Tạo nền tảng cho kinh tế số | |
Tín dụng tiêu dùng: Góp phần ngăn chặn tín dụng đen |
Tài xế đang thực hiện vay trực tuyến từ Easy Credit trên ứng dụng ViettelPay |
Sẵn sàng cho vay mua hàng qua mạng
Báo cáo kinh tế số 2019 do Google, Temasek Holding và Bain&Co thực hiện vừa được công bố mới đây cho thấy, quy mô kinh tế số tại Việt Nam và Indonesia có tốc độ tăng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng mỗi năm 40%, trong khi ở các nước Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines tốc độ tăng trưởng kinh tế số mỗi năm ở mức thấp hơn một chút 20-30%.
Báo cáo dự báo, kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 12 tỷ USD vào năm nay, tăng 38% hàng năm kể từ năm 2015, trong đó thương mại điện tử với những thương hiệu bán hàng qua mạng nội địa Sendo, Tiki đang cạnh tranh rất mạnh với các thương hiệu trong khu vực Lazada, Shopee, sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế số trong những năm tới.
Thực ra, hoạt động thương mại điện tử với việc phân phối hàng hóa dịch vụ thông qua mạng internet đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân tại hai đô thị Hà Nội và TP.HCM những năm gần đây. Hiện 4 sàn giao dịch thương mại điện tử Lazada, Shopee, Sendo, Tiki đang chiếm lĩnh hơn 80% thị phần bán hàng qua mạng ở Việt Nam. Các trang thương mại điện tử lớn này đã tạo thành một sàn giao dịch để cho các nhà cung ứng hàng hóa dịch vụ thuê “gian hàng ảo” trưng bày trên mạng rất sôi động.
Khi mọi hàng hóa dịch vụ đã được rao bán và giao dịch trên các sàn thương mại điện tử lớn, các công ty tài chính đã tham gia vào các gian hàng trên mạng để cung cấp dịch vụ và thanh toán không tiền mặt cho người tiêu dùng. Ông Nguyễn Mai Long - Giám đốc Điều hành Easy Credit (một thương hiệu cho vay tiêu dùng của Công ty Tài chính Điện lực - EVN Finance) cho biết, sau một năm hoạt động Easy Credit vừa hợp tác với Viettel để thực hiện cho vay tiêu dùng và thanh toán điện tử phục vụ người tiêu dùng.
Theo đó, Easy Credit cũng xuất hiện bên cạnh các gian hàng điện tử trên các trang thương mại điện tử lớn như các nhà cung ứng hàng hóa khác để phục vụ người tiêu dùng thanh toán khi mua sắm online.
“Hình thức cho vay tiền mặt của chúng tôi với lợi thế tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng, công ty giải ngân vốn tín dụng tiêu dùng vào tài khoản ngân hàng người vay có thể rút vốn qua quầy giao dịch, máy ATM. Hoặc giải ngân vốn tín dụng tiêu dùng qua các công cụ tài chính khác trong khi người tiêu dùng chờ thanh toán khi mua sắm”, ông Long nói.
Không những vậy, hiện các nhà cung ứng dịch vụ thanh toán luôn đứng bên cạnh các hàng hóa dịch vụ trên các trang thương mại điện tử để phục vụ khách thanh toán không tiền mặt.
Ông Nguyễn Mạnh Tường - Chủ tịch Ví điện tử MoMo cho biết, “các nghiên cứu của chúng tôi, thẻ tín dụng ở Việt Nam hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 7% trong tổng lượng thanh toán không dùng tiền mặt trên thị trường, 93% còn lại đang là cơ hội cho các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử khai thác. Hiện nay đã có gần 13 triệu khách hàng sử dụng Ví điện tử MoMo để thanh toán và chúng tôi đã có hợp tác với công ty lớn nhất của Mỹ là Apple bằng việc Ví điện tử MoMo có trên ứng dụng App Store, khách hàng nhỏ nhất là chị bán bún bò ở chợ cũng có thể thanh toán bằng QR Code. Ngoài ra, chúng tôi đang nghiên cứu xem xét đề nghị cơ quan quản lý được tham gia Sandbox phần xác thực khách hàng điện tử - eKYC để phục vụ khách hàng tốt hơn”.
Kênh thanh toán vẫn đứng chờ
Một trong bốn trụ cột của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg là thúc đẩy thanh toán điện tử. Theo số liệu của Vụ Thanh toán (NHNN), tính đến cuối tháng 8/2019, có 76 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua internet, 44 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động; 24 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán di động áp dụng QR Code, toàn thị trường có hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code; hơn 44 đơn vị tổ chức thanh toán điện thoại di động.
Đặc biệt, cơ sở hạ tầng viễn thông của Việt Nam được đầu tư và phát triển thuộc hàng tốt nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á là một trong những tiền đề vô cùng thuận lợi để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số người sử dụng điện thoại thông minh lên đến 51 triệu người, chiếm 55% dân số; 50 triệu người sử dụng Internet, chiếm 52% dân số; hơn nữa mạng viễn thông 3G/4G phủ sóng cả nước.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho rằng, chất lượng hàng hóa bán qua mạng hiện còn chưa tạo được niềm tin của người tiêu dùng đã cản trở hoạt động thanh toán không tiền mặt, do không tin tưởng chất lượng hàng hóa nên người mua hàng online thường có thói quen nhận hàng kiểm tra mới thanh toán bằng tiền mặt.
Trong một thống kê của Vecom 38% khách hàng online mong muốn các cửa hàng trực tuyến muốn giao hàng nhanh, nguyên do giao hàng online chậm cũng có một phần nguyên nhân người tiêu dùng online thanh toán bằng tiền mặt. Trong khi đó, thị trường thương mại điện tử hai thành phố Hà Nội và TP.HCM chiếm đến 70% lượng hàng hóa giao dịch.
Hiện NHNN đang sửa đổi một số quy định về xác thực khách hàng điện tử, theo hướng người dùng sẽ đến giao dịch tại quầy một lần đầu tiên để đảm bảo các quy định phòng chống rửa tiền. Khi đó, mọi giao dịch tiền vay tiêu dùng, thanh toán mua hàng hóa online sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn có thể sẽ là một bước tiến trong thanh toán không dùng tiền mặt để thúc đẩy thương mại điện tử.
Trần Duy Đông