Làm mới mình để cảm hóa khách hàng

10:04 | 17/08/2017

Cuối 2016 đã đánh dấu một bước chuyển mới về chất của VIB trong cung ứng dịch vụ với việc tách Khối KHDN SME ra khỏi Khối KHDN với cơ cấu tổ chức đặc thù...

VIB được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối
VIB: Lợi nhuận trước thuế 380 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch năm
VIB được triển khai hoạt động mua nợ

“Cải cách hành chính (CCHC) và cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), chúng tôi coi là phần việc quan trọng, gắn sát sao với hoạt động kinh doanh của ngân hàng, gắn với cải tiến hoạt động ngân hàng. Chính vì vậy, chúng tôi xác định đây phải là chương trình hoạt động nhất quán, thường xuyên, liên tục theo chỉ đạo của NHNN cũng như hỗ trợ cải thiện hoạt động kinh doanh của mình”, Phó tổng giám đốc NHTMCP Quốc tế (VIB) Ân Thanh Sơn cho biết. CCHC và TTHC cũng đã và đang trở thành động lực để VIB hướng tới mảng thị phần trọng tâm cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đưa dư nợ khu vực này lên 16-17% trong tổng dư nợ.

lam moi minh de cam hoa khach hang
VIB cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ DN và phát triển kinh tế đất nước

Cân đong từng khoảnh khắc

Ông Ân Thanh Sơn cho biết, hiện VIB đã thành lập các trung tâm kinh doanh chuyên biệt phụ vụ khách hàng doanh nghiệp (KHDN) SME với đội ngũ cán bộ kinh doanh phục vụ riêng phân khúc này phủ trên 27 tỉnh thành gắn với các chi nhánh trên địa bàn, sản phẩm cung cấp trên 160 chi nhánh phòng giao dịch trên toàn quốc.

Trước đó, từ năm 2012 VIB đã tập trung giảm thiểu thời gian xử lý hồ sơ của khách hàng. Dù việc tập trung hóa toàn bộ các khoản cấp tín dụng khách hàng DN được phê duyệt tại khối quản trị rủi ro và các Ủy ban tín dụng đã giúp NH quản trị tốt hơn rủi ro tín dụng, giảm thiểu rủi ro hoạt động. Tuy nhiên quá trình này cũng có thể làm chậm tiến độ phê duyệt do số lượng hồ sơ tập trung tại hội sở chính quá nhiều, quy trình tiếp cận hồ sơ phức tạp.

Để giải quyết tình trạng đó, năm 2012 VIB đã thực hiện việc cải tiến cấp thủ tục tín dụng và ban hành SLA giữa Khối quản trị rủi ro - đơn vị chịu trách nhiệm tái thẩm định, phê duyệt và trình phê duyệt tín dụng và Khối KHDN về thời gian thẩm định, và phê duyệt khoản vay. Đồng thời, đưa nội dung này vào hệ thống KPI của khối Quản trị rủi ro. SLA đầu tiên ban hành năm 2012 đã góp phần rút tổng thời gian làm việc xuống còn 38 giờ.

Tuy nhiên, thời gian xử lý thủ tục vẫn chưa dừng lại ở con số đó. Năm 2017, trên cơ sở nghiên cứu và thị sát thực tế cho thấy tốc độ phục vụ sản phẩm vay vốn cần xử lý nhanh hơn và có thể làm được do kế hoạch vay của các DN SME không quá dài hơi (thường nhiều khoản vay ngắn hạn), một lần nữa VIB lại tiếp tục cải tiến SLA, giảm tổng thời gian cho các hạn mức tín dụng ngắn hạn từ 38 giờ xuống còn 36 giờ.

Ngoài ra, VIB còn áp dụng quy trình chuyên biệt cho khách hàng SME như cho vay ô tô, vốn lưu động, tuy nhiên thời gian để phê duyệt tối đa chỉ 16 giờ. Thực tế sau 5 năm áp dụng đã nhận được các phản hồi tích cực từ phía khách hàng DN về chất lượng và tiến độ xử lý khoản vay.

Thời gian tới với việc hoàn thiện đưa hệ thống khởi tạo khoản vay (LOS) vào áp dụng cho một số sản phẩm tín dụng của khách hàng SME, VIB kỳ vọng sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt tín dụng hơn nữa để đảm bảo cung ứng vốn kịp thời cho hoạt động kinh doanh của khách hàng.

Một điểm đột phá khác đó là việc giải ngân của VIB cũng đã tập trung hóa tại Trung tâm giao dịch tín dụng. Từ năm 2013 đến nay, trung tâm này đã hoàn tất Bản cam kết cung cấp dịch vụ SLA đối với các khối kinh doanh liên quan đến thời gian giải ngân kể từ khi nhận được phê duyệt tín dụng. Để thực hiện được các cam kết này, quy trình giao dịch cũng đã được VIB hoàn thiện, chỉnh sửa bổ sung theo hướng tinh gọn, giảm thiểu các khâu, thủ tục trước khi giải ngân.

Hiện tại các quy trình liên quan đến giao dịch tín dụng đang được VIB xây dựng lại theo hướng tự động hóa tối đa, giảm thiểu các công đoạn thủ công. “Sau khi hoàn thành, thời gian giao dịch sẽ được rút ngắn nhiều hơn, góp phần cải tiến quy trình cấp tín dụng, gia tăng dịch vụ cung cấp cho khách hàng”, ông Sơn đặt kỳ vọng.

Gia tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ

Cuối 2016 đã đánh dấu một bước chuyển mới về chất của VIB trong cung ứng dịch vụ với việc tách Khối KHDN SME ra khỏi Khối KHDN với cơ cấu tổ chức đặc thù nhằm đẩy nhanh quá trình thẩm định và phê duyệt tín dụng với việc thành lập trung tâm thẩm định tín dụng và Kiểm soát nội bộ trực thuộc khối.

Với cơ cấu này, các chuyên viên thẩm định chuyên trách làm nhiệm vụ lập tờ trình thẩm định tín dụng. Các chuyên gia phê duyệt có thẩm quyền phê duyệt tín dụng cá nhân ở mức phù hợp với đa số nhu cầu của nhóm khách hàng này mà không phải chuyển lên Khối quản trị rủi ro. VIB cũng có riêng quy định về việc giao thẩm quyền miễn giảm hồ sơ cấp tín dụng một cách hợp lý cho cấp phê duyệt phù hợp, rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ đối với đối tượng KHDN SME.

Một chính sách quy trình áp dụng riêng cho KHDN SME cũng đã được ban hành với bộ tiêu chí cấp tín dụng áp dụng riêng với các tiêu chí cấp tín dụng phù hợp với đặc thù, cơ cấu tổ chức của DN SME. VIB cũng có quy định riêng về hồ sơ cấp tín dụng cho đối tượng KHDN chi tiết cho từng loại hình cấp tín dụng. Cùng với đó là các chính sách ưu đãi về lãi suất tuân thủ theo quy định của NHNN đối với ngành lĩnh vực, trong đó có đối tượng KHDN SME.

Đặc biệt từ năm 2014 đến nay, VIB liên tục nghiên cứu ban hành và ra các sản phẩm, chương trình tín dụng chuẩn nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của từng phân khúc KHDN trong đó chú trọng tới các KHDN SME mới thành lập, từ cho vay tài trợ vốn lưu động, cho vay mua ô tô, bổ sung vốn kinh doanh đến các chính sách cấp tín dụng cho các nhà phân phối trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh, DN đầu tư và kinh doanh khách sạn, DN ngành dược, vật tư và thiết bị y tế…

Đối với các nhu cầu giao dịch và thanh toán, VIB đã triển khai mô hình Quầy phục vụ khách hàng dành riêng cho KHDN tại các chi nhánh có hiện diện của các Trung tâm kinh doanh KHDN nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giao dịch.

Bên cạnh việc đưa các kênh thanh toán truyền thống và điện tử vào phục vụ khách hàng thanh toán các dịch vụ của KHDN, VIB cũng đã phối hợp với các nhà sản xuất để đưa ra các giải pháp quản lý dòng tiền cho các nhà phân phối hàng hóa của các nhà sản xuất như giải pháp thu hộ tiền mặt, tài khoản tập trung, ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi… Những nỗ lực cải tiến này đã nhận được phản hồi tích cực từ phía khách hàng.

Phó tổng giám đốc Ân Thanh Sơn cho biết, trong thời gian tới VIB sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp và hành động để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cấp tín dụng đối với KHDN SME bao gồm rà soát chỉnh sửa các sản phẩm hiện tại theo hướng đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian giao dịch; phát triển các sản phẩm mới đáp ứng đầy đủ nhu cầu tín dụng của KHDN SME. Tuy nhiên, những nỗ lực từ phía ngân hàng chưa đủ để khơi thông tín dụng cho KHDN khi những rào cản đó không đến từ phía ngân hàng mà đến từ những khó khăn, vướng mắc nội tại của DN cũng như những quy định không thuộc thẩm quyền của ngân hàng.

Ông Ân Thanh Sơn thêm một lần nhấn mạnh, tính minh bạch và chất lượng hồ sơ tài chính của các DN SME còn thấp. Các báo cáo tài chính có thể chênh lệch lớn giữa Báo cáo điều hành, Báo cáo thuế và Báo cáo kiểm toán. Tình trạng lập giả mạo hồ sơ vẫn còn nhiều. Hơn thế, nhu cầu vay vốn của các SME còn lớn nhưng phần lớn không có đủ TSĐB để thỏa mãn điều kiện vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, do hồ sơ vay vốn có độ minh bạch thấp, các ngân hàng đòi hỏi các SME phải có đủ TSĐB và đây là khó khăn cho các DN SME trong việc huy động vốn.

Chính vì vậy, những người làm ngân hàng như ông Sơn mong muốn có sự hỗ trợ bảo lãnh vay vốn của Chính phủ với SME để gia tăng năng lực tiếp cận tín dụng, đặc biệt các lĩnh vực ưu tiên. Các cơ quan chức năng cũng cần có giải pháp ở góc độ kế toán tài chính để kiểm soát tính minh bạch các báo cáo để các ngân hàng có thể chấp nhận được Báo cáo điều hành làm cơ sở xem xét thẩm tra phê duyệt các khoản vay thay vì chờ báo cáo thuế sau nửa năm kết thúc năm tài chính vẫn chưa có.

Đặc biệt VIB đề nghị NHNN kiến nghị Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách dịch vụ Đăng ký giao dịch TSĐB cho tài sản là bất động sản, để đảm bảo thời gian trả kết quả cho các TCTD theo luật định, hướng dẫn cụ thể và đồng bộ về việc đăng ký giao dịch cho tài sản là bất động sản hình thành trong tương lai; Hướng đến việc thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo trực tuyến tương tự như với động sản.

“VIB cũng cam kết sẽ tiếp tục đầu tư vào con người, mạng lưới công nghệ, hạ tầng cũng như liên tục cải tiến các quy trình thủ tục hành chính, nghiệp vụ nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, dịch vụ dành cho KHDN góp phần hỗ trợ DN và phát triển kinh tế đất nước”, ông Sơn cho biết.

Hoàng Tiên

Tin đọc nhiều