nay, vốn chỉ được coi là những đóng góp vật chất dưới hình thức cứu trợ khẩn cấp thông qua các tổ chức, đoàn thể. Chính cách hiểu này dẫn đến hạn chế là hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa phát huy hết tiềm năng nguồn lực và chưa được khơi dậy năng lực vượt khó của người nhận.
Trong khi từ cả ba ví dụ trên, điểm có thể thấy rõ là sự tham gia của DN chủ yếu từ việc đóng góp các nguồn lực sẵn có như sản phẩm, dịch vụ, lao động tình nguyện, kiến thức chuyên gia… bên cạnh những khoản đóng góp tài chính không thể thiếu.
Đồng thời, nó cũng cho thấy tầm quan trọng của tổ chức xã hội đóng vai trò khởi phát sáng kiến, kết nối, điều phối nguồn lực, cũng như có sự cam kết, nỗ lực để duy trì và nhân rộng các kết quả tốt đẹp sau dự án như: Hiệp hội DN quận Hải Châu, Trung tâm Hành động vì đô thị, Ban quản lý Dự án Công viên Cầu Giấy. Để từ đó đi vào nhận thức và biến thành sự tham gia ủng hộ của dân cư, chính quyền địa phương - những nhân tố quyết định đến sự thành công cũng như duy trì kết quả tốt đẹp, lâu dài của dự án.
Trên thực tế, đóng góp cho xã hội vừa là trách nhiệm của DN, đồng thời cũng luôn là tâm huyết của các doanh nhân. Với những DN có tầm nhìn và chiến lược kinh doanh dài hạn, việc phát triển nguồn nhân lực, phát triển thương hiệu, văn hóa DN luôn nằm trong chiến lược phát triển của họ và việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội thể hiện trách nhiệm xã hội của DN.
Thực hiện tốt điều đó sẽ xây dựng thương hiệu uy tín của DN đối với cộng đồng, hoàn thành nghĩa vụ pháp lý đồng thời được thụ hưởng những lợi ích từ hoạt động đó mang lại như sự ưu đãi của chính quyền, sự ủng hộ của người dân trong các hoạt động phát triển DN.
Đã đến lúc chúng ta cần tự hỏi và nghiêm túc tìm kiếm câu trả lời: Phải chăng đã đến lúc cần thay đổi về nhận thức và hành vi đóng góp từ thiện; ý thức chung tay góp sức giải quyết các vấn đề xã hội từ phía DN, các tổ chức xã hội và cộng đồng… để có thể tạo ra những thay đổi to lớn hơn, bền vững hơn về trách nhiệm xã hội của DN và người dân?
Vũ Minh Yến