Kinh tế tư nhân trước yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng

12:00 | 02/05/2019

Thực tế đang đòi hỏi khu vực kinh tế tư nhân cần nhanh chóng đổi mới mô hình tăng trưởng của chính mình.

Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân cùng bứt phá
Nâng cao nguồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân
Phát triển kinh tế tư nhân: Nếu lạc nhịp sẽ không thể thành công

​Năm 2017, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã được ban hành, khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

kinh te tu nhan truoc yeu cau doi moi mo hinh tang truong
DN tư nhân cần chú trọng nhiều hơn vào chất lượng tăng trưởng

Ba thập kỷ phát triển vượt bậc về quy mô và số lượng

Khu vực kinh tế tư nhân là nhân tố đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây. Khu vực tư nhân trong nước chiếm 38,6% GDP năm 2016 (trong tỷ lệ này, DN đăng ký chính thức chiếm 8,2%, khu vực hộ kinh doanh chiếm 30,43%). Khu vực tư nhân nước ngoài (FDI) đóng góp 18,95% vào GDP. Khu vực tư nhân đóng góp chính cho tạo việc làm, giảm nghèo, tăng trưởng bền vững và toàn diện ở Việt Nam. Nếu không tính khu vực hộ kinh doanh, các DN tư nhân trong nước và các DN vốn đầu tư nước ngoài tạo ra 3,35 triệu việc làm mới trong giai đoạn 2010-2015, tức là trung bình 557.000 việc làm mới mỗi năm. Các DN tư nhân đóng góp đáng kể vào sự mở rộng phạm vi che phủ của các chương trình an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội. Các DN đóng góp khoảng 39 tỷ USD vào ngân sách Nhà nước vào năm 2016, chiếm 79,8% tổng thu ngân sách.

Kinh tế tư nhân và áp lực phải đổi mới mô hình tăng trưởng

Tuy nhiên, thực tế đang đòi hỏi khu vực kinh tế tư nhân cần nhanh chóng đổi mới mô hình tăng trưởng của chính mình. Ba thập kỷ vừa qua đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc về quy mô và về lượng. Những con số tăng trưởng về lượng của kinh tế tư nhân đã che lấp một thực tế rằng các DN tư nhân trong nước thuộc khu vực được đăng ký chính thức mới chỉ đóng góp vỏn vẹn 8,2% GDP. Phần lớn của mức đóng góp 38,64% vào GDP bởi khu vực kinh tế tư nhân là từ các hộ kinh doanh – vốn vẫn đang bị coi là thuộc khu vực không chính thức và có năng suất thấp hơn.

Hiện tượng thiếu vắng các DN cỡ lớn dẫn tới một cấu trúc mất cân đối của các DN tư nhân chính thức. Số lượng DN lớn của Việt Nam tương đối ít ỏi với 7.143 DN được xếp hạng là quy mô lớn tính đến cuối năm 2017. Nhưng điều đáng lưu ý hơn là số lượng các DN cỡ vừa cũng chỉ đạt 7.400 DN, chiếm tỷ trọng 1,4% trên tổng số DN. Điều này khác biệt hoàn toàn so với cấu trúc tại các nền kinh tế khác có khu vực DN phát triển bền vững hơn, trong đó tỷ trọng các DN cỡ vừa thường chiếm từ 5-10%.

Mặc dù được xếp hạng là DN lớn, nhưng quy mô trung bình của các DN lớn trong khu vực tư nhân của Việt Nam cũng nhỏ bé hơn rất nhiều so với mức trung bình tại các quốc gia trong khu vực. Ví dụ, các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, những đại diện tiêu biểu nhất cho các DN tư nhân lớn ở Việt Nam, cho thấy quy mô vốn hóa trung bình của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán của Việt Nam chỉ là 186 triệu USD/công ty vào năm 2018.

Quy mô vốn này thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 1,2 tỷ USD/công ty tại Philippines; 1,07 tỷ USD/công ty tại Singapore, 835 triệu USD/công ty tại Thái Lan, 809 triệu USD/công ty tại Indonesia và 553 triệu USD/công ty tại Malaysia tính đến thời điểm cuối tháng 4 năm 2018. Số lượng các DN từ nhỏ vươn lên quy mô vừa và từ quy mô vừa lên quy mô lớn rất thấp. Quá trình tích tụ vốn bằng nguồn nội lực trong các DN tư nhân trong nước diễn ra với tốc độ chậm chạp.

Rõ ràng là Việt Nam cần đặt trọng tâm chính sách vào việc ngày càng có nhiều công ty lớn và được quản trị tốt hơn. Các DN tư nhân lớn sẽ có cơ hội tốt hơn để đạt được năng suất cao hơn, có xu thế đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, nghiên cứu, phát triển. DN lớn cũng có thể trở thành DN dẫn đầu, đóng vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng của toàn bộ một ngành, một chuỗi giá trị hoặc một cụm DN. Các DN lớn sẽ là hạt nhân để liên kết nhiều DN nhỏ hơn và trở thành động lực hoặc đầu tàu cho sự phát triển của cả một ngành hoặc một cụm DN. Cần có một chính sách khẳng định rõ ràng về việc các DN tư nhân trong nước sẽ là trụ cột của nền kinh tế quốc dân và của năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cần chú trọng nhiều hơn tới chất lượng tăng trưởng

Các mục tiêu tăng trưởng DN tư nhân cần chú trọng nhiều hơn vào chất lượng tăng trưởng của các DN tư nhân. Thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu tăng hàng trăm ngàn DN trong thời gian tới, chính sách phát triển kinh tế tư nhân cần nhấn mạnh vào các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng, ví dụ như năng suất tại cấp độ DN, quy mô của DN, trình độ công nghệ được ứng dụng, trình độ sáng tạo, hiệu quả hoạt động tài chính, và khả năng kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp cho các mục tiêu về xã hội, môi trường. Các chính sách nhằm thúc đẩy quá trình tích tụ vốn, khuyến khích các DN nhỏ và siêu nhỏ phát triển thành DN quy mô vừa, và các DN quy mô vừa thành các DN lớn cần được triển khai thực hiện.

Khu vực kinh tế tư nhân đang phải đối diện với sự suy giảm của những nguồn lực vốn một thời được coi là dồi dào và phong phú. Việt Nam ngày càng trở nên kém cạnh tranh hơn về chi phí nhân công vì tiền lương của người lao động gia tăng liên tục trong những năm gần đây. Những lợi ích của thời kỳ dân số vàng mà khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã từng được hưởng lợi đáng kể trước đây đang suy giảm dần.

Trên thực tế, DN tư nhân trong nước và khu vực hộ kinh doanh thời gian qua chủ yếu dựa vào lợi thế về giai đoạn dân số vàng này và vào chi phí nhân công thấp để tăng trưởng và tạo ra tới 38,64% GDP (năm 2016). Tuy nhiên, các DN tư nhân trong nước tỏ ra chậm thích ứng với sự suy giảm của nguồn lực vốn được coi là dồi dào, phong phú và có chi phí thấp này. Khu vực kinh tế tư nhân cần chuẩn bị tốt hơn cho thực trạng già hóa dân số, về việc thời kỳ “dân số vàng” sẽ sớm trôi qua và chi phí lao động ngày một tăng.

Chính sách phát triển DN cần ưu tiên vào việc nâng cao năng lực của DN tư nhân trong việc ứng dụng và nâng cao trình độ công nghệ. Việc ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ một cách có chiến lược, kiên trì, liên tục và thông minh sẽ dẫn đến việc tích lũy về bí quyết, công nghệ, kiến thức và sau đó là sáng tạo và phát minh, sáng chế. Giáo trình giảng dạy và đào tạo về nội dung khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) cần được cập nhật và cải tiến liên tục. Cùng với xu hướng của Công nghiệp 4.0, sự tăng trưởng của khu vực tư nhân cần phải được dẫn dắt bởi các hoạt động sáng tạo, phải được hướng tới mục tiêu năng suất cao hơn nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh vững chắc trong những thập niên sắp tới.

Tính phân tán và thiếu tương tác giữa khu vực DN nhà nước, và khu vực DN tư nhân trong và ngoài nước cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Hiện tượng ba nền kinh tế trong một nền kinh tế như hiện nay rõ ràng không có lợi cho sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế và của khu vực kinh tế tư nhân. Mức độ mua sắm hàng hóa và dịch vụ của các DN lớn, DNNN và DN FDI từ các DN nhỏ là hết sức hạn chế. DNNN và DN lớn hơn chưa trở thành nhà cung cấp đáng tin cậy về nguyên liệu đầu vào, máy móc mà DN nhỏ cần cho quá trình sản xuất và cung ứng dịch vụ.

Sự chuyển giao công nghệ giữa các DN FDI và DN trong nước ở mức độ không đáng kể. Trách nhiệm xã hội, tính liêm chính trong hoạt động kinh doanh cần được chú trọng và đề cao. Rõ ràng, đây là những vấn đề cần sớm được khắc phục nhằm đổi mới mô hình và mục tiêu tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế Economica Vietnam

Tin đọc nhiều