Kinh nghiệm phòng ngừa tranh chấp hợp đồng đối tác công tư

05:58 | 05/07/2019

Ngày 4/7, tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) tổ chức Hội thảo phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng: Kinh nghiệm Việt Nam, Thực tiễn quốc tế & Định hướng chính sách.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Nỗ lực của VCCI, với tư cách là tổ chức đại diện cho tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp, tham gia tích cực vào quá trình góp ý chính sách, xây dựng pháp luật, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập sâu rộng của nền kinh tế đất nước.

kinh nghiem phong ngua tranh chap hop dong doi tac cong tu

Việc VCCI cùng với VIAC (tổ chức trọng tài bên cạnh VCCI), hợp tác cùng KCAB (tổ chức trọng tài duy nhất của Hàn Quốc) tổ chức hội thảo chuyên sâu về lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại và phòng ngừa leo thang thành các vụ kiện nhà đầu tư - nhà nước trong phát sinh từ hoạt động đầu tư công theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang được xã hội rất quan tâm hiện nay chính là cụ thể hóa nỗ lực và hướng đi của VCCI.

Ông Hoàng Quang Phòng nhận định, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh do đó nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng tiếp tục cần nhiều nguồn lực trong thời gian tới và mô hình hợp tác công tư được đánh giá là nguồn thu hút vốn đầu tư từ xã hội vào phát triển cơ sở hạ tầng.

Khi Việt Nam không còn là quốc gia nghèo đói, cơ cấu các nguồn vốn vay cũng thay đổi, các khoản vay ưu đãi ít đi và các khoản vay thương mại nhiều hơn. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước có hạn, nợ công và nợ nước ngoài đã gần chạm ngưỡng an toàn, điều kiện cho vay của các tổ chức quốc tế kém ưu đãi hơn, nhất là đối với vốn ODA, thì việc huy động nguồn lực từ xã hội là một giải pháp cần thiết và tất yếu.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư theo mô hình đối tác Công - Tư (PPP) đã được áp dụng tại Việt Nam và đã khẳng định được đây là một giải pháp hiệu quả để thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân.

Ông Le Ho Won, Chủ tịch Ủy ban Trọng tài thương mại Hàn Quốc (KCAB) khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa KCAB và VIAC và mục tiêu chung của hai tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện chuyên môn phục vụ không chỉ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc mà còn các nhà đầu tư nước ngoài đang và sẽ tìm tới Việt Nam như là một điểm đến đầu tư khả thi và ổn định.

Theo ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình thạc sỹ Quản lý công, Đại học Fulbright Việt Nam, các phương thức mà luật pháp cũng như các Hiệp định bảo hộ đầu tư, Hiệp đình thương mại mà Việt Nam tham gia đã cung cấp cho khối tư nhân để bảo vệ khoản đầu tư của mình khi có tranh chấp. Trong đó, ông Phạm Duy Nghĩa nhấn mạnh những ưu điểm của các phương thức dân sự, thương mại & phương thức đối thoại (hòa giải), giúp giảm thiểu căng thẳng; tránh nguy cơ tạo ra các vụ kiện chính phủ.

Ông Đỗ Trọng Hải, Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Bizlink, Trọng tài viên VIAC đưa ra các thông tin cụ thể hơn về một số loại tranh chấp điển hình có thể phát sinh trong mô hình tài chính của một dự án PPP trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Ông Đỗ Trọng Hải nhấn mạnh phương thức giải quyết thông qua hòa giải thương mại – được đánh giá là phương án tốt nhất cho các tranh chấp giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong mối quan hệ đối tác công – tư tại Việt Nam hiện nay.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phan Trọng Đạt, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam, thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng Chính phủ cũng đang tiếp cận theo hướng nỗ lực xử lý ngay, dứt điểm các tranh chấp phát sinh ở cấp độ hợp đồng (dân sự/thương mại) và xử lý tranh chấp thông qua đối thoại; tránh nguy cơ leo thang thành tranh chấp đầu tư; tạo môi trường kinh doanh ổn định.

Hồng Hạnh

Tin đọc nhiều